Thượng tướng Song Hào - Người cán bộ mẫu mực, tận tụy, vị tướng tài ba

LTS: Tại Hội thảo khoa học 'Thượng tướng Song Hào-người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam', do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức ngày 10-8, nhiều ý kiến phát biểu và tham luận gửi tới hội thảo đã khẳng định và làm sáng tỏ về tài năng, đức độ, những đóng góp của đồng chí Song Hào đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quân đội. Qua hội thảo cũng đúc kết những bài học, kinh nghiệm thiết thực từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Thượng tướng Song Hào phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Báo QĐND trích đăng một số tham luận tại hội thảo.

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định: Người con ưu tú của quê hương giàu truyền thống cách mạng

Đồng chí Đoàn Hồng Phong

Thượng tướng Song Hào là người con ưu tú của quê hương Nam Định, người cộng sản kiên trung mẫu mực; nhà chính trị, quân sự xuất sắc của QĐND Việt Nam. Với hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí đã có những cống hiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quân đội và LLVT nhân dân. Những năm tháng hoạt động không mệt mỏi, không quản ngại hy sinh, gian khổ trong phong trào cách mạng đã rèn giũa bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ cách mạng và là hành trang quan trọng để sau này đồng chí Song Hào trở thành người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà chính trị, nhà quân sự tài năng của Đảng và QĐND Việt Nam.

Với 87 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, đồng chí Song Hào là một nhà lãnh đạo có uy tín, là tấm gương sáng về phẩm chất, trí tuệ và đạo đức cách mạng. Đồng chí từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, quân đội, công việc rất bận rộn, nên không có nhiều dịp về thăm quê. Tuy vậy, mỗi lần về thăm quê hương, đồng chí để lại cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân địa phương những tình cảm thân tình, thắm thiết. Đồng chí rất gần gũi, chân tình thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân dân phát huy truyền thống quê hương, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phấn đấu lao động, sản xuất, học tập để xứng đáng với truyền thống của quê hương văn hiến, anh hùng.

Đồng chí cũng chân thành nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền phải luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, khơi dậy sức mạnh và sự đoàn kết của toàn dân. Những lời nhắc nhở, căn dặn của đồng chí Song Hào đến nay vẫn mang tính thời sự, để cán bộ, quân và dân Nam Định nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. ANH QUÂN (lược ghi)

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó chính ủy Quân khu 2: Dấu ấn đậm nét của Bí thư Song Hào từ khởi nghĩa Thanh La

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên.

Cuối năm 1944, phong trào cách mạng ở Phân khu Nguyễn Huệ đã phát triển, nhưng chưa đều khắp. Trước tình hình đó, đồng chí Song Hào, Bí thư Phân khu ủy đã cùng Ban chỉ huy phân khu xác định: Phải phân tán lực lượng, tập trung quân số sang châu Sơn Dương (nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), để mở rộng cơ sở cách mạng, đưa phong trào đấu tranh phát triển mạnh hơn.

Thời gian đầu xây dựng cơ sở, đồng chí Song Hào và cán bộ của phân khu phải nằm rừng, ngủ suối; nhiều khi phải ăn măng nứa, củ mài, uống nước suối; ban ngày đợi từng người dân lên nương rẫy để gặp gỡ, làm quen, rồi tuyên truyền, vận động. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Song Hào, cùng sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ trong Phân khu Nguyễn Huệ và tinh thần cách mạng sôi sục của nhân dân, các cơ sở cách mạng lần lượt được gây dựng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển ngày càng rộng và mạnh mẽ.

Nắm vững chủ trương khởi nghĩa vũ trang của Đảng, với trọng trách Bí thư Phân khu ủy, đồng chí Song Hào đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển LLVT cách mạng, ra sức củng cố các đội dân quân tự vệ, mở rộng các đội du kích, tạo tiền đề để tháng 2-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Đội Cứu quốc quân 3, tạo điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng ở châu Sơn Dương và các vùng lân cận, tạo nên vùng căn cứ rộng lớn và vững chắc.

Tháng 3-1945, sau sự kiện Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp ở Đông Dương, nắm bắt thời cơ, đồng chí Song Hào triệu tập và chủ trì cuộc họp Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ tại khu rừng Khuôn Kẹn (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương). Hội nghị quyết định: Thời cơ đã đến, cần nhanh chóng hành động giành chính quyền; chọn xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) làm điểm để chỉ đạo, với tư tưởng phải chắc thắng để gây thanh thế. Đêm 10-3, đồng chí Tạ Xuân Thu, Khu ủy viên Phân khu tập trung lực lượng đi tước súng của hương dõng trong một xóm nhỏ, sau đó tịch thu hết vũ khí của địch trong toàn xã Thanh La, rồi nhanh chóng tiến xuống các xã giành chính quyền.

Khởi nghĩa Thanh La là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc, cho thấy sự chủ động, nhạy bén, sáng tạo của Ban chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Bắc cũng như cả nước, ghi đậm dấu ấn lãnh đạo của đồng chí Song Hào. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Song Hào, tỉnh Tuyên Quang cũng sớm khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Đồng chí cũng góp phần quan trọng trong giải phóng và củng cố chính quyền ở Hà Giang, làm thất bại âm mưu của quân Tưởng và bè lũ phản động...NGUYỄN NGÂN (lược ghi)

Anh Nguyễn Văn Hòa, con trai Thượng tướng Song Hào: Noi theo tấm gương và học tập đức tính của cha

Anh Nguyễn Văn Hòa.

Cha tôi rất hiền, nhưng cũng rất nghiêm khắc và luôn yêu cầu các con phải học tập nghiêm túc, siêng năng, sắp xếp lịch sinh hoạt, học tập một cách khoa học... Ông thường răn dạy chúng tôi: “Muốn trở thành người có ích cho đất nước thì trước tiên các con phải học tập, rèn luyện chăm chỉ, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, có hôm, mấy anh chị em mải chơi quên thời gian học tập. Cha bắt chúng tôi tự viết bản kiểm điểm, tường trình lại sự việc, nhận lỗi, xác định thời gian sửa chữa khuyết điểm và tự xác định hình thức xử phạt khi tái phạm. Khi lớn lên chúng tôi được cha dạy: “Mình có quyền tự hào, nhưng không có quyền tự kiêu”; đồng thời cha giáo dục, căn dặn chúng tôi phải rèn luyện đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính. Cha mẹ tôi đều phân tích và định hướng các con vào những ngành nghề theo khả năng của từng người. Khi chúng tôi trưởng thành, cha không khi nào can thiệp, tác động để các con có vị trí tốt hơn trong các cơ quan, đơn vị, bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu vươn lên.

Cha tôi rất tinh tế và hóm hỉnh. Ông thường kể những câu chuyện hài hước liên quan đến công tác đối ngoại để răn dạy chúng tôi. Một lần trong bữa cơm, ông kể câu chuyện “Món rau đinh”. Chuyện là, có một người mời ông khách ngoại quốc đến nhà ăn cơm. Người chủ nhà muốn giới thiệu món rau muống dân dã của Việt Nam có nhiều vitamin và cả chất sắt, có lợi cho sức khỏe. Sau khi nghe anh phiên dịch dịch xong, ông khách tỏ vẻ rất lo lắng và bắt đầu bới rau tìm cái gì đó. Thì ra, anh phiên dịch đã dịch nhầm “chất sắt” thành “đinh sắt” khiến món rau muống từ món ngon, trở thành món ăn không an toàn.

Từ câu chuyện đó, cha dạy chúng tôi làm bất cứ việc gì, cần phải thận trọng và chính xác, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn. Phải nắm và hiểu được vấn đề thì mới giải quyết đúng, trúng và có hiệu quả. Cha tôi đã đi xa, nhưng ký ức của chúng tôi về ông không phai mờ và là sự động viên lớn, giúp chúng tôi đoàn kết, thương yêu nhau, vượt qua khó khăn để tiến bộ, trưởng thành. VĂN PHƯƠNG (lược ghi)

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự: Xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh theo quan điểm của đồng chí Song Hào

Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương.

Thượng tướng Song Hào cho rằng, khi có đường lối chính trị đúng đắn thì điều tiên quyết, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của đường lối là việc tổ chức thực hiện và sử dụng con người. Muốn vậy, vấn đề then chốt là phải có đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt, có đức, có tài. Thượng tướng Song Hào nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc lời dạy của Bác Hồ về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ.

Đồng chí Song Hào từng nhấn mạnh, trong Quân đội ta, cán bộ là người trực tiếp đem mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bộ đội; giáo dục, huấn luyện bộ đội về mọi mặt, chỉ huy bộ đội đánh giặc, công tác và tham gia lao động sản xuất. Vì vậy, trước hết cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, trọn hiếu với nhân dân để làm gương cho chiến sĩ học tập, noi theo, làm theo; phải có con người giác ngộ cách mạng cao, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có năng lực chỉ huy chiến đấu giỏi. Vai trò đầu tàu, nêu gương, làm mẫu của cán bộ đàn anh có tác dụng rất quan trọng. Thượng tướng Song Hào cho rằng, có vũ khí, trang bị tốt, bộ đội được ăn no, nhưng nếu không làm tốt công tác huấn luyện, bộ đội thiếu sự gan dạ, dũng cảm, không sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị quân sự thì vũ khí, trang bị quân sự dù có hiện đại đến mấy cũng không phát huy được tác dụng, hiệu quả. Nếu bộ đội được huấn luyện đầy đủ, được trang bị tốt, nhưng thiếu cán bộ tổ chức, chỉ huy giỏi thì cũng không thể phát huy sức mạnh chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của tập thể đảng ủy, chi bộ, cán bộ là người giữ vai trò tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, quy tụ, tập hợp, phát huy sức mạnh riêng lẻ của từng người, từng bộ phận thành sức mạnh tập thể to lớn. Nếu sự lãnh đạo của đảng ủy, chi bộ là đúng đắn, chính xác, nhưng thiếu cán bộ có đức, có tài thì nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh không thể biến thành hành động cách mạng, mà chỉ nằm trên giấy, cất trong cặp và sẽ không có thắng lợi, hoặc thắng lợi bị hạn chế, thậm chí bị tổn thất, thương vong nhiều trong chiến đấu...

Thượng tướng Song Hào luôn nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh về chất lượng, đủ về số lượng, phù hợp, hoàn chỉnh về cơ cấu, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Đó là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa rất căn bản đối với việc hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, lâu dài, cũng như tương lai của quân đội. MINH ĐĂNG (lược ghi)

TS Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Bộ trưởng Song Hào tạo đột phá về ban hành chính sách đối với người có công

Đồng chí Doãn Mậu Diệp.

Tháng 4-1982, đồng chí Song Hào được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (TB&XH), nay là Bộ LĐ-TB&XH, đúng vào thời kỳ kinh tế-xã hội đất nước gặp khó khăn chồng chất. Đối với hàng chục vạn thương binh, bệnh binh (TBBB) đang điều trị, an dưỡng tại các trại thương binh (sau này là trung tâm điều dưỡng thương binh) cuộc sống còn khó khăn gấp bội.

Qua nhiều năm công tác, giữ nhiều trọng trách trong quân đội, đồng chí tiếp cận nhanh với chức năng, nhiệm vụ của Bộ TB&XH. Bộ trưởng Song Hào rất trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn của người có công, nhất là các đồng chí TBBB. Đồng chí đã có nhiều chuyến công tác thực tế đến các địa phương, tới từng trại thương binh trên cả nước thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, sinh hoạt và tâm tư, tình cảm của TBBB và nhiều đối tượng chính sách khác. Tiếp đó, Bộ trưởng Song Hào cùng tập thể lãnh đạo Bộ thống nhất, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, cải cách việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách đối với TBBB, thân nhân liệt sĩ, nhằm tháo gỡ khó khăn, với tinh thần “chủ động nghiên cứu điều chỉnh chính sách đối với TBBB, quân nhân phục viên, xuất ngũ, trên cơ sở nguồn lực kinh tế hiện tại của đất nước”.

Thời gian 5 năm đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TB&XH (1982-1987), tuy không dài, nhưng Bộ trưởng Song Hào đã tạo dấu ấn lớn bằng phong cách chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, với một loạt chính sách đối với thương binh và chính sách xã hội được nghiên cứu, ban hành. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Song Hào, các vụ chức năng của Bộ TB&XH đã nghiên cứu, kịp thời tham mưu giúp Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 105/HĐBT ngày 25-6-1982 về “Chế độ cung cấp hàng hóa và phụ cấp tạm thời đối với TBBB, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ”. Đó là các chính sách ưu tiên đối với gia đình liệt sĩ, TBBB, gia đình có công với cách mạng, quân nhân phục viên, chuyển ngành; công nhân, viên chức, quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động.

Đây là bước đột phá quan trọng sau nhiều năm nước ta thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thương binh, liệt sĩ, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định đời sống của các đối tượng chính sách, đồng thời là nhóm các chính sách về thương binh, liệt sĩ, người có công và chính sách xã hội trước thềm công cuộc đổi mới. Đồng chí từng tâm sự: “Làm công tác chính sách khó lắm… Nếu chỉ có TÂM mà không có trách nhiệm, không có sự nhạy cảm thì chưa làm được; ngược lại có trách nhiệm, nghĩa vụ, mà không có TÂM, không thông cảm, chia sẻ với đối tượng thì cũng khó mà làm tốt được. Người làm chính sách phải có đủ cả TÂM và TRÁCH NHIỆM”.MINH ANH (lược ghi)

Đại tá Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Sư đoàn 308, Quân đoàn 1: Người chính ủy mẫu mực của Đại đoàn Quân Tiên Phong

Đại tá Nguyễn Đức Hưng.

Tháng 7-1951, Tổng Chính ủy (nay là Quân ủy Trung ương) cử đồng chí Song Hào, Chính ủy Mặt trận Tây Bắc về làm Chính ủy Đại đoàn 308, giữa lúc đại đoàn đang chiến đấu trên chiến trường Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Sau khi Chiến dịch Hà-Nam-Ninh kết thúc, đại đoàn bước vào đợt chỉnh huấn chính trị.

Gần 4 năm trên cương vị Chính ủy Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong (đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta), đồng chí Song Hào luôn có vai trò nổi bật trong xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị; luôn giữ vững phương hướng chính trị, nguyên tắc; giữ nghiêm kỷ luật, dân chủ bàn bạc trong tập thể, quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng; thường xuyên chăm lo xây dựng con người, xây dựng tổ chức, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần chủ động sáng tạo của tập thể, xây dựng bầu không khí dân chủ, tin tưởng và đoàn kết, đồng cảm cán-binh.

Đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, lập trường, ý chí quyết tâm chiến đấu. Mỗi lời nói và hành động của Chính ủy Song Hào đều có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn đại đoàn, làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu và khả năng chịu đựng gian khổ đối với từng cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh khắc phục những nhận thức và biểu hiện sai trái, lệch lạc, góp phần bảo đảm cho đại đoàn không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, làm nên chiến thắng Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đóng góp to lớn vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 hôm nay luôn ghi nhớ công lao to lớn của Chính ủy Song Hào trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị. Noi gương Chính ủy Song Hào, đội ngũ cán bộ toàn sư đoàn luôn thấm nhuần, thực hiện tốt quan điểm “Đoàn kết là sức mạnh”, cán bộ là trung tâm, trụ cột của đoàn kết; xây dựng mối đoàn kết thống nhất cao; nhất là đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy; thực hiện “Nói đi đôi với làm”, “Nói ít, làm nhiều”, “Thực hiện theo chức trách, nêu gương theo hành động”, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống “Tiên phong, anh dũng, đoàn kết, kỷ luật, thần tốc, quyết chiến, quyết thắng” của Sư đoàn Quân Tiên Phong anh hùng.

THANH HƯƠNG (lược ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/thuong-tuong-song-hao-nguoi-can-bo-mau-muc-tan-tuy-vi-tuong-tai-ba-514834