Thủy sản đang bị “tận diệt”, không thể để đánh bắt vô tội vạ

Ngày 21/3, trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Đa số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ điều cấm, cấp hạn ngạch đánh bắt để chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản vô tội vạ, dẫn đến nguồn tài nguyên này bị “tận diệt”…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu, Dự thảo Luật chưa thể hiện nội dung cấm làm cạn kiệt, suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản; cấm khai thác vào mà sinh sản của thủy, hải sản. Ảnh: TN

Mùa sinh sản vẫn đánh bắt dẫn đến “tận diệt”

Thuyết minh cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Chính phủ nêu rõ, nguồn lợi thủy sản đang suy giảm, môi trường sống của các loài thủy sản có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển thủy sản chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững, yêu cầu hội nhập quốc tế.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm đi tất cả các vùng biển, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lên tiếng cảnh báo, nguồn thủy sản đang bị “tận diệt” do khai thác vô tộ vạ bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất...

“Trước kia chúng tôi đi biển, cứ một ngày ra biển câu rất nhiều cá, nhưng bây giờ tất cả các vùng biển từ Bạch Long Vĩ trở ra đến Phú Quốc..., hay các vùng ven biển cá đã không còn”, ông Minh nói.

Với tình trạng này, theo Thượng tướng Minh, cần quy định cụ thể những khu vực được đánh bắt, mùa nào cấm đánh bắt, đặc biệt vào mùa cá sinh sản, hoặc những khu vực ven bờ… Đặc biệt, phải cấp hạn ngạch đánh bắt thủy sản, không thể để đánh bắt vô tội vạ.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng lưu ý, quy định cấm trong luật còn quá chung chung, chưa có gì rõ ràng.

“Ở nước khác, mùa cá sinh sản đều cấm đánh bắt, họ cũng quy định rõ loại cá nào thì được đánh, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhưng ở ta không cấm rõ ràng, mùa cá sinh sản ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt hết nên mới dẫn đến câu chuyện tận diệt”, ông Việt cho rằng, phải có quy định cấm rõ ràng trong luật.

Phân tích rõ hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu, Dự thảo Luật chưa thể hiện nội dung cấm làm cạn kiệt, suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản; cấm khai thác vào mà sinh sản của thủy, hải sản.

Từ đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo nên lưu ý thêm các nội dung này để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản quốc gia.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận định, thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững.

Không có quỹ, khó xử lý ô nhiễm môi trường biển

Luật Thủy sản năm 2003 đã có quy định về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Nhưng dự án Luật đề xuất hai vấn đề, thứ nhất mở rộng cơ chế để xã hội hóa nguồn quỹ, thứ hai là thành lập quỹ cấp tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: TN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường biển đang là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ của cấp tỉnh thì không thể xử lý.

“Trên thực tế tại bốn tỉnh miền Trung xảy ra sự cố môi trường trong thời gian vừa qua nếu có Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh sẽ rất thuận lợi cho việc khắc phục hậu quả, triển khai bồi thường thiệt hại cho người dân, triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, tái cơ cấu sản xuất... trên địa bàn tỉnh, TP và sẽ giảm rất nhiều nguồn lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ này”, Chính phủ nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thể thức hoạt động cần theo nền kinh tế thị trường để phục vụ cho hoạt động kinh tế biển, khai thác thủy sản bền vững, tránh tình trạng biến tướng thành quỹ đầu tư nhiều tiền của Nhà nước và sinh ra bộ máy khổng lồ để quản lý.

Đề xuất thành lập hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển

Liên quan đến những quy định về lực lượng kiểm ngư, có ý kiến cho rằng không thành lập thêm mà vẫn giữ nguyên tổ chức và hoạt động như hiện tại.

Nhưng cũng có ý kiến đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như Dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các chi cục thủy sản.

Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, qua khảo sát, không ít địa phương cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng.

“Nếu chuyển thành lực lượng Kiểm ngư thực hiện trên vùng biển thì không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá)”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu.

Hơn nữa, việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư sẽ trái với tinh thần tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Nhưng ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc tăng cường lực lượng kiểm ngư tại 28 tỉnh có biển là cần thiết, đồng thời giao cho Kiểm ngư làm cả chức năng thanh tra.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nên tổ chức lực lượng Kiểm ngư thống nhất từ Trung ương đến địa phương và quản lý theo ngành dọc để quản lý và bảo đảm điều kiện hoạt động thì mới phát huy tốt hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng việc thành lập Kiểm ngư tại 28 tỉnh là rất cần thiết, vì đây lại là những vùng cần tăng cường giám sát.

Không nên phân biệt cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp và thông thường

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Đa số các ý kiến đồng tình với việc ban hành Nghị định để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đã là cứu hộ, cứu nạn thì khi xảy ra sự cố là phải cứu, không phân biệt trường hợp khẩn cấp và thông thường. Do đó, không nên quy định “cứu hộ thông thường” trong Dự thảo Nghị định.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thuy-san-dang-bi-tan-diet-khong-the-de-danh-bat-vo-toi-va_t114c67n116589