Thuở vào đời của nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Bài hát đầu tiên xoa dịu nỗi đau mất mát

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tên khai sinh là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1-10-1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Bên ngoại anh là nhà giáo, muốn anh nối nghiệp “gõ đầu trẻ”. Bên nội muốn anh theo nghề thuốc gia truyền để trị bịnh cứu người. Anh không trở thành thầy giáo, mà cũng không là thầy thuốc. Cuộc đời lại trao cho anh một cái nghề viết ra các bài hát.

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp (9-3-1945), một ít công chức và những người đi dạy học ở huyện, ở tỉnh lần lượt trở về làng. Lại có một số học sinh trung học ở Cần Thơ, ở Sài Gòn cũng bỏ về quê. Họ tập hợp nhau lại và tổ chức Thanh niên Tiền phong. Họ vác tầm vông vạt nhọn, xếp hàng dọc hàng ngang, tập nghỉ tập nghiêm, tập quay sang phải sang trái, tập đi một hai, một hai cho đều bước. Và họ hát vang những bài ca yêu nước. Một làng cù lao giữa sông Tiền vốn im lìm, quạnh quẽ bỗng thấy như trẻ ra, vui tươi hẳn lên. Và cậu bé Lưu Trần Nghiệp bị lôi cuốn bởi những tiếng hát hào hùng ấy. Những bài ca yêu nước lần đầu tiên bay đến làng quê hẻo lánh đã đánh thức năng khiếu âm nhạc đã có sẵn trong cậu bé Nghiệp mới 14 tuổi…

“Ngày ấy, con rạch chảy qua trước nhà về đêm thật là thanh vắng. Một tiếng rao hàng cũng lọt đến tai mọi nhà hai bên bờ sông. Và cũng từ trên dòng sông ấy, nhiều đêm lại vang lên những giọng hò đối đáp. Những giọng hò cũng trôi theo sông, chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự. Những âm thanh trầm bổng nhặt khoan, mênh mông dìu dặt đó thường làm cho tâm hồn trẻ thơ tôi không sao chịu nổi. Nó gây cho tôi nỗi xốn xang bứt rứt”, ông kể.

Ở làng chỉ có thầy giáo Nguyễn Ngọc Bạch là người biết chơi đàn mandoline và là tác giả những bài hát Cương quyết ra đi, Tháp Mười anh dũng, Tuyên truyền lưu động.

Nhờ thầy Bạch mà trẻ con ở làng biết nhiều bài hát. Lúc bấy giờ mọi người chỉ thích hát. Còn cậu bé Nghiệp vừa thích hát, lại vừa thích đàn. Hồi ấy, một cây đàn mandoline có giá tiền tương đương bằng mấy chục giạ lúa. Gia đình thì nghèo. Anh em trong nhà đều chỉ có quần xà lỏn để mặc.

“Nhưng giờ đây tôi lại xin ba má tôi một cây đàn, mặc dầu biết rằng đó là một vật không phải ai muốn cũng được. Nó vượt quá khả năng của gia đình. Vậy mà, để chiều theo sở thích của tôi, ba tôi đành phải bán hết số lúa để ăn còn lại của cả nhà. Sau đó, cầm số tiền ấy, ba tôi còn phải len lỏi sang tận thị xã Long Xuyên (lúc bấy giờ đã bị giặc Pháp tái chiếm) để tìm mua và mang về cho tôi một cây đàn banjoline đã cũ”, ông kể tiếp.

Giữa năm 1948, chàng trai Lưu Trần Nghiệp gia nhập đoàn cán bộ đi sang tỉnh Long Châu Hậu (Lúc này hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được sáp nhập và chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu, lấy con sông Hậu làm ranh giới). Đường sang Long Châu Hậu phải vượt qua hai con sông cái vô cùng nguy hiểm. Do vậy, cơ quan không cho anh mang theo cây đàn banjoline, buộc lòng phải chia tay với cây đàn thân yêu từ đó.

Anh không hề có ý định sáng tác, nhưng trước cái chết của em ruột tên Tuyết, anh đành mượn giai điệu và lời ca đầu tiên để xoa dịu nỗi đau mất mát. Anh đã tạo ra một tác phẩm, trong khi chưa hề có ý định trở thành một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc.

“Tôi chưa được trang bị những kiến thức sáng tác âm nhạc tối thiểu nào hết, nên những bài hát đầu tiên của tôi không có gì là xuất sắc cả. Tất nhiên, chúng chỉ sống thui thủi bên tôi, rồi dần dần lặng lẽ ra đi, không mấy người biết đến. Dẫu sao, tôi cũng không chút hổ thẹn mỗi khi nhớ lại. Bởi một lẽ là ở tuổi 17, vốn sống của tôi còn quá non nớt, vốn âm nhạc hầu như chưa có gì. Thế mà tôi vẫn dám liều lĩnh dấn thân vào một con đường mà giờ đây, đến lúc bạc đầu, vẫn còn thấy là mênh mông vô tận”, ông kể.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/thuo-vao-doi-cua-nhac-si-hoang-hiep-bai-hat-dau-tien-xoa-diu-noi-dau-mat-mat-3782437-b.html