'Tí tuổi đầu' đã bị tăng huyết áp

Nhiều người nghĩ, tăng huyết áp là bệnh chỉ có ở người trưởng thành. Trong khi đó, 95% trẻ em bị tăng huyết áp là có nguyên nhân, tuy nhiên việc chẩn đoán bệnh lại khó hơn người lớn và dễ bị bỏ sót.

Đo huyết áp cho bé H.M – một bệnh nhi bị tăng huyết áp. Ảnh: TL

95% tăng huyết áp ở trẻ có nguyên nhân

Cách đây 1 tuần, bé H.M (7 tuổi, ở Hà Nội) đang học trên lớp bỗng nhiên đau bụng dữ dội. Ngay lập tức, cô giáo chủ nhiệm báo tin cho gia đình đến và cùng đưa bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Với kết quả chẩn đoán mắc hội chứng lồng ruột, bé được xử lý tháo lồng ngay. Bất ngờ nhất là khi các bác sĩ thăm khám, đo huyết áp đã phát hiện bé H.M bị huyết áp cao. “Chúng tôi đang thực hiện một số xét nghiệm đểtìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp ở bệnh nhi này”, TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết.

Người nhà bệnh nhi H.M cho biết, khi được báo tin bé bị huyết áp cao, gia đình rất ngạc nhiên vì nghĩ bệnh này trẻ em khó mắc phải. Trong gia đình bé, có bà ngoại, ông nội mắc bệnh này. Hiện cùng với việc đo huyết áp hàng ngày, bé H.M còn được đeo máy đo huyết áp Holter 24 giờ để theo dõi áp lực mạch máu thường xuyên trong 24h-48h. Đây là chỉ định để tránh trường hợp bé tăng huyết áp do “áo choàng trắng” (có thể hiểu nôm na là hội chứng “sợ bác sĩ” khiến tim đập nhanh, sợ hãi, huyết áp tăng) hay kiểm soát huyết áp dao động bất thường; đồng thời, cũng là cách có thêm nguồn thông tin để quyết định hướng điều trị.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Thu Hương cho hay, không chỉ người trưởng thành mới mắc bệnh tăng huyết áp mà trẻ em cũng có thể mắc. Khác với người lớn bị tăng huyết áp thường không rõ nguyên nhân thì ở trẻ em, 95% số ca mắc được tìm thấy nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát). Trong số đó, 90% là do nguyên nhân các bệnh lý từ thận (như: Suy thận mãn giai đoạn cuối, viêm cầu thận cấp, lupus ban đỏ có tổn thương ở thận…). Hiện khoa Thận - Lọc máu đang điều trị cho một bệnh nhi 8 tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị suy thận mãn giai đoạn cuối, có thẩm phân phúc mạc, biến chứng tăng huyết áp gây suy tim.

Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể gây tăng huyết áp ở trẻ là bệnh nhi bịcác tổn thương mạch máu ở thận, hẹp động mạch thận, viêm mạch, hẹp eo động mạch chủ.Nếu bệnh nhân mắc bệnh lý nội tiết như: U thủy thượng thận,hội chứng Cushing u vùng tuyến thượng thận; Bệnh lý thần kinh (như u não gây tăng áp lực nội sọ); Bệnh về chuyển hóa cũng có thể gây tăng huyết áp. Đơn cử, gần đây nhất, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã phẫu thuật thành công cho một bé gái 11 tuổi ở Đắk Lắk mắc hội chứng Cushing khiến huyết áp tăng vọt, béo phù, rạn da, lông mọc nhiều như nam giới… Sau phẫu thuật, bé đã ổn định huyết áp, cân nặng giảm xuống…

Tại khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã từng điều trị cho những bệnh nhi chỉ mới vài tháng tuổi đã mắc tăng huyết áp do bệnh lý heo động mạch thận bẩm sinh. “Tăng huyết áp ở trẻ cũng có thể xảy ra nếu trẻ dùng một số loại thuốc gây tăng huyết áp như prednison để điều trị những bệnh như hội chứng thận hư, lupus….” – TS Thu Hương cho biết. Do đó, ở một số bệnh, khi điều trị được nguyên nhân gây biểu hiện tăng huyết áp (như viêm cầu thận cấp, hẹp động mạch thận) thì huyết áp sẽ giảm, từ đó giảm các biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Tuy nhiên, không phải bệnh nào về thận cũng điều trị dứt điểm trong thời gian ngắn. Do đó, không ít trẻ vừa phải dùng thuốc prednison kéo dài gây tăng huyết áp để điều trị bệnh chính, vừa phải dùng thuốc hạ huyết áp.

Theo TS Hương, việc chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em khó hơn người lớn và thường dễ bị bỏ sót. Trước hết, do đo huyết áp cho trẻ em khó, nhất là những em bé nhỏ tuổi (dưới 3 tuổi) ít phối hợp với bác sĩ. Ngoài ra, huyết áp ở trẻ em khác nhau tùy thuộc vào tuổi, giới tính, chiều cao. Do đó muốn chẩn đoán bệnh nhi có tăng huyết áp hay không phải nguoif thầy thuốc phải so sánh huyết áp của trẻ đo được với bảng chuẩn theo lứa tuổi. Có thể cùng chỉ số huyết áp đo được nhưng với trẻ 13-14 tuổi được kết luận là không cao, nhưng với trẻ nhỏ hơn thì lại là cao” – TS Hương nói.

Béo phì – sát thủ giấu mặt khiến trẻ nhỏ tăng huyết áp

Một báo cáo của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM gần đây cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì các lứa tuổi ở thành phố đông dân nhất cả nước đang tiếp tục tăng. Cảnh báo đáng lo ngại nhất về hậu quả tình trạng này là gia tăng số trẻ mắc tăng huyết áp. Một nghiên cứu cho thấy, 13% học sinh tiểu học ở TPHCM bị tăng huyết áp, con số này ở học sinh cấp THCS, THPT lần lượt là 16% - 19%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay số lượng trẻ em mắc bệnh tăng huyết áp nguyên phát có chiều hướng gia tăng do lối sống, cách sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Cha mẹ chú trọng đến dinh dưỡng của con, nhưng thay vì cho con ăn đa dạng, đủ chất với lượng vừa phải thì lại ra sức chăm chút, bồi bổ để trẻ bụ bẫm. Bên cạnh đó, trẻ rất thích thức ăn nhanh, uống nước ngọt, quà vặt nhiều chất béo, đường, muối (như khoai tây lắc, xoài, cóc lắc, bánh mỳ nướng muối ớt…). Lối sống thụ động, ít vận động, nghiện xem tivi, điện thoại… cũng khiến trẻ dễ bị tăng huyết áp hơn.

Các bác sĩ phân tích, trẻ béo phì dẫn đến đề kháng insulin, thay đổi hoạt động mạch máu, tăng hoạt hóa hệ giao cảm, hoạt hóa rennin… khiến cơ thể tích tụ muối và gây ra tăng huyết áp. Ngoài ra, việc học hành căng thẳng, áp lực dẫn đến stress cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị tăng huyết áp. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều, ngủ ít, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy), dậy thì sớm cũng có nguy cơ cao tăng huyết áp.

Ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai của trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ (nhóm 5%), cha mẹ cần tập cho trẻ ít ăn mặn, tăng cường thêm rau xanh, trái cây, tăng cường vận động, tập thể dục, tuyệt đối không cho trẻ xem tivi, điện thoại, máy tính liên tục. Một lưu ý khác là huyết áp của trẻ em thay đổi theo tuổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Do đó, khi thấy trẻ có những triệu chứng của tăng huyết áp như: Đỏ mặt, nhức đầu, nôn ói, mờ mắt, co giật... hoặc nằm trong nhóm nguy cơ béo phì, rối loạn giấc ngủ, dậy thì sớm cần đưa trẻ đi khám, theo dõi huyết áp để tránh những can thiệp không cần thiết và tránh bỏ sót bệnh.

Trẻ trên 3 tuổi cần được đo huyết áp mỗi năm/lần

TS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Trẻ dưới 3 tuổi phải theo dõi định kỳ (tái khám theo lời hẹn bác sĩ) với những trẻ: Đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, tiền sử nằm cấp cứu sơ sinh, bị tim bẩm sinh, nhiễm khuẩn đường tiết niệu có tái diễn, protein niệu, tiền sử đái máu, bất thường ở hệ thống thận tiết niệu, bố mẹ có tiền sử bệnh thận, có điều trị bệnh nhưng dùng thuốc gây tăng huyết áp đặc biệt nhóm thuốc có corticoid (như hội chứng thận hư, hoặc dị ứng…). Ở cộng đồng, tất cả trẻ trên 3 tuổi cần được đo huyết áp mỗi năm/lần.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/ti-tuoi-dau-da-bi-tang-huyet-ap-20170922180312538.htm