Thực phẩm bẩn - người dân đang bị 'đầu độc' bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý? (Kỳ 3): Ai bưng bít cho các 'lò rượu độc'?

Cảnh dùng nước lã pha cồn vào những phuy rượu ném lăn lóc rệ đê sông Cầu diễn ra đã nhiều năm ròng. Ảnh: P.V

Ở hai bài phóng sự trước chúng tôi đã miêu tả hành trình thâm nhập các “tổng kho” thịt lợn chết với những ông bà trùm cai quản hàng chục tấn thịt độc hại lẽ ra phải đem tiêu hủy. Họ biến thịt ấy thành xúc xích, giăm bông, chân giò hun khói... Họ là cả một làng với cả trăm lò luyện mỡ thối. Họ hoạt động nghênh ngang, mua bán ầm ỹ cả khu vực rộng lớn ai cũng biết, trừ những người có trách nhiệm và quyền lợi liên quan. Nếu xã hội chấp nhận lối quản lý ấy, thì cũng có nghĩa là chúng ta đồng thuận để bị đầu độc tập thể... Nhưng, đáng sợ hơn là những chuyện nực cười ở “làng rượu độc”...

“Rượu đê” ném bờ cỏ ven đường

Chuyện diễn ra ở làng Đại Lâm (và vài làng bên cạnh) của xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đã gần 20 năm, từ ngày có người ở làng “Đại Lâm mỹ tửu” này sáng tạo ra cách nấu rượu sắn, thay vì nếp cái hoa vàng, như rượu làng Vân nức tiếng trong và ngoài nước. Tiến bước nữa, người Đại Lâm nghĩ ra cách pha cồn vào nước lã, tưới thêm ít hương rượu sắn, thành “rượu cồn”.

Như ông Tôn - đương kim Chủ tịch UBND xã Tam Đa nói rất “chí lý”, rằng: Hàng chục năm qua, bà con sở tại vẫn gọi cái rượu tai tiếng ấy là “rượu đê”. Bởi bà con mua cồn về, ném từng thùng phuy lúc lỉu nằm ven đê sông Cầu. Cái cồn rẻ bèo, đụng lửa vào là cháy chết người ấy, chả ai thèm lấy trộm. Các phuy cồn 200 - 300 lít nằm xếp hàng như lũ lợn nái, lợn sề khổng lồ ven đê. Ven mỗi cửa nhà đại lý, lúc cao điểm có thể lên tới 30 phuy, tức là nhiều nghìn lít vừa rượu vừa cồn.

Phuy cồn trôi nổi độc hại không rõ nguồn gốc ấy, cứ dùng gậy khoáy mở nắp, cho tuy-ô vào hút bớt 2/3 cồn ra. Số 1/3 cồn còn lại trong phuy (tương đương 100 lít), “nhà sản xuất” sẽ tống thêm 200 lít nước nữa vào. Khuấy đều lên, lắc tròn, một tí tẹo là thành phuy rượu 300 lít. Xe tải chở đi. 200 lít cồn vừa hút ra kia, lại chia đều vào 2 phuy, lại tống nước lã vào là có thêm 600 lít “rượu đê” nữa.

Dùng nước lã pha cồn vào những phuy rượu.

Với quy cách đó, suốt bao năm qua, mỗi ngày, hàng nghìn, lúc cao điểm cả chục nghìn lít rượu bằng nước lã pha cồn đã ra đời từ đây. Rượu Đại Lâm đi khắp cả nước. Lúc đầu, nước sông Cầu còn trong “lơ thơ tơ liễu” thì bà con dùng máy bơm hút nước sông Cầu lên khuấy thành rượu. Sau này có nước máy, sông Cầu trở thành con sông ô nhiễm bậc nhất Việt Nam, bà con đồng loạt dùng nước lã. Từ khoảng 10 năm nay, báo chí viết mòn bút, truyền hình phát “mỏi” các kênh sóng, nhưng sự việc không suy chuyển tí nào.

Còn bà con làm rượu thì ngày càng chuyên nghiệp, nhà NH-H còn mở cả “nhà máy” sản xuất cồn ở đầu làng. Các đại lý còn xây cả bệ cao để lăn ùm một cái phuy rượu cồn từ nhà ra thẳng thùng xe tải. Tất nhiên, họ cực kỳ cảnh giác với nhà báo và cơ quan thanh kiểm tra. Giờ mà phóng viên vào vai mua rượu, lập tức bị từ chối “không tiếp khách” ngay. Những phuy rượu chất cao như núi ở ven đường làng, ven đê, nhiều phuy có viết số điện thoại của ông bà chủ, có vẻ như ai gọi mua cũng... xuất hàng. Nhưng, đố nhà báo nào “hóa trang” mua được rượu của họ đấy. Làm ăn có mối hết rồi, số điện thoại chỉ treo đó phòng khi mối đến quên lưu số phôn, mà chủ đi vắng thì mối gọi thôi nhé.

Chúng tôi phải có “thửa” 3 cái ôtô khác nhau để lượn ở làng rượu cồn. Kèm theo cả người giả khách du lịch ngắm sông Cầu và sinh viên mỹ thuật thực tập ngồi các góc làng vẽ phong cảnh. Khi các ông bà chủ hết đề phòng, họ mới đội nón lá, mặc áo mưa, lẻn ra ngoài đầu nhà, bật máy bơm, xả nước vào phuy và khuấy lẫn cồn. Khi tiếp cận, chúng tôi thật sự choáng với các máy bơm hoen gỉ, các phuy cồn nồng nặc và câu chuyện của người kiếm ăn nhờ rượu cồn thật sự làm nhức buốt lương tâm người tử tế.

Một người đàn ông từng chở rượu cồn trong săm ôtô và phuy lớn đi bán, tiết lộ: “Tôi chở rượu thuê từ làng này về Hà Nội đã hỏng mất vài chiếc xe tải. Về cầu Tó, họ đổ cồn công nghiệp vào trong nước lã, nước ao mà bán. Rượu này độc lắm. Tôi không bao giờ dám uống nó vào mồm. Từ rượu cồn, họ còn vò cơm nếp cẩm ra biến thành rượu cẩm. Họ cho hương liệu vào, biến nó thành rượu hương cốm, rượu nếp, rượu thuốc dân tộc”.

Khi chúng tôi vào làng Đại Lâm trong vai người buôn có xe tải đi lấy hàng, khi chúng tôi về “làng buôn rượu” ở cầu Tó (Hà Nội) thì các bà buôn bắt đầu tiết lộ những mánh khóe rợn người. Bà Nhung mở phuy rượu và các chai hương liệu (hóa chất) bằng thủy tinh, bé như ngón tay được bẻ đầu, rảy vào rượu cồn. Lập tức rượu thơm mùi cốm, mùi gạo nếp, mùi gì cũng có, cái hăng hắc của cồn trôi nổi biến mất. Chúng tôi đã theo sát các xe đạp xe máy chở rượu cồn, giả làm người quê đi bán “rượu nút lá chuối” cho các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội...

Biến nhà báo thành... quả bóng

Với giá bán 7.000đ/lít, rượu ở cái làng nấu rượu mà không nổi lửa, không sắn, ngô, gạo nếp hay men lá, men thuốc Bắc kia đúng là... rẻ hơn nước đóng chai. Ông Chủ tịch UBND xã Tam Đa thở dài: “Bọn tôi không dám uống rượu cồn, cứ phải đặt người quen nấu rượu gạo thôi. Song chả có quy định nào cho phép chúng tôi bắt, cấm người ta “nấu” rượu bằng cách trộn cồn với nước lã cả”.

Còn nhớ lời ông Hiển, trong tư cách Trạm trưởng Y tế xã Tam Đa suốt nhiều năm: “Rượu là rượu, cồn là cồn. Pha cồn trôi nổi ấy trở thành rượu thì rõ là độc rồi!”. Cách đây vài năm, trong tư cách là Chi Cục trưởng VSATTP tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Trọng Hùng còn tự tin nói rằng: Nước ở khu vực Đại Lâm là nước máy đủ tiêu chuẩn uống... thẳng luôn. Khi bị chúng tôi cự cãi, ông lại bảo, nước ở đó là nước sạch, pha lẫn cồn 90 độ thì vi khuẩn độc hại chết hết, pha thành rượu nó rất lành. Mà “rượu cồn” giá
5.000 đồng/lít, hạ giá thành cho dân uống, tốt quá...

Ông Hùng ngụy biện: “Chúng tôi không phải trinh sát điều tra, chúng tôi đi theo đoàn chỉ vào kiểm tra, và họ không chỉ cho chúng tôi biết nhà nào pha cồn thành rượu. Đến nhà nào họ cũng bảo nấu rượu sắn, đem rượu ấy xét nghiệm thì đủ tiêu chuẩn. Rượu cồn này nghe dân họ nói (!) là pha bằng cồn thực phẩm, cái này được phép pha thành rượu để uống nhá...”.

Để làm rõ trắng đen, chúng tôi nhờ người dân lương thiện ở thôn đi mua mẫu cồn sắp đem pha rượu ở Đại Lâm đem về Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia (Bộ Y tế) để xét nghiệm, thì rõ ràng đó không phải là cồn thực phẩm. Hàm lượng methanol và aldehyt cao ở mức đáng sợ. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa, HN) đọc bản kết luận trên và cho biết: Cồn đó là cồn trôi nổi độc hại, để pha thành rượu cho con người uống, thì độc tố tích tụ rất nguy hiểm, có thể gây mù mắt hoặc tử vong.

BS Nguyễn Trung Nguyên - người phụ trách Trung tâm Chống độc của BV Bạch Mai, nơi thường xuyên cấp cứu các ca ngộ độc “rượu cồn” cũng cho biết tương tự. “Không bao giờ có cồn tinh chất (cồn thực phẩm) nhiều như thế và pha thành rượu bán với giá chỉ vài nghìn đồng/lít như thế. Cồn thực phẩm để pha rượu được, có giá khoảng 100.000 đồng/lít”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Các cán bộ đều kêu khó “quản” hoặc kêu, rượu cồn ở quê chúng tôi ngon lắm, lành lắm, trong khi người dân và người buôn thì thừa nhận họ đang bán “rượu độc”, họ còn biểu diễn “tống” hóa chất vào rượu để tạo màu tạo vị cho “bạn hàng” là nhóm PV hóa trang chúng tôi xem. Chưa hết, chúng tôi vừa công bố kết luận của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia xong, thì tỉnh Bắc Ninh lập tức cũng đi lấy mẫu để công bố trên báo chí địa phương là... “rượu ở làng rượu cồn” an toàn và thơm tho. Thế nghĩa là gì?

Ông Trần Danh Phượng, Chi cục VSATTP Bắc Ninh nói sang gặp ông Trần Tiến Dũng hỏi về rượu độc.

Vừa rồi, có lẽ là rút kinh nghiệm lần trước trả lời quá thật, lần này, khi chúng tôi lên làm việc, Chi Cục trưởng VSATTP tỉnh Bắc Ninh, ông Trần Danh Phượng bảo, “đồng chí chi cục trưởng tiền nhiệm có trả lời anh về chuyện này, giờ tôi không trả lời nữa. Vì việc quản lý đó được giao sang Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng rồi, anh cứ sang gặp bác chi cục trưởng Trần Tiến Dũng”.

Lúc chúng tôi sang, ông Dũng thừa nhận mình vừa đi uống rượu về, hơi “túy tửu” một tí. “Tất nhiên rượu cồn là có nhiều vấn đề rồi, chúng tôi không uống đâu - ông cười nói - còn cái việc quản lý chất lượng của nó, anh hỏi Chi cục trưởng Trần Danh Phượng bên Sở Y tế là “đúng người” rồi. Sao ông ấy lại đẩy anh sang đây nhỉ?”.

Ông Trần Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Ninh lại bảo "sang gặp ông Phượng là đúng người rồi chứ".

Vậy là, nhà báo chúng tôi đi tìm sự thật bị biến thành... quả bóng. Cồn là cồn, rượu là rượu, cồn công nghiệp với cồn trôi nổi pha thành rượu uống chỉ có tiêu đời. Trong clip chúng tôi quay lén từ những “nhà” trực tiếp sản xuất kinh doanh rượu cồn, họ bảo: Cứ có “thanh tra thanh mẹ thanh gì”, các chủ hộ... đưa phong bì, mọi việc êm hết. Chúng tôi thận trọng với thông tin một chiều này, nhưng lại nghĩ, tự dưng bà con chả bao giờ bịa ra chuyện tày trời như thế làm gì cả.

Cảnh dùng nước lã pha cồn vào những phuy rượu ném lăn lóc rệ đê sông Cầu diễn ra đã nhiều năm ròng.

Trong khi cán bộ "cãi chày cãi cối" thì người sản xuất và kinh doanh rượu cồn thừa nhận tất cả, họ còn biểu diễn pha rượu cồn thành rượu cẩm cho chúng tôi xem.

Và đây là chai hóa chất mà họ tống vào rượu để biến chúng thành hương nếp, hương cẩm, hương cốm.

Và hiện nay, vẫn máy bơm hoen gỉ hút nước lã đổ vào cồn để chế rượu như thế, không ai ra tay ngăn chặn cả.

Vụ sản xuât rượu từ cồn công nghiệp trộn nước lã bị công an bắt giữ tại Hà Đông, Hà Nội

(còn tiếp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/ai-bung-bit-cho-cac-lo-ruou-doc-570834.bld