Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm phát triển giao thông đô thị bền vững

Ông Erik Bromanderr, Thứ trưởng Giao thông và cơ sở hạ tầng Thụy Điển ấn tượng rất sâu sắc về những kế hoạch đầy tham vọng về hiện đại hóa hệ thống GTVT của Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chiều 25/11, tại khách sạn Melia, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GTVT và Đại sứ Quán Thụy điển tổ chức Hội thảo Giao thông đô thị bền vững - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư nước ngoài với vốn và khao khọc công nghệ tiên tiến hiện đại tham gia đầu tư vào Việt Nam để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự ATGT tại Việt Nam. Bộ GTVT hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có nhà đầu tư Thụy Điển đã quan tâm và tìm hiểu các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực GTVT tại Việt Nam.

"Hội thảo ngày hôm nay là dịp để hai bên Việt Nam và Thụy Điển chia sẻ các kinh nghiệm, các giải pháp nhằm đảm bảo giao thông đô thị phát triển bền vững như cung cấp các giải pháp giao thông sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng chiến lược giao thông công cộng toàn diện, bền vững và giảm số lượng các trường hợp tử vong do TNGT", Thứ trưởng khẳng định.

Ông Erik Bromanderr - Thứ trưởng Giao thông và cơ sở hạ tầng Thụy Điển cùng bà Camilla Mellander - Đại sứ Thụy Điển tham dự hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo, TS Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải khẳng định giao thông công cộng ở Việt Nam hiện nay còn thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch đô thị và giao thông đô thị. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển hệ thống giao thông công cộng mang tính bền vững, thể hiện cơ bản đó là thiếu quỹ đất dành cho giao thông. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo theo yêu cầu đối với sự phát triển giao thông công cộng bền vững.

Đồng thời sự gia tăng nhanh các phương tiện giao thông, tập trung lớn tại các đô thị, nhất là đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lòng đường, hè phố bị lấn chiếm sử dụng, thiếu quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ phương tiện. Vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có diễn biến phức tạp, công tác tổ chức giao thông đã có nhiều cố gắng song còn mang tính trước mắt.

Đoàn đại biểu Thụy Điển bao gồm lãnh đạo từ các công ty khác nhau của Thụy Điển đã quan tâm tìm hiểu về hiện trạng giao thông đô thị tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp giao thông đô thị sáng tạo. Các doanh nghiệp đại diện trong phái đoàn cung cấp những giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực giao thông công cộng, bao gồm tập đoàn Scania & Volvo ( xe buýt ), Gunnebo ( kiểm soát lối vào), Axis Communications ( giám sát), Kapsch TrafficCom ( giải pháp thu phí), Waste4Fuel ( biến chất thải thành năng lượng), Icomera( kết nối internet trên tàu hỏa và xe buýt).

Về tổng thể, các tập đoàn này mang lại các giải pháp hoàn chỉnh được thể hiện trong hệ thống giao thông tích hợp của thủ đô Stockholm, trong đó Cơ quan Giao thông công cộng Stockholm cùng vận hành một hệ thống bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm và tàu hỏa vé tháng.

Ông Erik Bromanderr ấn tượng rất sâu sắc về những kế hoạch đầy tham vọng về hiện đại hóa hệ thống GTVT của Việt Nam.

Theo ông Erik Bromanderr, Thứ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển cho biết đầu tư vào cơ sở hạ tầng là mấu chốt để đảm bảo phát triển xã hội và đó là lý do vì sao hội thảo ngày hôm nay rất quan trọng. Đầu tư hệ thống GTVT hiện đại sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm nhiều hơn đồng thời giảm thương vong do TNGT.

"Khi đến thăm Việt Nam lần này, tôi có ấn tượng rất sâu sắc về những kế hoạch đầy tham vọng mà Việt Nam trong đó có việc dành tới 20 tỷ đô la để hiện đại hóa hệ thống GTVT trong vòng 5 năm tới và đặc biệt là hệ thống xe buýt tốc độ nhanh BRT, hệ thống metro cũng như các dự án về sân bay, cảng biển. Thụy Điển rất quan tâm và cam kết hoàn toàn trong việc song hành với Việt Nam trong quá trình phát triển của mình và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc hiện đại hóa toàn bộ hệ thống giao thông", ông Erik Bromanderr nhấn mạnh.

Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng như Thụy Điển

Giao thông công cộng là yếu tố cạnh tranh then chốt trong tình hình thế giới hiện nay để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tạo sự thu hút cao cho các thành phố và các trung tâm đô thị. Giao thông công cộng hiện đại và phát triển không chỉ cho phép người dân di chuyển dễ dàng, giảm ùn tắc mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, ông Erik Bromanderr nhấn mạnh.

Tại Thụy Điển, kể từ năm 1990, phát thải đã giảm khoảng 9% trong khi GDP tăng gần 50%. Ngoài ra, số lượng TNGT đã giảm một nửa từ 2000 đến 2013, đạt mức 30 vụ/1 triệu dân một năm, mức thấp nhất thế giới. Thụy Điển cũng là nước đi đầu về ATGT với " Tầm nhìn về Không" đối với các vụ tử vong do TNGT gây ra. Ngoài ra, quốc gia này cũng cung cấp hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT, ATGT và giao thông thân thiện môi trường. Điều này có được là nhờ các công ty sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến có thể xử lý được các thách thức trong ngành giao thông.

Thùy Dương

Nguồn GTVT: http://tapchigiaothong.vn/thuy-dien-chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-giao-thong-do-thi-ben-vung-d17996.html