Thương mại toàn cầu sẽ đi xuống trong thời gian tới?

Nguồn ảnh: Getty Images/CNBC Đà bùng nổ hoạt động thương mại toàn cầu bắt đầu từ cuối năm ngoái đã thúc đẩy tăng trưởng ở Châu Á, nhưng liệu nó có thể kéo dài hay không?

Nguồn ảnh: Getty Images/CNBC

Việc hoạt động thương mại toàn cầu khởi sắc kể từ quý IV/2016 tới này là điều đặc biệt đáng chú ý, vì nó đã trì trệ suốt 5 năm liền trước đó.

Theo Hàn Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn bi quan về những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Rob Carnell, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á tại ING, nhận định: "Mọi thứ đang bắt đầu trở nên lộn xộn" và chỉ ra một loạt các yếu tố đáng lo, bao gồm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Carnell giải thích đà tăng trưởng thương mại trong những tháng gần đây chủ yếu là do thời kì ảm đạm trước đó. "Bây giờ thời kì tăng trưởng dễ dàng đã kết thúc, con đường xuất khẩu sắp tới sẽ khó khăn hơn", ông nói.

Carnell cũng lưu ý rằng một số nước đã được hưởng lợi khi đồng tiền của họ đột nhiên mạnh lên so với đồng USD, nhưng có thể điều này không kéo dài.

Những chuyên gia khác cũng chia sẻ quan điểm về chặng đường khó khăn phía trước.

Freya Beamish, chuyên gia kinh tế châu Á tại Pantheon Macroeconomics, nói với CNBC hôm thứ Ba rằng bà không cho rằng thương mại tại châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng. Thay vào đó, bà dự báo rằng thương mại sẽ suy giảm trong quý IV/2017.

Beamish nói thêm rằng tổng cầu ở Mỹ và châu Âu vẫn mạnh, nhưng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại. Bà cho rằng các thị trường châu Âu và Mỹ cũng sẽ nguội dần từ đây cho đến cuối năm tới.

Một số nhà kinh tế cho biết họ kỳ vọng hoạt động kinh tế trong thời gian tới sẽ ở mức trung bình, và ít có biến động tăng/giảm lớn.

Louis Kuijs, người phụ trách về kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho biết ông kỳ vọng tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt đỉnh điểm trong quý I năm nay và sẽ chậm lại trong phần còn lại của năm.

Kuijis cho rằng: "Trung Quốc là nước khởi nguồn cho sự phục hồi thương mại toàn cầu này. Nhập khẩu của Trung Quốc trong thời gian qua tăng rất mạnh, nhưng có lẽ sẽ giảm xuống trong thời gian tới".

Kuijs cũng không mong đợi kinh tế châu Âu và Mỹ tăng trưởng đủ mạnh để bù đắp cho sự suy giảm của Trung Quốc.

Những người khác thì lạc quan hơn nhiều. Klaus Baader, kinh tế gia trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Societe Generale, nói: “Trung Quốc không phải là tất cả với thế giới”.

Trong khi Baader cho biết mình kỳ vọng tăng trưởng thương mại sẽ ở mức vừa phải, ông vẫn lạc quan vì sự phục hồi của chu kì công nghệ. Ông nói: “Sự lạc quan đó dựa trên những đổi mới về mặt công nghệ, vốn sẽ khó biến mất trong nay mai. Một ví dụ là người ta đang chuyển dần sang sử dụng các thiết bị điện tử kết nối không dây, nó sẽ đòi hỏi nhiều chất bán dẫn hơn và các linh kiện điện tử khác”.

Baader cũng dự đoán rằng sự phát triển của Internet vạn vật (IoT) và các loại xe tự lái sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại mạnh mẽ hơn trong 2 năm tới.

Mạnh Đức

Nguồn CNBC

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/thi-truong-quoc-te/thuong-mai-toan-cau-se-di-xuong-trong-thoi-gian-toi-3319902/