Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Dấn bước với nụ cười bình thản

Từng bốn lần bị bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn không vì thế mà sốc.

Từng bốn lần bị bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn không vì thế mà sốc. Ông quan điểm vui rằng, vừa tròn 70 tuổi, so với nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, thì ông đã “có lãi” 52 năm rồi (tướng Hiệu đã 52 năm tuổi quân). Việc ông đã trải qua chiến tranh ác liệt, vào sinh ra tử và vẫn trở về được với cuộc sống cho tới thời bình hôm nay đã là một trong những chiến thắng của người anh hùng. Vậy thì, bệnh tật nào cũng không còn đáng sợ, không thể làm ông lo lắng.

Không khuất phục đạn bom thì không sợ bệnh tật

Với đa số người bệnh, khi bác sĩ nghi bị bệnh hiểm nghèo, thường sốc nặng và suy sụp tinh thần nhanh chóng. Tướng Hiệu từng bốn lần phải nghe thông báo khủng khiếp này, nhưng ông không vì thế mà mất ăn mất ngủ. Trong một lần, khi bác sĩ nghi ông bị bệnh gan, ông bình tĩnh dặn bác sĩ rằng, do vợ ông cũng là một bác sĩ, nên chớ báo tin này cho vợ ông biết, kẻo bà sẽ lo lắng. Ông vẫn giữ nếp sinh hoạt bình thường, điều chỉnh lại chế độ ăn theo cảm nhận của ông để tăng cường sức khỏe và có lợi cho gan. Không lo lắng, không mất ngủ, ông tiếp tục thực hiện các xét nghiệm tiếp theo và chờ kết quả. Ông chỉ nghĩ rằng, ngay lúc này nếu bệnh tật mang ông đi, thì ông cũng không việc gì phải hối tiếc, ông đã sống một cuộc đời binh nghiệp hào hùng, đã cống hiến nhiều trí tuệ cho khoa học quân sự. Tất cả những việc quan trọng nhất đời, ông đều đã thực hiện tốt. Những việc cần làm để tri ân đồng đội đã ngã xuống, ông cũng đã làm liên tục trong nhiều năm nay. Ông đã luôn bên họ khi họ còn chiến đấu và vẫn hết lòng tri ân cho đồng đội khi họ ngã xuống, nếu bây giờ có phải từ giã cuộc sống này, ông sẽ được về vui với đồng đội xưa.

Nhờ cách suy nghĩ tích cực như thế, mà căn bệnh đe dọa cả thế giới đã không làm Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mảy may sợ hãi. Ông cứ vui vẻ thực hiện những kế hoạch mình đã lập ra, vui vẻ đến phút cuối cùng như ông tâm niệm. Và thật kỳ diệu làm sao, khi cả bốn lần bị bác sĩ nghi mắc bệnh hiểm nghèo, thì sau khi xét nghiệm đầy đủ, kết quả báo về cho Thượng tướng là ông không mắc căn bệnh quái ác đó. Có thể sự mạnh mẽ, lối sống tích cực và sự lạc quan phi thường trong ông đã đẩy lùi bệnh tật?!

Tướng Hiệu trong một lần thăm lại chiến trường xưa.

Một lối sống tích cực

Tướng Hiệu nay đã về hưu, nhưng ông vẫn làm việc rất tích cực, nhất là trong công tác nhân đạo, từ thiện. Ngoài những dịp kỷ niệm Ngày Quốc phòng toàn dân, Ngày Thương binh Liệt sĩ, ngày giỗ trận tại các chiến trường xưa mà ông và một số tướng lĩnh, cựu quân nhân lên đường làm công tác tri ân đồng đội, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ vợ, con liệt sĩ... thì ông còn làm công tác nghiên cứu khoa học quân sự, môi trường. Vốn là một Viện sĩ (về nghệ thuật chiến tranh), và Tiến sĩ khoa học quân sự, thì việc nghiên cứu khoa học ở tuổi 70, với ông không chỉ là sự cống hiến trí tuệ cho loài người, mà còn là một cách tập thể dục cho não, giúp não luôn khỏe, chống sự già nua và lão hóa trong suy nghĩ, tư tưởng. Là một người có tính cách chỉ huy bẩm sinh, một tính cách mạnh mẽ nhưng vị tha, ông luôn thu hút nhiều người xung quanh, truyền lửa sống nhiệt tình, đam mê cho họ, khiến họ cùng làm việc, suy nghĩ tích cực và dám thay đổi trong công việc hàng ngày để cải thiện cuộc sống và môi trường xung quanh.

Tướng Hiệu có lịch trình di chuyển dày đặc. Với ông, càng đi càng khỏe ra. Đi tới vùng đất nào, ông cũng mang lại đổi thay tích cực cho con người ở đó, nhờ ảnh hưởng bởi tư tưởng sáng suốt, minh triết, lối sống tích cực, nói là làm và làm ở mức tối đa của ông. Tới vùng đất nào, thấy có cây hoặc trái cây loại tốt, ông thường mang giống về tặng cho các vùng đất khác để cây trái tốt được nhân rộng lên mãi. Tướng Hiệu còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng cây trái cho mọi người xung quanh để truyền cho họ tình yêu với cây cỏ, môi trường, để sống khỏe cùng môi trường khỏe.

Ông còn là người thích chơi thể thao và năng tập thể dục. Thời còn trẻ, ông chơi tennis, bởi với ông đó là một thú vui lành mạnh, đem lại sự dẻo dai, linh hoạt cho cơ thể. Nay đã có tuổi, ông rèn luyện bằng cách bơi, đi bộ nhẹ nhàng... Ông cho rằng càng tham gia các hoạt động thể lực đa dạng thì càng khiến các cơ bắp khác nhau cùng tham gia hoạt động, không để cơ bắp nào không được dùng đến mà ngủ quên lâu ngày, sẽ yếu đi và sinh bệnh. Ông tâm niệm, ở tuổi nào cũng cần rèn luyện phù hợp để tích lũy sức khỏe, tiếp tục cống hiến theo khả năng của mình, nhất quyết không được để mình sống thừa, sống vô ích.

Ngoài ra, chế độ ăn uống khoa học cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng một cơ thể khỏe mạnh và tăng năng lực cho hệ thống đề kháng. Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn là nguyên tắc nghiêm ngặt của ông và gia đình. Ông cũng ăn chế độ ăn phù hợp, ưu tiên rau, trái cây. Tuy nhiên, cũng có lần do ông ăn nhiều xoài chín mà làm đường trong máu tăng cao, khiến bác sĩ nghi ông có nguy cơ tiểu đường. Sau đó ông đã điều chỉnh lại, giảm ăn các loại trái cây quá ngọt thì đường trong máu trở lại mức bình thường. Rút kinh nghiệm từ lần đó, Tướng Hiệu không bao giờ ăn quá nhiều một món gì, dù món đó ngon hay có lợi cho sức khỏe. “Ăn ít đi, sống lâu hơn” - ông cười vui vẻ nói. Bí quyết để ông luôn nhanh nhẹn và suy nghĩ tích cực là trong nhiều năm thời trẻ, ông thường ăn chuối mỗi ngày, tối đa ba quả/ngày. Chuối có chứa lượng kali cao, tốt cho não. Còn trong những năm gần đây, mỗi ngày ông đều đặn uống hai, đến ba cốc sinh tố bưởi, ổi, hoặc bơ, mãng cầu với sữa dành cho người cao tuổi.

Theo Tướng Hiệu, trong ngày Tết, dân ta có thói quen chế biến nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên cũng không vì thế mà buông lỏng mình, quá chén, dẫn đến vấn đề khó lường cho sức khỏe, bởi “bệnh từ miệng ăn vào, họa từ miệng nói ra”. Trong những ngày xuân, dù vui đến đâu, ông vẫn luôn giữ chế độ ăn uống điều độ.

Tinh thần khỏe là yếu tố quan trọng

Ông đã lên tới đỉnh cao vinh quang của đời binh nghiệp: vị trí Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc đó đã đặc biệt khó, nhưng khi trở lại với cuộc sống đời thường, ông lại vui vẻ khỏe khoắn và sống rực rỡ như chưa từng “hạ cánh”.

Tướng Hiệu cho rằng, tinh thần khỏe là yếu tố vô cùng quan trọng. Luôn tâm niệm điều đó, nên ông không ngừng phấn đấu, sao cho có được mối quan hệ hài hòa với bạn bè, đồng đội. Ông cư xử với mọi người bằng tấm lòng của người có văn hóa. Cho dù đâu đó, có những người còn chưa hiểu ông, không ưa ông, ông biết nhưng vẫn cư xử tốt với đối tượng ấy, tự hiểu rằng họ làm vậy là do họ chưa có đủ thông tin về mình. Ông tin rằng nếu mình thực sự có thiện tâm trong cách xử lý mối quan hệ với họ, rồi qua thời gian họ sẽ hiểu ra. Ông hiểu sâu sắc rằng, mình không thể bắt tất cả mọi người yêu mình ngay; mà ở vị trí cấp trên, mình trước hết phải tự rèn mình sống bao dung, đại lượng, vị tha. Kể cả trong cuộc sống gia đình, trong môi trường làm việc, trong cách đối nhân xử thế, Tướng Hiệu luôn hành động theo phương châm ấy.

Sau này, thậm chí khi Tướng Hiệu đã về hưu, người trước kia từng không ưa ông, nay nghĩ lại, đã đến gặp ông thổ lộ, rằng trong quá khứ do chưa hiểu nên có nói những điều không phải về ông, mong ông thông cảm. Tướng Hiệu cho rằng, đó là chuyện bình thường, là cuộc sống, luôn có mặt tiêu cực bên cạnh mặt tích cực, nên không vì thế mà ông thấy nặng nề, ảnh hưởng tới tình cảm của mình. Đó là cách ông giữ cho tinh thần luôn khỏe, không vướng bận chuyện bực mình không đáng.

Ông cho rằng, chữ “an” trong tư tưởng vô cùng quan trọng. Nếu để mình bị đột biến về tâm lý, bị hẫng hụt tinh thần sẽ dễ sinh bệnh. Ông từng được rèn luyện bản lĩnh trong chiến trường, biết chung sống hòa bình với “cảm giác mạnh”, nên đã sở hữu được một thứ “thần kinh thép”, chịu được lửa trong mọi thử thách về tinh thần với những cạnh tranh khốc liệt kể cả ở chính trường. Trong cam go vẫn giữ được nụ cười bình thản. Bởi ông hiểu, chiến tranh nơi mặt trận đã ác liệt rồi, nhưng làm việc ở thời bình còn phức tạp gấp nhiều lần.

Những ngày giáp Tết này, tướng Hiệu lại bận rộn với việc thiện nguyện, khi ông tham gia các chuyến đi trao quà Tết cho học sinh nghèo. Nhìn ông đi lại nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tươi cười vui vẻ trao quà cho các cháu học sinh, tôi nhớ lại điều ông tâm sự, rằng ở tuổi này, ông sống lạc quan nhẹ nhõm và chỉ tập trung nhất cho ba điều, đó là: hoạt động khoa học, hoạt động môi trường và hoạt động nhân đạo để làm cho cuộc sống phong phú và thanh thản. Với ông, hạnh phúc nhất ở tuổi tròn 70, là có sức khỏe và các con thành đạt, các cháu ngoan, học giỏi.

Hiện nay, trong hầu hết các chuyến đi của Tướng Hiệu đều có phu nhân của ông - bác sĩ Lại Thị Xuân đi cùng. Đó là cách họ cùng gắn bó, chăm sóc cho nhau và chăm sóc cho cộng đồng. Đó là những chuyến đi vì đồng đội đã hy sinh, chữa lành những vết thương trên cơ thể đất nước do chiến tranh để lại, vì môi trường sống bền vững, lành mạnh hơn. Đó là cách vợ chồng vị tướng cùng chia sẻ cuộc sống, gia tăng tình yêu riêng tư và cả tình yêu với Tổ quốc.

Kiều Bích Hậu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-dan-buoc-voi-nu-cuoi-binh-than-n127304.html