Thương mại chuyên chở văn minh!

Bà M. Le Pen, ứng viên tổng thống cực hữu - dân tộc chủ nghĩa của nước Pháp cảnh báo “cuộc toàn cầu hóa… đẩy nền văn minh của chúng ta tới chỗ nguy hiểm!”. Ông Trump khi tranh cử cũng phất cờ chống toàn cầu hóa vì theo ông nó đã làm nước Mỹ suy yếu mà nay ông muốn làm cho siêu cường này “vĩ đại trở lại”.

Trái cây Thái Lan xuất hiện nhiều trên các sạp hàng trong nước.Ảnh: P.V

Ông này điều hành quốc gia như điều hành một doanh nghiệp với khẩu hiệu nổi bật của chiến tranh thương mại “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ!”. Đúng là cuộc toàn cầu hóa lần này là lần đầu tiên trong lịch sử mà các nước giàu mạnh, tự phong là “nước giỏi, nước thông minh, nước tiên tiến” và cho mình cái quyền phát động toàn cầu hóa để lãnh đạo thế giới, bị lép vế thua thiệt bởi chính toàn cầu hóa. Mặc cảm mình đã sai lầm khi “sinh ra các Frankenstein - quái vật” xuất hiện khá rõ nét trong giới tinh hoa Âu Mỹ. Ở Đông Á cường quốc số hai tuyên bố “Phục hưng văn minh Trung Hoa” xây dựng “Giấc mơ Trung Hoa” đối trọng với “Giấc mơ Mỹ” đã lùi vào huyền thoại!

Khẩu hiệu rất cụ thể là những “vành đai”, những “con đường”, tái lập những con đường tơ lụa thời cổ đại! Thực chất là cuộc chiến văn hóa - thương mại gay gắt. Một nền văn hóa lấy sự cởi mở làm sức mạnh như văn hóa Mỹ mà nay cũng lo sợ bị mất bản sắc vì những hàng hóa, vốn được coi là chất lượng không cao thì ở Châu Âu (ông chủ của các cuộc toàn cầu hóa từ thế kỷ 16 tới nay) nỗi sợ mất các giá trị văn minh càng giống các cơn ác mộng hơn. Thương mại và nhập cư có thể hủy hoại các “giá trị Cộng hòa” của Pháp, “giá trị Dân chủ” của Anh hay “giá trị Tự do” của Mỹ. Tình thế có lẽ chưa đen tối bi đát đến vậy nhưng lo như thế không thừa, càng không phải là “lo bò trắng răng”.

Các nhà lịch sử, nhất là các sử gia kinh tế, đang lần giở những trang sử huy hoàng của các con đường thương mại cổ xưa. Họ chứng minh rằng: Các tuyến thương mại và các công ty chuyên chở hàng hóa xuyên lục địa, xuyên đại dương hay xuyên vùng hẹp hơn là đồng các giả, thậm chí là chủ biên mọi cuộc toàn cầu hóa, bên cạnh quân đội và các nhà truyền giáo! Hàng hóa là những lính tiên phong, là cái đến trước. Tư tưởng, đức tin tôn giáo và nghệ thuật là những đội hậu bị, những thứ đến sau. Những con tàu chở hàng cũng là những con tàu chở văn minh. Giống như con thuyền văn chương chở đạo của cụ Đồ Chiểu.

3 triệu hộ nuôi heo lao đao, 24 triệu con lợn đang “rẻ nhất thế giới”. Dân Việt thích ăn lòng lợn Đức, thịt gà Mỹ. Mỗi mùa trái cây miền Nam ủng thối ngoài đồng, trong vườn. Hàng ngàn tình nguyện viên ôm từng quả dưa cười tươi, bán như cho để giải cứu Mai An Tiêm huyền thoại. Người Việt ăn trái cây Thái và mỳ gói Hàn… Đó là chuyện thương mại hay văn hóa? Là toàn cầu hóa văn hóa hay chiến tranh buôn bán?

Văn hóa tiêu dùng, thị hiếu và ảo tưởng về giá trị, giá bán của các hàng hóa mới là cái gốc, cái xuất phát điểm của toàn cầu hóa. Chuyện một bộ phim, một cuốn sách, một tượng đài, một triển lãm, một vở kịch được trình bày, công diễn, một bài hát không có giấy phép lưu hành hay một cô mẫu bị phạt vì thi chui để kiếm ăn chỉ là những cành ngọn phờ phạc trước gió khi cái gốc lung lay bần bật. Người duy vật có thể cực đoan khi nói 100% rằng vật chất quyết định tinh thần. Song bạn có thấy việc văn chương nhái ngôn tình, phim nhái Hollywood, nhạc trẻ nhái K-Pop…, việc tiêu thụ các món ăn tinh thần này, chỉ là ánh xạ tương đồng tất yếu của việc ham lòng lợn Đức, thịt gà Mỹ và trái cây Thái… hay không? Bảo hộ mậu dịch là lạc hậu là thế thủ, là bị động về văn hóa vật chất nhưng để toàn cầu hóa thương mại, thông qua văn hóa tiêu dùng mà định dạng đời sống tinh thần cũng là thất bại lớn.

Nước ta đang ở mức thu nhập trung bình đặt một bước chân vào xã hội tiêu thụ. Biến đổi ở tiêu thụ, ở hạ tầng vật chất sẽ đi trước song biến động thượng tầng kiến trúc sẽ theo sau tắp lự, không chần chừ và chậm chạm như những đợt giao thoa văn hóa thế kỷ trước nữa. Nên lo trước kẻo muộn.

NGUYỄN BỈNH QUÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thuong-mai-chuyen-cho-van-minh-661580.bld