Thương hiệu thực phẩm Việt vẫn mờ nhạt trên thế giới

Hầu hết người tiêu dùng các nước nhập khẩu không biết đến sản phẩm nông nghiệp Việt Nam do thương hiệu không đủ mạnh. Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Xây dựng chiến lược thương hiệu thực phẩm Việt Nam tổ chức sáng 4/10 tại Hà Nội.

Một biên bản ghi nhớ về Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đã được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan và Dự án Hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) ký kết.

Chương trình này là một cấu phần của Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan đến ngành thực phẩm Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, trái cây...

Nông sản, thực phẩm là một trong những ngành có tiềm năng to lớn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, thương hiệu của ngành hàng này trên thế giới còn chưa mạnh. Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp chuyên nghiệp và hiệu quả góp phần hỗ trợ xuất khẩu cho ngành thực phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam do Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại, khởi động. Mục đích của Chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam.

"Chương trình sẽ được triển khai dưới hình thức một chiến dịch tư vấn, truyền thông, quảng bá, tiếp thị xây dựng hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia", Thứ trưởng cho biết.

Hoàng Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doanh-nghiep/thuong-hieu-thuc-pham-viet-van-mo-nhat-tren-the-gioi-20161004131157637.htm