Thương hiệu bóng đá Việt quá rẻ mạt

Từ chuyện V.League đang nhan nhản cảnh bạo lực cho tới một trận đấu tẻ nhạt đến khó tin của đội tuyển VN cho thấy thương hiệu bóng đá Việt quá rẻ mạt. Điều kỳ lạ là, cả bộ máy làm bóng đá khổng lồ không ai quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu CLB, thương hiệu đội tuyển.

Đội tuyển Việt Nam thi đấu rất mờ nhạt trong trận gặp sinh viên Hà Quốc. Ảnh: Quang Thái

Trẻ em không được xem bóng đá

Một tình huống gây xôn xao ở giải Ngoại hạng Anh cuối tuần qua: Ống kính truyền hình ghi lại cận cảnh ông Alan Pardew - HLV đội Newcastle - nổi nóng, húc đầu vào mặt cầu thủ Hull David Meyler.

Kết quả, ông Alan Pardew nhận thẻ đỏ. Ngay sau trận đấu, Newcastle đã có phản ứng tức thì, đưa ra án phạt HLV Alan Pardew 100.000 bảng, tương đương 3,5 tỉ đồng. Alan Pardew dù nói rằng không có ý làm tổn hại Meyler, nhưng cũng đã nhanh chóng xin lỗi và chấp nhận án phạt của CLB và của cả LĐBĐ Anh.

Việc Newcastle nhanh chóng phạt nặng HLV của mình không phải vì họ sợ LĐBĐ Anh mà là sợ hình ảnh, thương hiệu của CLB trở nên tồi tệ trong mắt CĐV. Newcastle là CLB đã giảm giá vé hết cỡ, đồng thời trong mỗi tấm vé ấy là một miếng bánh miễn phí cho trẻ em. Theo LĐBĐ Anh, số trẻ em mua vé toàn mùa có tỉ lệ khá cao và có tới 60% số CĐV trẻ em tới sân xem đá bóng cùng gia đình.

Các CLB ở Anh rất coi trọng lực lượng CĐV trẻ em này, bởi đó chính là thành phần quyết định tương lai tài chính của CLB. Các thành viên ở mỗi CLB phải xác định là phải bảo vệ hình ảnh của mình để mỗi ông bố khi mang con tới sân bóng không phải sợ bọn trẻ bị “nhuốm màu” bởi những hành động xấu, lối chơi bạo lực.

Đó không phải là cách làm của bóng đá VN. Khi V.League đang có xu hướng bạo lực hóa, nhiều CLB đã bảo vệ cầu thủ của mình, thay vì phải bảo vệ hình ảnh của CLB.

Đinh Văn Ta của Ninh Bình sau cú song phi vào người Danny đã không hề nhận án phạt nội bộ nào, thậm chí V.Ninh Bình vẫn đưa cầu thủ này đi đấu AFC Cup. Còn ở SLNA, trước án phạt của VFF với Đình Đồng, lãnh đội SLNA nhăm nhăm “kháng án” mà quên rằng lẽ ra phải “phạt thêm” cầu thủ vì làm ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của CLB.

Sự dung dưỡng cho bạo lực là điều khác biệt khá lớn giữa bóng đá chuyên nghiệp kiểu Anh và bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt.

Ở Anh, trẻ em đến sân thưởng thức bóng đá và nhận một miếng bánh. Ở Việt, thay vì miếng bánh, bọn trẻ có thể học được miếng... đánh. Đó là lý do trẻ em không nên xem V.League khi mà thương hiệu của cả một đội bóng lại không đáng giá bằng một cú đạp trên sân.

Thiếu nghiêm túc với đội tuyển quốc gia

Đội tuyển là khuôn mặt, là đại diện của một nền bóng đá. Lý thuyết là như thế và cũng dễ hiểu khi V.League đang thể hiện khuôn mặt méo mó thì đội tuyển VN cũng đã thể hiện sự “nhem nhuốc” đến khó tin.

Trận giao hữu giữa Đội tuyển VN và Sinh viên Hàn Quốc là trận “làm nóng” cho thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc trước trận gặp tuyển Hồng Kông (ngày 5.3 tới). Nhưng dù là trận đấu “làm nóng”, thì sự nghiêm túc cũng cần thể hiện.

Trận đấu không có bàn thắng, nhưng điều đáng tiếc là BHL đã biến một trận giao hữu quốc tế của đội tuyển, có bán vé ở sân Hàng Đẫy, trở thành buổi đá tập không hơn, không kém. Ông Phúc thay người hàng loạt và cuối cùng đã xảy ra tình huống éo le: Đội VN phải chơi 20 phút chỉ với 10 cầu thủ, vì đã sử dụng hết quyền thay người!

Ý đồ đá tập của ông Phúc khá rõ. Nhưng cũng giống như cách mà ông Phúc làm trong trận đấu tai tiếng giữa U. 23 VN và Bangu (Brazil) ở BTV Cup năm ngoái khiến VFF “đình chỉ nhiệm vụ” ông Phúc ngay trong đêm.

Hai trận đấu, đều có thể xuất phát từ toan tính (mang tính chuyên môn) của HLV này, nhưng điều mà ông Phúc đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong cả 2 trận (với Bangu và SV Hàn Quốc) là đã làm tổn hại thương hiệu của đội tuyển. Sự tổn hại này mang đến mối nguy đầu tiên là NHM tiếp tục quay lưng với đội tuyển, tiếp theo là các nhà tài trợ sẽ “ngại ngần” bắt tay khi họ biết rằng thương hiệu đội tuyển không được chăm chút, thậm chí bị coi thường và trở nên rẻ mạt.

Bóng đá Việt đang trong quá trình tìm lại khán giả, tìm các nhà tài trợ để tháo gỡ những khó khăn về tài chính. Nhưng các nỗ lực ấy sẽ chẳng mang lại kết quả khi thương hiệu bóng đá Việt, từ thương hiệu CLB đến thương hiệu đội tuyển thường xuyên bị vấy bẩn và làm cho trở nên rẻ mạt với những pha bóng bạo lực, những trận đấu vô hồn.

Hôm qua, đội tuyển Hồng Kông đã tới VN chuẩn bị cho trận đấu diễn ra lúc 21h ngày 5.3 tới tại sân Mỹ Đình (Hà Nội). Giá vé có 3 mức là 50, 80 và 120.000 đồng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/thuong-hieu-bong-da-viet-qua-re-mat-183861.bld