Thuế VAT: Nên tăng hay chọn cách làm khác?

Trong số những nội dung mới tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi, đề nghị nâng mức thuế suất phổ thông thuế VAT từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 là câu chuyện nóng ngay từ khi bản dự thảo được công bố.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nếu quy định trên được thông qua và áp dụng, có nghĩa là từ ngày 1/1/2019, người dân sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Câu hỏi đầu tiên mà nhiều người đặt ra cho Ban soạn thảo là việc tăng thuế sẽ mang thêm gánh nặng như thế nào đến người thu nhập thấp, người nghèo?

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, nâng mức thuế suất phổ thông thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo là không nhiều…

Nhìn sâu hơn sẽ thấy, thực tế việc tăng thuế VAT không đơn thuần khiến người dân phải bỏ thêm tiền khi mua hàng và sử dụng dịch vụ, mà nó còn kích hoạt làm phát sinh một chuỗi vấn đề đáng quan tâm kèm theo.

Ðầu tiên là có nguy cơ làm giảm sức mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ, nhất là trong bối cảnh thu nhập thực không tăng, nếu tăng thuế sẽ tác động không tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ðây là điều nhiều doanh nghiệp đang lo ngại.

Tiếp đến, khi hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp khó bán, nếu không muốn bị mất khách hàng, giảm sức cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ phải san sẻ gánh nặng với người tiêu dùng bằng cách giảm lãi thông qua giảm giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Hệ quả là doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ suy giảm, từ đó làm giảm khả năng đóng thuế cho ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp Bộ Tài chính đưa ra có thể giải quyết nhu cầu tăng thu cho ngân sách trong ngắn hạn, nhưng dễ dẫn đến sự mất cân bằng giữa mục tiêu tăng thu cho ngân sách nhà nước và dưỡng nguồn thu nếu mức thuế được đưa ra không hợp lý, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN chịu sức ép cạnh tranh nhiều bề.

Một cách làm khác cũng sẽ tăng được nguồn thu cho ngân sách, nhưng được nhìn nhận là dễ chịu hơn cho doanh nghiệp, đồng thời có khả năng cải thiện nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước là gia tăng đối tượng nộp thuế bằng cách Nhà nước thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh với chi phí tiết kiệm hơn cho giới đầu tư, kinh doanh.

Qua đó vừa tăng thêm số lượng đối tượng nộp thuế, vừa giúp các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn, từ đó đóng thuế nhiều hơn.

Cách này có thể chưa mang lại nguồn thu cho ngân sách trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ủng hộ, bởi ở đây có sự dung hòa hơn giữa mục tiêu tăng thu cho ngân sách, đồng thời dưỡng được nguồn thu dài hạn.

Thực tiễn trên đòi hỏi việc tăng thuế cần được nhà quản lý cân nhắc kỹ lưỡng, để vừa đạt mục tiêu tăng thu và tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước, vừa tác động tích cực hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/thue-vat-nen-tang-hay-chon-cach-lam-khac-199685.html