Thuế là công cụ hiệu quả để bảo vệ môi trường tốt hơn

Mỗi năm, tổng số thu thuế Bảo vệ môi trưởng (BVMT) bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng. Tuy vẫn thấp hơn số chi NSNN cho các hoạt động BVMT song con số này đã khẳng định chính sách thuế là một công cụ hiệu quả để tạo nguồn chi cho các mục tiêu BVMT tốt hơn.

Tăng khung thuế xăng dầu là một bước chuẩn bị để ứng phó với hội nhập và thêm nguồn cho chi BVMT. Ảnh: Hồng Vân.

Chi cao hơn 17%

Ngày 13/9/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật thuế BVMT. Dự kiến, dự Luật sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017 tới đây.

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, qua 5 năm triển khai thực hiện, Luật thuế BVMT đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu khi ban hành. Bên cạnh việc góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thuế BVMT còn góp phần tăng thu cho NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.

Chia sẻ con số cụ thể, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2012 đến 2016. Tổng số thu thuế BVMT giai đoạn này khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu NSNN và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm. Trong đó: Năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng (tăng mạnh do điều chỉnh mức thu); năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng.

Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN và được Quốc hội phê duyệt hàng năm. Luật NSNN quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn khoảng 17% số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016.

Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương khoảng 24.246 tỷ đồng chủ yếu chi cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở ngành tài nguyên - môi trường; ngành cấp nước, xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu,... Tổng chi từ dự phòng ngân sách Trung ương để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa,... khoảng 18.480 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: Các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững...

Muốn phát triển bền vững, cần tăng thuế

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Michael Krakowski - Cố vấn trưởng dự án hiện đại hóa nền tài chính công do EU tài trợ (EU – PFMO). Đánh giá cao hiệu quả của công tác chi cho BVMT của Việt Nam, ông Michael Krakowski khẳng định chính sách thuế là công cụ hiệu quả để đạt mục tiêu BVMT tốt hơn. “Chúng ta thực hiện thu thuế BVMT không chỉ dùng cho mục đích BVMT mà thuế đạt hai mục tiêu: Tài trợ cho các hoạt động môi trường và tạo dư địa để Nhà nước tài trợ cho các hoạt động khác liên quan. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng đã có định nghĩa cụ thể thế nào là khoản chi cho hoạt động môi trường. Đối với chúng tôi, tất cả khoản chi cho các hoạt động liên quan như đầu tư xây dựng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... cũng là những khoản chi về mục đích môi trường. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã chi cho mục đích môi trường đang lớn hơn khoản thu được”, ông Michael Krakowski nói.

Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng trong thực tế triển khai, nhiều bất cập, hạn chế đã nảy sinh cộng với yêu cầu cải cách hệ thống thuế đang đặt ra vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT.

Theo ông Michael Krakowski, ở Việt Nam cũng như ở các nước khác, quá trình hội nhập, trao đổi quốc tế về hàng hóa và dịch vụ đang diễn ra rất nhanh. Thời kỳ đầu của quá trình này, nhiều nước đã huy động một lượng lớn số thu thuế từ hoạt động XNK. Với việc ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và các hiệp định thương mại quốc tế thì các nguồn thu từ ngoại thương giảm dần, do vậy phải tìm kiếm các nguồn thu thuế khác để chi cho các nhiệm vụ của nhà nước. Đại diện GIZ khuyến nghị: Trong quá trình điều chỉnh và tiếp tục phát triển hệ thống thuế, thuế BVMT có vai trò nổi bật, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng trưởng theo hướng bền vững, do vậy, cần tăng thuế đối với việc sử dụng tài nguyên, các sản phẩm gây hại cho môi trường cũng như tất cả các chi phí ngoại vi phát sinh. Một mặt, điều đó sẽ giúp giảm bớt việc sử dụng tài nguyên, mặt khác người sử dụng sẽ phải trả giá cao hơn thông qua thuế đối với thiệt hại môi trường.

Hiện nay, sau khi đánh giá tổng kết và tiếp thu những khuyến nghị, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh xong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT. Một trong những nội dung được chú ý nhất tại dự thảo Luật là đề xuất nâng khung thuế BVMT với xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít lên từ 3.000-8.000 đồng/lít. Riêng dầu hỏa được đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành (300 đến 2.000 đồng/lít) vì đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ phần lớn người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tùy vào điều kiện thực tế từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng, dầu trong phạm vi khung. Trước mắt, nếu Luật được thông qua, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng, dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng, dầu, cũng như đến sản xuất, kinh doanh. Đây có thể nói là một bước chuẩn bị cho lâu dài, ứng phó kịp thời với hội nhập, thêm nguồn cho hoạt động BVMT và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thue-la-cong-cu-hieu-qua-de-bao-ve-moi-truong-tot-hon.aspx