Thủy điện miền Trung – Tây Nguyên: Phát triển ồ ạt, hệ lụy chồng chất

Thực tiễn phát triển thủy điện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho thấy các nhà máy thủy điện đang gây ra nhiều tác động tiêu cực to lớn mà câu hỏi thực tế nhất là cuộc sống của hàng triệu người dân hạ lưu bao giờ mới thôi bị đe dọa bởi lũ lụt?

Sự cố vỡ ống chặn dòng thủy điện Sông Bung 2 hồi tháng 9 vừa qua vẫn đang để lại hậu quả nặng nề.

Sự cố vỡ ống chặn dòng thủy điện Sông Bung 2 hồi tháng 9 vừa qua vẫn đang để lại hậu quả nặng nề.

Nhiều hệ lụy từ thủy điện chưa được đánh giá đúng và đủ

Sáng 6.12, hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được diễn ra tại TP.Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều chuyên gia và các cộng đồng xã hội - những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hệ quả của việc phát triển thủy điện ồ ạt.

Chỉ bàn riêng về vấn đề phát triển thủy điện và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, TS Quách Thị Xuân (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Đà Nẵng) nhận định, đây là lưu vực sông liên tỉnh nhưng hiện vẫn chưa có tổ chức quản lý thống nhất. Những tác động của con người khi can thiệp vào khu vực sông này đến nay vẫn còn thấy rõ nhưng chưa được đánh giá toàn bộ. Cụ thể, sau khi có thủy điện Sông Tranh 2 thì xảy ra động đất kích thích mà đến nay vẫn còn dư âm. Việc xói lở ở vùng này, bị bồi lấp ở vùng khác vẫn diễn ra hằng năm mà chưa có một đánh giá tác động cụ thể. Tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã xuất hiện việc nước bị nhiễm mặn.

Trong khi đó, toàn khu vực này có 1.760 hộ phải tái định cư, cuộc sống người dân đến hiện tại còn gặp nhiều khó khăn cả chỗ ở và chuyển đổi ngành nghề. Về rừng, đến năm 2014, tỉnh Quảng Nam mới chỉ thực hiện trồng rứng vẻn vẹn 24.700ha, tương đương với 3,4% kế hoạch năm. Đặc biệt 4 nhà máy thủy điện vẫn đang còn “nợ rừng” với diện tích lớn mà chưa biết khi nào sẽ trả xong!

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nêu lên thực tế, từ năm 2010 đến nay, toàn xã Đại Hồng có 150ha đất bị bồi cát do các thủy điện xả lũ. Năm 2008, Hợp tác xã Thủy bộ Đại Lộc có 120 phương tiện vận chuyển đường thủy, nhưng đến năm 2014 thì chỉ có 8 phương tiện. Nguyên nhân là do thủy điện tích nước khiến dòng sông Vu Gia nơi hạ du khô đáy, hơn 40 hộ dân tại thôn Đông Phước và Dục Tịnh phải bỏ nghề đánh bắt cá. Từ đó, ông Anh đặt vấn đề, các nhà đầu tư đã kiểm tra, đánh giá đầy đủ những thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng hay chưa?

Đúng quy trình thôi, chưa đủ

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Bản - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương - có ý kiến, bên cạnh những đánh giá xã hội, cần có những đánh giá môi trường để nhìn nhận rõ vấn đề. Bởi từ năm 2014-2016, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của diễn biến phức tạp của thời tiết. “Bản thân các thủy điện cũng bị thiếu nước do hiện tượng El Nino. Năm 2016 đến nay, Thủy điện A Vương cũng chỉ sản xuất được 60% sản lượng. Cũng trong năm nay, chúng tôi đã nghỉ phát điện trong 3 tháng để tích nước theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng”.

Về quy trình xả lũ, ông Bản khẳng định, đối với những hồ thủy điện lớn tại Quảng Nam như Đắc Mi 4, Sông Tranh 2, A Vương và Sông Bung 4 hiện đang vận hành theo quy trình vận hành liên hồ do Thủ tướng ban hành. Thế nhưng, ông Bản thừa nhận một thực tế, các hồ thủy điện tại Quảng Nam hiện vẫn khá nhỏ. Cụ thể, dung tích các hồ để trữ lũ chỉ là 1-2 triệu mét khối, trong khi một cơn lũ là 2 tỉ mét khối. Chính vì vậy, các hồ không thể nào giữ nước lại được và buộc phải xả lũ.

Tiến sĩ Quách Thị Xuân khẳng định, chính dung tích nhỏ của các hồ miền Trung khiến tác động cắt lũ của các thủy điện này gần như không có. Thậm chí, khi đang có lũ thì xả lũ về hạ lưu và xả đồng thời các hồ khiến lũ chồng lũ. “Chúng ta cần xem lại việc xây dựng quy trình vận hành hiện nay, sự phối hợp liên hồ đã ổn hay chưa? Cần tiếp tục cải thiện trong thời gan đến như thế nào để không gây ra những hậu quả như vừa qua, chứ không thể nói đúng quy trình là thôi!”

THÙY TRANG - HỮU LONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/thuy-dien-mien-trung-tay-nguyen-phat-trien-o-at-he-luy-chong-chat-618052.bld