Thủy điện uy hiếp lưu vực sông Đồng Nai

ND - Ngày 17-4, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam phối hợp Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức hội thảo: "Tập huấn các khuyến nghị của Ủy ban thế giới về đập và phát triển thủy điện bền vững" trên lưu vực sông Đồng Nai. Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu cả nước và các cơ quan, ban, ngành ở phía nam.

20 bậc thang thủy điện Thạc sĩ Đậu Xuân Thủy, Trung tâm Tư vấn thủy điện thuộc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện II cho biết: "Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành phố, diện tích tự nhiên gần 50 nghìn km2, chiếm 15% diện tích cả nước với dân số 17 triệu người, là vùng có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao nhất nước. Theo quy hoạch, trên sông Đồng Nai và hai chi lưu là sông La Ngà và sông Bé phải oằn mình gánh 20 bậc thang thủy điện. Trong đó, có sáu thủy điện đang hoạt động với công suất 1.632 MW, 14 bậc thang còn lại đang triển khai, dự kiến trong thời gian tới sẽ hoàn thành để cung cấp thêm 1.576 MW. Ngoài ra, trên lưu vực sông Đồng Nai, còn có hàng trăm dự án thủy điện nhỏ đã và đang xây dựng". Các nhà khoa học cho rằng: Nếu quy hoạch này được thực hiện, thì từ thượng nguồn đến hạ nguồn, và cả dòng sông chính đến dòng sông phụ của lưu vực sông Đồng Nai, đi đâu cũng đụng thủy điện. Cả nước đang rất cần điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt, tràn lan thì nguy cơ đe dọa môi trường, nhất là tài nguyên nước của quốc gia, chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Kịch bản mà các nhà khoa học quan ngại là, nếu đồng loạt các công trình thủy điện theo như kế hoạch được xây dựng và đi vào hoạt động, không chỉ Vườn quốc gia Cát Tiên bị ảnh hưởng trầm trọng mà lưu vực sông Đồng Nai - nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho khu vực hạ lưu với 13 triệu dân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, sự bày tỏ những quan ngại này không phải là không có cơ sở. Do vậy, việc xem xét, đánh giá lại quy hoạch thủy điện để vừa khai thác hợp lý thủy năng trên lưu vực sông Đồng Nai, vừa bảo vệ tốt môi trường là điều cần thiết, nhất là trong cảnh biến đổi khí hậu đang xảy ra gay gắt như hiện nay. Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Phó viện trưởng Viện sinh học nhiệt đới, Giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển thuộc Viện khoa học công nghệ Việt Nam, cảnh báo: "Tôi dự báo trong tương lai, mùa khô thì thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới nông nghiệp, sản xuất công nghiệp. Mùa mưa lũ xuất hiện nhiều, gây ngập úng ở hạ lưu. Đặc biệt là làm thay đổi dòng chảy môi trường kéo theo sự thay đổi của các hệ sinh thái". Các nhà chuyên môn cũng lo ngại, nếu một trong các thủy điện gặp sự cố thì nguy cơ sẽ dẫn đến hậu quả dây chuyền, khi đó khu vực hạ lưu, vùng trọng điểm phía nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước thích nghi biến đổi khí hậu nhận định: "Đồng loạt các công trình thủy điện theo như kế hoạch được xây dựng và đi vào hoạt động, sẽ tàn phá rất nhiều khu rừng nguyên sinh và băm nát các thảm thực vật trên lưu vực sông Đồng Nai. Chưa hết, nếu một thủy điện trên thượng nguồn gặp sự cố, sẽ có tác động dây chuyền, gây lũ nhân tạo. Mùa khô làm nước cạn kiệt hơn". Cần có quy trình vận hành liên hồ Một trong những điều thạc sĩ Đậu Xuân Thủy phát biểu khiến các nhà khoa học không khỏi băn khoăn, trăn trở, đó là chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan bảo vệ tài nguyên nước trong việc bảo vệ môi trường và phát triển thủy điện. Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, những công trình thủy điện đang hoạt động thì mỗi chủ đầu tư quản lý một hồ chứa. Ông Tứ cũng cho rằng, quy hoạch thủy điện tràn lan mà không tổ chức quy trình vận hành liên hồ giữa các thủy điện là một thảm họa. Bởi, nếu mỗi nhà đầu tư hoạt động mỗi kiểu thì hậu quả xảy ra là điều chắc chắn. Tiến sĩ Tứ cảnh báo, trận lũ lịch sử năm 1993-1994 trên sông Đồng Nai đã đẩy mực nước lên cao hàng chục mét, làm cho nhiều địa phương như các xã: Gia Viễn, Quảng Ngãi (Lâm Đồng), Tà Lài, Đắc Lua (Đồng Nai)... bị ngập lụt nặng trong thời gian dài. Cho nên, cơ chế vận hành liên hồ phải được tính toán cụ thể, nếu không, một khi buộc phải xả lũ thì vùng hạ lưu sông Đồng Nai khó tránh khỏi nguy cơ bị hủy diệt - ít nhất là về môi trường. Cùng quan điểm với tiến sĩ Tứ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Ngự khẳng định, "Bài học đắt giá về trận lũ lịch sử 1993-1994 đã làm cho nhiều khu vực ở Lâm Đồng và Đồng Nai bị thiệt hại, cho thấy vấn đề làm thủy điện không thể tránh khỏi những rủi ro. Vì vậy, việc đầu tư thủy điện mà thiếu sự cân nhắc, sẽ rất dễ... trả giá". Ông Ngự còn cho biết, có những nhà đầu tư không có chuyên môn về thủy điện, thiếu kiến thức về thủy điện nhưng vẫn không ngần ngại bỏ vốn để kinh doanh... thủy điện. Trong khi đó, ông Thủy vẫn bảo lưu ý kiến khi cho rằng, nếu có xảy ra lũ thì khả năng chống chọi với thiên tai có thể thực hiện được; kể cả việc xả lũ là vấn đề nằm trong tầm tay, bảo đảm về mặt kỹ thuật, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông Thủy cũng thừa nhận, có những dự án cần phải điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn dự án thủy điện Đồng Nai 8, theo quy hoạch sẽ làm ngập 10 nghìn ha đất và rừng; hơn 50 nghìn dân phải di dời. Sau nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, dự án lớn này được điều chỉnh thành năm dự án thủy điện nhỏ, gồm: Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn, Ngọc Định. Với tổng công suất 164 MW, năm dự án này không gây ngập nước, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường và không phải di dân. Các nhà khoa học nhấn mạnh vấn đề được đặt ra hiện nay là làm gì để kiểm soát lũ; hạn chế cạn kiệt nguồn nước; đủ nước tưới, nước sinh hoạt; chống xói lở bờ sông; ngăn mặn, ô nhiễm nước... nhưng vẫn phát triển hệ thống thủy lợi phù hợp, hiệu quả và bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172719&sub=127&top=39