Thuốc chống cúm gà hiệu quả đã có mặt trên thị trường với giá rẻ mạt?

Trong những năm gần đây, dịch cúm gà xảy ra với tần suất khá thường xuyên tại các quốc gia châu Á như Việt Nam và Trung Quốc. Trước tình hình đại dịch cúm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, một số nhà khoa học cho rằng statin – một loại thuốc giảm cholesterol khá phổ biến có giá thành rẻ có thể là câu trả lời cho căn bệnh cúm của thế kỷ 21.

Nguy cơ đại dịch tiềm ẩn

Vào ngày 31/1/2014, khi các quốc gia châu Á vẫn đang ăn mừng năm âm lịch mới, Hualan Chen, một nhà khoa học đang công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu một số trường hợp cúm H7N9 mới được ghi nhận. Sau một vài vụ bùng phát nhỏ lẻ, H7N9 gần như đã chìm vào dĩ vãng. Tuy vậy, đến đầu năm 2014, dịch cúm này bùng phát trở lại.

Cô Chen khẳng định tình hình cúm đang thay đổi quá nhanh, đến mức mà con người khó có thể theo kịp. "Tôi nghĩ rằng mọi người không nhận ra loại virus này nguy hiểm đến mức độ nào. Khả năng đại dịch rất có thể xảy ra nếu như loại cúm này tiếp tục lây lan, bởi không ai miễn dịch với loại virus này", cô Chen khẳng định trong một cuộc hội thảo. "Nếu như H7N9 có thể lây từ người sang người, đây sẽ không còn là một vấn đề của riêng Trung Quốc. Đây sẽ là một thảm họa cho cả thế giới".

Thực tế, các quan chức y tế trên toàn cầu đã bày tỏ lo ngại rằng các trường hợp H7N9 tại Trung Quốc có thể dẫn tới một đại dịch mới, và lần này con người vẫn chưa chuẩn bị đủ tốt để có thể đối phó với đại dịch. Mặc dù cộng đồng y tế đã liên tục chuẩn bị đón đầu đại dịch, sự thật là các đợt dịch truyền nhiễm nhỏ hơn vẫn có thể gây ra các vấn đề khủng khiếp. Năm 2009, vi rút H1N1 "bỗng dưng xuất hiện", và số lượng người tử vong cho tới thời điểm này cho thấy khả năng sản xuất và phân phát vaccine (vắc-xin) cũng như thuốc điều trị chống virus của con người vẫn còn quá kém hiệu quả.

"Ngay cả chỉ một đợt dịch 'nhỏ' này cũng cho thấy rằng chúng ta không thể phân phát vaccine tới những người cần sử dụng đủ nhanh, thậm chí là cả tại Mỹ, đất nước có hệ thống y tế hàng đầu thế giới", giáo sư David Fedson, người từng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và cũng là một chuyên gia vaccine từ Đại học Virginia khẳng định. "Vaccine chỉ giúp tránh được 2% tới 4% số lượng các vụ tử vong do cúm lợn".

Statin là lời giải?

Dịch H1N1 năm 2009 và một loạt các đợt dịch H7N9 gần đây đã khiến giáo sư Fedson và một loạt các chuyên gia y tế khác buộc phải bắt tay vào tìm cách giảm tác hại của dịch cúm. Theo giáo sư Fedson, một loại thuốc có tên gọi statin sẽ là lời giải cho vấn đề này. Statin vốn là một loại thuốc dùng để giảm cholesterol được bán với giá khá rẻ trên thị trường, song theo giáo sư Fedson, chúng cũng có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch đối với bệnh cúm. Chính các phản ứng của cơ thể mới là nguyên nhân gây ra các trường hợp nhập viện và tử vong trong dịch cúm.

Statin là một loại thuốc rẻ, tương đối an toàn (dù vẫn có tác dụng phụ) và được bán khá rộng rãi trên các quốc gia đang phát triển. Nhờ đó, loại thuốc này có lợi thế rất lớn so với các biện pháp vaccine và thuốc chống virus thông thường. Các nghiên cứu sơ bộ đã cho thấy những người uống statin có tỉ lệ tử vong do biến chứng của cúm thấp hơn. Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với giáo sư Fedson: các nhà khoa học khác đã chỉ ra rằng các nghiên cứu sơ bộ này có nhiều lỗ hổng, và dữ liệu chưa đủ lớn để đưa ra kết luận. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, việc lạm dụng statin cũng đã gia tăng nguy cơ tiểu đường, liệt dương, đau nhức cơ, tổn thương thần kinh, gan với tỉ lệ xảy ra tác dụng phụ có thể lên tới 20%.

Tuy vậy, giáo sư Fedson khẳng định con người không thể chờ đợi hơn được nữa. "Các trường hợp cùng cực đòi hỏi các biện pháp tuyệt vọng", và do đó, "Nếu đại dịch xảy ra, các bác sĩ sẽ phải nhờ tới tất cả những gì mà họ có, và statin thì ở nơi nào cũng có".

Nguy cơ tiềm ẩn từ cúm

Trong hàng nghìn năm lịch sử, loài người đã phải chống chọi với dịch cúm. Mỗi năm, vào mùa đông, khi nhiệt độ và độ ẩm giảm sút, mùa cúm lại bắt đầu theo đúng chu kì thường niên của mình. Thậm chí, ngay tại nước Mỹ, mỗi năm có tới 200.000 người nhập viện vì cúm và số ca tử vong thấp nhất là 3.000, cao nhất là 49.000 ca.

Nguy hiểm hơn nữa, cứ khoảng 1 hoặc 2 thập niên thì một dòng cúm mới lại xuất hiện trên gà và lợn. Cơ thể của chúng ta sẽ phản ứng rất mạnh với 2 loại protein trên lớp vỏ của virus cúm: hemaglutinin (H) và neuraminidase (N). Các loại virus cúm có rất nhiều biến thể tạo thành từ H và N. Quá trình tái tổ hợp H và N sẽ cho phép các loại H khác nhau kết hợp với các loại N khác nhau. Do vậy, các loại virus mới như H5N1 hay H7N9 sẽ liên tục xuất hiện.

Hiện tại, biện pháp chống cúm phổ biến nhất là tiêm vaccine, song biện pháp này có quá nhiều điểm yếu. Quá trình sản xuất vaccine kéo dài tới 6 tháng, do đó ngay từ mùa xuân các nhà khoa học đã buộc phải dự đoán về loại cúm sẽ xảy ra trong mùa thu. Đồng thời, con người cũng sẽ phải tiêm vaccine mỗi năm một lần.

Thuốc điều trị chống virus cũng không hiệu quả hơn vaccine. Để phát huy tác dụng, người bệnh phải uống thuốc chống virus trong vòng 48 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên xảy ra, và loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Giá thuốc chống cúm có thể lên tới hơn 120 USD (2,6 triệu đồng) chỉ trong vòng 10 ngày. Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, con số này là quá lớn.

Nghiên cứu về statin: Chưa đủ để đưa ra kết luận cuối cùng

Cả vaccine và các loại thuốc đều cố tập trung tấn công virus cúm. Tuy vậy, theo giáo sư Jeff Kwong của Đại học Toronto, "Thứ khiến cho bạn cảm thấy ốm yếu như vậy không phải là virus, mà là do hệ miễn dịch đang cố giết virus".

Do virus cúm không phải là thủ phạm trực tiếp gây ra các trường hợp nhập viện và tử vong, giáo sư Fedson đã bắt đầu nghiên cứu các loại thuốc có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch nhằm phòng tránh các triệu chứng có thể gây tử vong. Các nghiên cứu sơ bộ cho rằng statin sẽ cứu sống được người nhiễm dịch cúm nhờ làm giảm các loại lipoprotein mật độ thấp (LDL, "cholesterol" xấu) có thể gây ra triệu chứng viêm. Do viêm là một phản ứng của hệ miễn dịch tự nhiên, giáo sư Fedson cho rằng statin có thể làm giảm triệu chứng nguy hiểm ở người nhiễm cúm.

Tuy vậy, ngay cả khi vị giáo sư này đã cố gắng hết sức để thỉnh cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế khác, không có một ai đáp ứng lời kêu gọi của ông. "Các nhà khoa học nghiên cứu bệnh cúm đang tập trung vào virus tới mức họ không thèm để ý tới các yếu tố khác", giáo sư Fedson khẳng định.

Giáo sư Kwong là một trong những người đầu tiên nghiên cứu ý tưởng của Fedson. Do phần lớn các đối tượng sử dụng statin đều là người cao tuổi, và do nhóm người này cũng thường xuyên phải nhập viện do biến chứng của bệnh cúm, giáo sư Kwong và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu số liệu của quá khứ để xem xét lợi ích của statin.

Trong một bài nghiên cứu được PLOS One phát hành, giáo sư Kwong và cộng sự đã so sánh 1 triệu người lớn tuổi tại Canada có sử dụng statin và 1 triệu người không sử dụng statin. Kết quả sơ bộ nghiêng về giả thuyết statin thực sự có tác dụng chống sưng phổi hoặc các biến chứng khác của bệnh cúm trong mùa dịch: những người uống statin ít phải nhập viện vì sưng phổi hơn, có tỉ lệ tử vong vì sưng phổi thấp hơn và cũng có tỉ lệ tử vong nói chung là thấp hơn.

Tuy vậy, kết quả này chưa phải là kết quả cuối cùng, ngay cả với giáo sư Kwong. "Chúng tôi không thể biết được liệu những người dùng statin phải nhập viện và bị tử vong thấp hơn vì họ dùng statin, hay đơn giản là vì ngay từ đầu họ đã có sức khỏe tốt hơn [những người không dùng statin]".

Sau khi nghiên cứu của giáo sư Kwong được phát hành ít lâu, Ann Thomas, một nhà dịch tễ học tại Đơn vị Sức khỏe Cộng đồng Oregon, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu số liệu về sự liên quan giữa statin và số lượt nhập viện tại 59 hạt khác nhau trong mùa cúm 2007 – 2008. Kết quả nghiên cứu được phát hành trên Tạp chí Bệnh Lây truyền, Mỹ mang lại kết luận tương tự như giáo sư Kwong: những người lớn tuổi uống statin khi phải nhập viện vì nhiễm cúm sẽ có tỉ lệ tử vong thấp hơn.

Lúc đầu, tiến sĩ Thomas cũng cho rằng kết quả nghiên cứu này là rất khả quan và do đó statin là một giải pháp hứa hẹn. Tuy vậy, đến ngày hôm nay, vị tiến sĩ này lại đưa ra kết luận khác, theo cùng một hướng nghi ngờ của giáo sư Kwong: "Tôi nghĩ điều mà chúng ta đang nhìn thấy có thể chỉ là những người uống statin có sức khỏe nói chung là tốt hơn với những người không uống". Nói cách khác, statin có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp giúp giảm tỉ lệ tử vong vì cúm.

Tuy vậy, giáo sư Fedson và một số nhà khoa học khác cho rằng các nghiên cứu kĩ càng hơn sẽ cho thấy mối liên hệ thực sự giữa statin và bệnh cúm. "Ý tưởng này là khá hấp dẫn", giáo sư Lester Kobzik, bộ môn bệnh lý học, Đại học Harvard khẳng định. "Trong trường hợp xảy ra đại dịch, nếu statin thực sự có tác dụng, lợi ích thu được sẽ là khổng lồ… Song, đây vẫn là một ý tưởng cần phải được chứng minh rõ hơn trước khi được đưa vào bệnh viện". Theo giáo sư Kobzik, minh chứng cho tác dụng của statin sẽ là các đợt thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên – "tiêu chuẩn vàng" trong lĩnh vực thử nghiệm thuốc.

Vấn đề chính, theo như giáo sư Fedson, là nguồn vốn để thực hiện các thử nghiệm này. Do cả WHO và CDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch tễ Hoa Kỳ) đều không muốn đầu tư cho ý tưởng này, và do statin hiện đã có mặt rộng rãi trên thị trường, khả năng các công ty đầu tư cho các thử nghiệm tìm tác dụng của statin với bệnh nhân cúm là rất thấp. "Loại thuốc này có thể cứu được mạng người. Và chúng ta không chú ý đến nó".

Lê Hoàng

Theo The Verge

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/989033/thuoc-chong-cum-ga-hieu-qua-da-co-mat-tren-thi-truong-voi-gia-re-mat