Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa

Sau khi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí tu sửa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa được phê duyệt, ngày giờ ra đảo để tiến hành công việc đã được ấn định...

>> Hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa >> Tu sửa Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa Chuyến hải hành “đặc biệt” Như Thanh Niên đã giới thiệu, trong bộ hồ sơ Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa 1955, ngoài 6 trang văn bản đề nghị phê duyệt kinh phí tu sửa Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa (bằng tiếng Pháp), còn có 4 trang văn bản tiếng Việt. Theo đó, có 2 công văn của Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng gửi Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt tại Huế đề nghị xúc tiến công việc và văn bản gửi Ty Công chánh Quảng Nam thông tin về cách thức, ngày giờ đưa nhân công, vật liệu ra đảo để thực thi nhiệm vụ. Cả hai văn bản trên đều do Trưởng trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, kỹ sư khí tượng người Pháp là H.Cecillon ký tên đóng dấu. Công văn của Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng gửi Trưởng ty Công chánh Quảng Nam, ngày 29.7.1955, có trích yếu: Tu sửa Ty Khí tượng Hoàng Sa (Pattle), tham chiếu: bản chiết trù của quý ty ngày 12.5.1955 là 22.000 đồng; nội dung: “Tôi hân hạnh tin để ông biết bản chiết trù tu sửa Ty Khí tượng Hoàng Sa (đảo Pattle) đã được Bộ Tài chánh duyệt y ngày 13.7.1955, số 432MF/APP. Vậy trân trọng yêu cầu ông cho trù liệu để đến ngày 5.8.1955, có thể phái thợ mang theo thực phẩm cần thiết cho họ cùng vật liệu ra đó để tu sửa. Chuyến tàu đặc biệt này có thể khởi hành từ Đà Nẵng khoảng từ 5 đến 11.8.1955. Thời gian khoảng một tuần lễ được định liệu cho công tác này. Xong việc sẽ có một chuyến tàu đặc biệt được cử ra đảo để đón thợ về. Trân trọng kính chào ông!” - H.Cecillon, Kỹ sư khí tượng (ký tên đóng dấu). Các trang văn bản về xúc tiến công việc và yêu cầu điều chỉnh các hạng mục sửa chữa Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa vào năm 1955 - Ảnh chụp lại từ tư liệu gốc Công văn của Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng gửi Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt tại Huế, ngày 29.7.1955 (số 715KT/DN/CV) có trích yếu: Tu sửa Ty Khí tượng Hoàng Sa (Pattle); tham chiếu: bản chiết trù lập bởi Ty Công chánh Quảng Nam ngày 12.5.1955, số tiền là 22.000 đồng; nội dung: “Tôi trân trọng tin để ông biết, bản chiết trù chiếu thượng đã được Bộ Tài chánh duyệt y ngày 13.7.1955 với số 432 MF/ĐPP. Vì sự đi về đảo đó mất nhiều thể thức phức tạp và đã định liệu một chuyến tàu đặc biệt cử ra Hoàng Sa vào khoảng từ 4 đến 10.8.1955, tôi trân trọng yêu cầu ông, khi bản chiết trù đó qua quý quận, thông tri cho Ty Công chánh Quảng Nam phụ trách công tác đó, định liệu đủ thì giờ để thi hành nhiệm vụ. Ty này đã được chúng tôi báo trực tiếp, nhưng thể thức thi hành còn do nơi quý quận chuyển chính thức bản chiết trù. Trân trọng kính chào ông!” - H.Cecillon, Kỹ sư khí tượng (ký tên đóng dấu). Như vậy, theo nội dung hai công văn này, công việc ra đảo để tiến hành tu sửa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa đã được ấn định ngày giờ vào khoảng từ 4 đến 11.8.1955. Điểm đáng lưu ý là trong cả hai văn bản, khi đề cập đến chuyến tàu “đặc biệt” đều có gạch chân, cho thấy công việc ra đảo để thi công và trở về được đặc biệt chú trọng và chuẩn bị rất chu đáo, khác với các chuyến hải hành thông thường. Điều chỉnh hạng mục xây dựng Trong bộ hồ sơ còn có bản sao công văn của Nha Giám đốc khí tượng Việt Nam ngày 16.8.1955 (số GĐ 1052/C/VL) gửi Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt tại Huế. Công văn có trích yếu: Công tác tu bổ công thự khí tượng tại Đà Nẵng và đảo Hoàng Sa. Trong công văn này, Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam có ý kiến như sau: “Để thích ứng với nhu cầu hiện tại, bản nha trân trọng yêu cầu ông thay đổi một vài công tác trước đây đã trù liệu trong bản chiết trù công tác tu bổ công thự Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng và Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa. Thay vì đặt các tháp phong-lực-kế, bản nha sẽ ráp các máy đó lên sân thượng của công thự ở Đà Nẵng cũng như ở Hoàng Sa. Như vậy, việc làm một bệ xi măng 1,7m x 1,7m ở cả hai nơi đều trở nên vô ích”. Theo đó, Nha Giám đốc khí tượng Việt Nam yêu cầu Quận trưởng Quận Công chánh Bắc Trung Việt tại Huế thay đổi một số hạng mục tu sửa ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng và tại đảo Hoàng Sa. Riêng đối với công tác tu sửa Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa theo bản chiết trù 22.000 đồng, Nha Giám đốc khí tượng Việt Nam yêu cầu: “bỏ việc xây bệ xi măng của tháp phong-lực-kế (2.750 đồng) và lấy kinh phí đó để xây một trụ vuông 0,4m x 0,4m, cao 1m để đặt máy nặng hiệu Campbell; gắn chân cột ăng-ten, dây chằng, thang, chân lều máy khí tượng... Nhân dịp xin tin ông rõ chuyến tàu của hải quân Pháp sẽ khởi hành tại Sài Gòn ngày 18.8.1955 để ra Đà Nẵng và đảo Hoàng Sa”. Ký tên Đo Đinh Cuong (tên riêng văn bản không có dấu - PV). Văn bản này được Quận Công chánh Bắc Trung Việt sao để gửi cho Giám đốc Nha Công tác phi trường ở Sài Gòn, mục đích đòi lại hồ sơ đã chuyển trước đây (số 4474 CC/KT, ngày 6.6.1955) về lại để chỉnh sửa theo đề nghị của Nha Giám đốc khí tượng Việt Nam, đồng thời sao gửi Ty Công chánh Quảng Nam ở Đà Nẵng để biết. oOo Bộ hồ sơ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa 1955 là tài liệu gốc với đầy đủ chữ ký, con dấu và bút tích xử lý công việc của các quan chức liên quan trong ngành giao thông công chánh, khí tượng và tài chánh đương thời, cho thấy Việt Nam đã thực thi chủ quyền đầy đủ trên quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ. Cùng với những tư liệu lịch sử liên quan đã công bố trước đây, bộ hồ sơ này một lần nữa khẳng định Việt Nam đã thực thi chủ quyền một cách liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau trên quần đảo Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bùi Ngọc Long

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201036/20100903003813.aspx