Thường Xuân chú trọng tạo việc làm cho người nghèo

Thường Xuân thuộc trong những huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn chiếm 15,13%. Do đó, huyện luôn xác định, muốn giảm nghèo bền vững thì phải tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Công ty May South Fame Garments ở thị trấn Thường Xuân, tạo việc làm cho trên 2.000 LĐNT.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Thường Xuân có trên 65.000 người trong độ tuổi lao động. Để tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua huyện đã đưa vấn đề giải quyết việc làm cho LĐNT là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó định hướng phát triển nguồn nhân lực từ lao động tự do thành lao động được đào tạo có thể đáp ứng làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của huyện đặc biệt quan tâm. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT. Trong đó đặc biệt quan tâm và ưu tiên các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa qua đào tạo nghề. Theo thống kê, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, huyện Thường Xuân đã đào tạo nghề cho 2.160 lượt LĐNT, trong đó thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Phòng LĐ,TB&XH huyện Thường Xuân đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ (Trường Đại học Hồng Đức); Công ty TNHH ong giống thùng, mật ong và người tàn tật Thanh Hóa; Công ty TNHH - Trung tâm đào tạo du lịch và tổ chức sự kiện Thanh Hóa mở được 17 lớp đào tào nghề cho LĐNT, với hơn 500 lao động tham gia. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn mở 5 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn cho gần 200 lượt người. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 59%. Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm. Nhờ đó, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 huyện Thường Xuân đã giải quyết việc làm mới cho 1.200 lao động.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước ngoài. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.000 người đi xuất khẩu lao động, vượt chỉ tiêu đề ra, chủ yếu ở các thị trường có mức thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Rumani... với các ngành nghề cơ khí, hàn, xây dựng, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình...

Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa, xã Luận Thành sản xuất ván ép xuất khẩu.

Bên cạnh đó, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trên địa bàn. Trong đó, những doanh nghiệp sử dụng số lao động lớn, như may mặc, giày da, chế biến nông - lâm sản được khuyến khích. Huyện đã tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện; xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương. Ngoài ra, huyện cũng tập trung cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Hiện nay, huyện Thường Xuân có 2 cụm công nghiệp được đưa vào trong quy hoạch phát triển gồm: Cụm Công nghiệp thị trấn Thường Xuân và Cụm Công nghiệp Khe Hạ, xã Luận Thành thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho LĐNT, như: Nhà máy gạch không nung Gia Hiếu ở Cụm công nghiệp thị trấn Thường Xuân; Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa ở Cụm Công nghiệp Khe Hạ (xã Luận Thành); Công ty Dịch vụ thương mại Sơn Lâm (xã Ngọc Phụng); Công ty May South Fame Garments ở thị trấn Thường Xuân.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có trên 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hơn 1.900 hộ kinh doanh cá thể đã tạo việc làm cho trên 4.600 lao động, với mức thu nhập ổn định. Riêng Công ty May South Fame Garments tạo việc làm cho trên 2.000 lao động; công ty TNHH giày, xã Xuân Dương có nhu cầu tuyển dụng 4.000 lao động, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024. Đặc biệt, tháng 8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị để cho ý kiến về ý tưởng đề xuất chủ trương đầu tư các dự án của Tập đoàn TH tại huyện Thường Xuân. Theo đó, Tập đoàn TH đề xuất 4 chủ trương đầu tư các dự án, gồm: Dự án nông lâm nghiệp sinh thái trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; Dự án khu nông, lâm nghiệp sinh thái công nghệ cao trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại xã Lương Sơn và thị trấn Thường Xuân; Dự án khu nông, lâm nghiệp sinh thái công nghệ cao trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại vùng đất bán ngập hồ Cửa Đạt; Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Những dự án mà Tập đoàn TH dự kiến đầu tư trên địa bàn huyện Thường Xuân là những dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Nếu các dự án triển khai thành công sẽ khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện Thường Xuân và tạo việc làm cho nhiều LĐNT.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuong-xuan-chu-trong-nbsp-tao-viec-lam-cho-nguoi-ngheo-212016.htm