Tiberian Twilight: Hồi kết của Kane

Đây là dấu chấm hết và cũng là lời giải thích cho những gì còn nằm trong vòng bí ẩn của một dòng game danh tiếng.

Trái đất đang lâm nguy. Những tinh thạch xanh Tiberium đang lan tràn với tốc độ chóng mặt, khiến cho loài người đứng bên bờ vực diệt vong do không còn nơi sinh sống. Nhưng một sự kiện không ai ngờ tới đã xảy ra khi Kane - thủ lĩnh của Nod - xuất hiện trước mặt hội đồng GDI và đưa ra lời đề nghị hợp tác. Kane muốn cùng GDI dựng nên một mạng lưới kiểm soát sự lan tràn của Tiberium mang tên Tiberium Control Network để cứu lấy con người. Nhưng không ai biết được những toan tính thực sự ẩn sau lời đề nghị đầy hào phóng này của Kane… Đó là cốt truyện của Command & Conquer 4: Tiberian Twilight (CnC4), phiên bản cuối cùng của câu chuyện về Kane và những tinh thạch màu xanh. Nhằm biến CnC4 trở thành một hồi kết hoành tráng cho một câu chuyện đã kéo dài trong suốt 15 năm, EA đã bỏ ra rất nhiều công sức để "đánh bóng" cho game, bao gồm cả việc tiếp tục mời diễn viên Joe Kucan tham gia vào vai Kane trong các đoạn phim cắt cảnh. Được EA ra sức quảng bá trên nhiều kênh thông tin khác nhau, Tiberian Twilight đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến trái ngược. Nếu thường theo dõi thông tin về game, hẳn bạn cũng sẽ biết về những thay đổi mạnh mẽ của CnC4 so với những người tiền nhiệm. Chắc chắn phần chơi chiến dịch là thứ được mong chờ nhất của CnC4 bởi tất cả các fan đều trông đợi một cái kết hoàn hảo cho dòng game yêu thích của mình. Với 7 nhiệm vụ cho mỗi nhánh, người chơi sẽ tốn khoảng 8 giờ để trải nghiệm hết cả hai phần chơi và lấy được hai kết cục khác nhau. Game vẫn cung cấp những đoạn phim cắt cảnh chất lượng cao trong đó các diễn viên đối thoại "trực tiếp" với người chơi qua góc nhìn người thứ nhất. Nhưng sự xuất sắc của Joe Kucan cũng không thể che đậy một điều đáng tiếc là khi tham gia vào phần chơi chiến dịch này, người chơi sẽ cảm thấy như đang bỏ lỡ một điều gì đó, bởi diễn tiến của nó quá nhanh và các sự kiện xảy ra không có sự liền mạch cần thiết. Và CnC4 hoàn toàn thất bại trong sứ mạng đặt dấu chấm hết cho dòng game, bởi sau khi xem xong đoạn phim kết thúc của cuộc chơi, vẫn còn rất nhiều câu hỏi quanh quẩn trong đầu bạn mà không có lời giải đáp. Nhắm đến một thị trường tiêu thụ mới là những game thủ "tay mơ", những người yêu thích lối chơi nhanh, dễ làm quen và không mất quá nhiều thời gian, CnC4 có lối chơi hoàn toàn mới so với những gì được thể hiện trong ba phiên bản trước. Cả khi tham gia vào những trận đánh tự do (Skirmish) hay chơi mạng, người chơi đều chỉ có một lựa chọn duy nhất là chế độ Domination, trong đó hai phe GDI và Nod sẽ tranh giành nhau các cột Tiberium Control Network và bảo vệ chúng cho đến khi lượng điểm Victory Point đạt đến 2500 và giành chiến thắng. Trong những trận chiến này, mỗi người tham gia sẽ chọn một loại quân trong số ba loại Offense, Defense và Support, điều khiển căn cứ di động Crawler sản xuất ra các đơn vị quân nhờ vào nguồn tài nguyên duy nhất là Command Point để tiêu diệt kẻ thù. Người chơi sẽ không cần phải bận tâm đến việc khai thác khoáng sản hay xây dựng căn cứ, giúp lối chơi của game trở nên đơn giản và dễ nắm bắt hơn. CnC4 còn tích hợp thêm tính năng của game nhập vai vào lối chơi phân chia "class" vốn đã đậm nét RPG của mình. Sau mỗi trận thắng, mỗi đơn vị quân địch bị tiêu diệt hay mỗi thành tích (achievement) đạt được, người chơi sẽ nhận được một lượng điểm kinh nghiệm để lên cấp và mở khóa các đơn vị quân cũng như các nâng cấp mới. Những đơn vị quân mạnh mẽ ở cấp độ cao thường tiêu hao một lượng điểm Command Point lớn, nhưng EA hoàn toàn thất bại trong việc giữ cân bằng cho game, bởi với những khả năng đặc biệt của mình, một đơn vị quân cấp cao vẫn có lợi thế rất lớn khi đối đầu với các đơn vị cấp thấp hơn. Một ví dụ nhỏ là chiếc tăng Refractor của GDI dễ dàng hạ gục các đơn vị tăng Scorpion của Nod nhờ vào khả năng phản đòn của mình. Cách duy nhất để giảm bớt sự mất cân đối này là lợi dụng tối đa tính tương khắc giữa các loại quân. Bởi giới hạn quân đã được đưa vào game dưới hình thức Command Point, các trận chiến trong game cũng giảm xuống chỉ còn là những cuộc xung đột nhỏ, nhanh chóng và diễn ra liên tục. Game còn cho phép người chơi đổi nhánh quân bất kì lúc nào nhằm thích ứng với chiến trường hoặc nhằm thực thi một chiến thuật cụ thể. Tuy nhiên, mỗi khi đổi nhánh quân, tất cả những đơn vị của nhánh quân trước đó đều sẽ mất tác dụng. Lối chơi này sẽ mang lại những trận chiến ác liệt bất kể bạn đang chơi một trận chiến 5vs5 trên mạng hay đánh Skirmish với AI. AI của game cũng khá thông minh nhờ các lập trình viên không cần phải bỏ thời gian và công sức vào việc lập trình các công đoạn xây dựng hay mở rộng căn cứ, thay vào đó họ có thời gian để "chăm sóc" cho các thao tác điều khiển vi mô của AI. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy máy biết rút những đơn vị quân sắp hết máu khỏi vòng chiến và tự tay phá hủy chúng, ngăn người chơi kiếm điểm Victory Point, thậm chí là tự tay hủy đi Crawler đã "te tua" của mình để gọi một Crawler "mới cứng". Các đồng đội AI sẽ phản ứng rất nhanh với những cột mốc Beacon mà người chơi đặt ra, hỗ trợ bạn tấn công, chiếm đóng cũng như phòng thủ các cột Tiberium Control Network một cách hiệu quả. Nền đồ họa của game đòi hỏi một cấu hình khá cao, đồng thời rất đẹp mắt với cảnh vật cũng như các hiệu ứng cháy nổ được chăm chút rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một vài đơn vị quân trông hết sức kì quặc như chiếc tăng Scorpion hay các đơn vị Engineer của cả hai phe. Một điểm đáng phàn nàn nho nhỏ là camera được đặt quá sát mặt đất, khiến người chơi rất khó có được cái nhìn toàn cảnh, một điều rất quan trọng trong chiến trận. Ngoài ra, không hiểu sao EA lại từ bỏ giao diện điều khiển "side bar" như CnC3 hoặc Red Alert 2 mà lại thay bằng "bottom bar" đặt tất cả bản đồ, các nút lệnh ở phía dưới màn hình, tạo nên những khoảng trống vô dụng, nhất là trên những màn hình widescreen rất phổ biến hiện nay. Âm nhạc của game lại là một khía cạnh hoàn toàn khác, với những bản nhạc chất lượng cao đúng truyền thống của EA. Quyết định hợp tác với GDI của Kane đã khiến cho một phần của Nod tách ra tạo nên Nod Separatist (quân ly khai). Còn quyết định thay đổi lối chơi của EA đã tách cộng đồng người chơi CnC4 thành hai khối: những người mới thích thú với mục chơi mạng của game và những fan trung thành với cách chơi cũ - những người phê phán CnC4 nặng nề nhất. Không chỉ có các fan, mà nhiều trang game uy tín cũng cho Tiberian Twilight những nhận xét không lấy gì tốt đẹp. Đây quả là một cái kết buồn cho EA và những người hâm mộ Command & Conquer của Westwood ngày nào. Nền: PC - Thể loại: RTS Phát triển: EA Los Angeles - Phát hành: EA Thời gian phát hành: Ngày 16/3/2010 Cấu hình tối thiểu: Windows XP (SP3), Vista (SP1), Windows 7, CPU Intel Core 2 hoặc AMD 64 X2, RAM: 1 GB (XP) / 1.5 GB (Vista, Windows 7), Card đồ họa 256 MB hỗ trợ Shader Model 3, 10 GB đĩa cứng Phạm Lê

Nguồn Gamethu.net: http://gamethu.vnexpress.net/gt/dang-choi/2010/03/3b9b0cf5/