Thuốc, vật tư y tế vẫn thiếu, người bệnh mỏi mòn chịu khổ

Nghị định đã có, nhưng thông tư, hướng dẫn vẫn thiếu vì vậy bệnh viện ngần ngại còn người bệnh thì chịu trận vì thuốc, vật tư y tế vẫn thiếu.

Vì đâu nên nỗi?

Thời điểm hiện tại, nhiều bệnh nhân vẫn phải mòn mỏi chờ thuốc, vật tư y tế. Một cụ ông 70 tuổi ở phường Quốc Tử Giám, Hà Nội phải thay thủy tinh thể nhưng ông đã chờ đợi đến cả gần một năm nay mà vẫn chưa có đúng loại để thay.

Lãnh đạo Bộ Y tế nói rằng đã làm hết các biện pháp tháo gỡ, bệnh viện cũng đã nỗ lực, vậy nhưng người bệnh vẫn khổ vì thiếu thuốc, vật tư y tế.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thanh H. người nhà cụ ông cho biết, bố chị đã chờ để thay thủy tinh thể cả nửa năm nay. Đến đấu tháng 3 vừa rồi nghe phong phanh Bệnh viện Mắt Trung ương đã có thủy tinh thể, bố chị vội vàng tìm đến hỏi thông tin thì được bác sĩ thông báo rằng, thủy tinh thể đã có nhưng loại bố chị cần thay thì vẫn chưa có, tiếp tục…đợi.

“Vậy là điệp khúc đợi của bố tôi vẫn tiếp tục trong khi đó khả năng nhìn của bố tôi thì ngày càng yếu”, chị H. nói với phóng viên.

Một trường hợp khác là một nữ bệnh nhân ở Thái Bình có chỉ định phẫu thuật nẹp vis do gãy cột sống tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhưng chị buộc phải hoãn mổ vì thiếu vật tư. Vì vậy dù đã lên bàn mổ mà chị buộc phải chờ nhận lại tiền cọc, chờ đợi mỏi mòn từ tháng 10/2023 đến nay.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người bệnh vẫn đang mòn mỏi vì thiếu thuốc, vật tư y tế. Bởi tình trạng này không chỉ ngày một ngày hai mà diễn ra trầm trọng sau dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế.

Để giải quyết vấn đề này, đầu tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Hơn 3 tháng sau, Bộ Y tế ra Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập.

Hai văn bản này cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc trong đấu thầu, tuy nhiên chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. Việc mua sắm hiện nay thực hiện theo Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024.

Dù vậy theo ý kiến của một số bệnh viện, dù Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ đầu năm nay nhưng sau 2 tháng mới có Nghị định 24 quy định thi hành Luật và hiện gần hết Quý I vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.

Có thông tư hướng dẫn, các bệnh viện mới mở thầu, thì phải mất 3-5 tháng nữa mới có thuốc, vật tư để phục vụ khám chữa bệnh. Tức là ít nhất cuối Quý III năm nay tình hình mới ổn định.

Theo giám đốc một bệnh viện công ở Hà Nội, Nghị định 24 giải quyết khá nhiều vấn đề liên quan quy trình đấu thầu nhưng cũng ghi rõ Bộ Y tế cần phải làm thêm một số bước như phân loại thuốc, trang thiết bị, vật tư theo nhóm cần đấu thầu tập trung và nhóm giao cho các bệnh viện tự chủ.

Do đó, trong khi Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các thông tư hướng dẫn, nhiều bệnh viện không thể triển khai đấu thầu, mua sắm hàng hóa.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế, cho biết, các nội dung tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu ở Thông tư 14 năm 2023 của Bộ Y tế đã được đưa hết vào Nghị định 24, để có tính pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không nghiên cứu kỹ nên sợ làm sai.

Một số đơn vị cũng đã hỏi Vụ Kế hoạch - Tài chính, nhưng tìm hiểu ra thì cũng chỉ do không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và không thực hiện đúng.

“Vì sao có những bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, hóa chất trong khi bệnh viện khác lại có đủ? Nếu nguyên nhân do quy định sai, thì tất cả các bệnh viện đều không mua được. Còn có bệnh viện mua được, trong khi bệnh viện khác không mua được, thì chắc chắn do bệnh viện đó chưa nghiên cứu kỹ để vận dụng", đại diện Bộ Y tế nói.

Về việc một số bệnh viện vẫn đợi thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế ra đời mới làm thầu, nên dự kiến phải nhiều tháng nữa mới có thuốc, vật tư, ông Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ không có công văn hướng dẫn, cũng không có thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị mà chỉ có thông tư về thuốc.

Vụ Kế hoạch - Tài chính giải thích thêm, Bộ Y tế sẽ ban hành các thông tư mà Chính phủ đã giao, nhưng là về cơ chế đàm phán giá với các thiết bị chỉ có 1-2 nhà sản xuất và danh mục mua sắm tập trung, để phục vụ Trung tâm Mua sắm tập trung Quốc gia, chứ không phải phục vụ các hoạt động khác; và một thông tư nữa về danh mục thuốc Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng cơ chế đấu thầu không còn vướng mắc, vì các văn bản hướng dẫn đã có. Luật Đấu thầu và Nghị định 24 đã tháo gỡ hết khó khăn mà các bệnh viện từng phản ánh.

Theo ông Khoa, tư duy chờ thông tư hướng dẫn mới mua sắm là sai, vì các quy định đã có. Tuy nhiên, một lý do nữa khiến nhiều bệnh viện thiếu vật tư là có những gói mua sắm không có nhà thầu tham gia vì thiếu nguồn hàng để cung ứng.

Gỡ mãi vẫn khó!

Theo ý kiến của một số bệnh viện, thuốc và vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt, không thể đấu thầu giống như các mặt hàng thông thường khác nên nếu chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể bệnh viện chưa thể làm được.

Ngay cả việc áp giá gói thầu của các bệnh viện khác làm căn cứ mua sắm thì đặc thù bệnh viện cũng không thể mua đủ mặt hàng như nhu cầu sử dụng thực tế, có thể chỉ dùng một vài tháng và chỉ được thực hiện 1 lần trong năm.

TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, Nghị định 24 giúp bệnh viện giải quyết khá nhiều vấn đề thực tế.

Cụ thể, Nghị định nói rõ quy trình đấu thầu gồm bao nhiêu bước, các bước phải làm thế nào, có sẵn biểu mẫu để triển khai đấu thầu… Nhưng trong nghị định cũng ghi rõ, Bộ Y tế cần phải làm thêm một số bước như phân nhóm trang thiết bị, nhóm vật tư và nhóm thuốc, nhóm nào cần đấu thầu tập trung, nhóm nào cho các bệnh viện tự chủ.

Chung quan điểm, một số bệnh viện cũng bày tỏ lo lắng về tính trung thực và chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp đưa ra. Bệnh viện lo ngại mua phải giá cao, sau này khi thanh tra sẽ thành thất thoát tài sản.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì cho hay, khi doanh nghiệp báo giá, kê khai trên hệ thống cũng chưa chắc đã an toàn bởi có thể doanh nghiệp nâng khống giá.

"Câu chuyện này phổ biến khi nhiều doanh nghiệp thành lập nhiều công ty, các công ty trúng thầu, chủ đầu tư vẫn rơi vào tình cảnh mua phải giá đắt và khi kiểm toán lại sai phạm", ông Cơ nói.

Còn theo ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì au khi Nghị quyết 30 của Chính phủ hết hiệu lực, nhiều lãnh đạo bệnh viện công lập kỳ vọng vào Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024 và Nghị định 24 của Chính phủ sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong mua sắm. Tuy nhiên, thời điểm này, không ít bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện được việc này vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Ông Dương Đức Hùng cũng đặt câu hỏi về hành lang pháp lý đã đủ để các đơn vị tổ chức mua sắm được chưa, bởi ngoài luật còn có các văn bản dưới luật, như nghị định, thông tư hướng dẫn.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo ông Hoàng Cương, Trưởng phòng chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, từ đầu năm 2024, khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng, đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có mua sắm cho y tế.

Ngày 27/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn.

Nghị định này cho phép các bệnh viện có thể xác định giá gói thầu theo báo giá, kể cả trường hợp có một báo giá thì cũng lấy báo giá đó làm giá dự kiến cho gói thầu, hoặc có nhiều báo giá thì có thể lấy giá dự kiến từ gói thầu giá cao nhất.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay cơ quan quản lý đã hoàn thiện xây dựng các thông tư hướng dẫn thi hành Luật để chuẩn bị ban hành. Và trong khi chờ các văn bản hướng dẫn này, đại diện nhiều bệnh viện thừa nhận chưa thể dễ dàng đấu thầu mua sắm đủ thuốc, vật tư.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuoc-vat-tu-y-te-van-thieu-nguoi-benh-moi-mon-chiu-kho-d211770.html