Thuốc lá - thủ phạm suy mòn, suy kiệt sức khỏe

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.

Tốp hút thuốc lá nhiều nhất

Theo BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Health Bridge Việt Nam, thuốc lá, rượu bia giá rẻ là nguyên nhân số 1 gây nên “nạn dịch” hút thuốc lá, uống rượu bia tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng nông thôn Việt Nam dẫn đến những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội.

Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe

Theo đó, trên thế giới, hút thuốc lá ước tính gây ra 16,9% tổng số ca tử vong tương đương 74.710 ca tử vong và 8,8% tổng gánh nặng bệnh tật. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.

Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc), ở nữ giới là 1,4%. Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà. 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.

Theo điều tra tại Bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.

Hiện nay gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm chỉ chiếm tỷ lệ 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này là 62.7%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Giá sữa cao mà giá thuốc lá lại quá rẻ

Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có vai trò rất quan trọng với ngân sách. Thuế TTĐB hiện đóng góp khoảng 7% tổng thu ngân sách, trong đó thuế TTĐB rượu bia và thuốc lá chiếm tới 60% thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính vì vậy, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tăng thuế TTĐB với rượu bia và thuốc lá một mặt giúp tăng thu ngân sách, điều này có ý nghĩa rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách Nhà nước đang bội chi và đang trong tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Mặt khác, trong khi sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia đã và đang đem lại rất nhiều hệ lụy đến sức khỏe và xã hội, thì ở Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại sự mất cân đối.

Đó chính là nghịch cảnh khi các sản phẩm gây hại đến người tiêu dùng (rượu bia, thuốc lá) thì có giá rất rẻ trong khi các sản phẩm thiết yếu, phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm thì có giá lại rất cao.

"Việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm cán bộ Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: "Việc tăng thuế là một biện pháp cùng thắng (Win-Win) cả cho Chính phủ và người dân trong tình cảnh ngân sách thâm hụt nặng nề. Người dân tránh bệnh tật, nhà nước có nguồn thu bổ sung. Kinh nghiệm từ 2 nước láng giềng Thái Lan và Philippines đã chứng minh điều này là đúng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thuoc-la-thu-pham-suy-mon-suy-kiet-suc-khoe-post187599.html