Tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Xây dựng

Năm 2015, ngành Xây dựng bước vào thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm; kinh tế trong nước tăng trưởng chưa vững chắc, cân đối ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, nguồn thu giảm, không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chi cho đầu tư phát triển; chất lượng, hiệu quả, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của một số đơn vị trong Ngành còn hạn chế, quá trình tái cơ cấu chậm…

Bộ Xây dựng nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 2.

Trong bối cảnh đó, từ đầu năm 2015, Bộ Xây dựng đã chủ động ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước; nghiêm túc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực của Ngành.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế Nhà nước về xây dựng

Trong đó, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng; tích cực kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là nhà ở xã hội (NƠXH); đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Xây dựng...

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng luôn quan tâm đặc biệt tới chính sách an sinh xã hội. Trong ảnh là Bộ trưởng tới thăm một gia đình công nhân vừa được mua NƠXH.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của các địa phương cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động và cộng đồng DN toàn Ngành, ngành Xây dựng đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tập trung cao độ cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng, năm 2015, Bộ Xây dựng đã tập trung soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật mới được Quốc hội thông qua năm 2014 (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS); sửa đổi, bổ sung các Nghị định về nâng loại đô thị, quản lý VLXD. Trong năm 2015, Chính phủ ban hành 5 Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng 2014, 5 Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS 2014; Bộ ban hành 11 Thông tư hướng dẫn thực hiện các luật này…

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách ban hành trong giai đoạn 2011 - 2015 với những quan điểm, tư tưởng đổi mới đột phá, được các cơ quan Nhà nước, cộng đồng DN, người dân và xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hà làm việc với Học viện AMC về thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 - 2015”.

Đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Luật Xây dựng 2014. Theo báo cáo trong năm 2015, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm tra, thẩm định vào khoảng 5,02%; tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, thiết kế bổ sung chiếm khoảng 26,4%...

Thông qua việc kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã phát hiện một số tồn tại, sai sót trong công tác khảo sát, thiết kế, quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng và yêu cầu của chủ đầu tư, các nhà thầu chấn chỉnh kịp thời.

Trong năm 2015, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên phạm vi toàn quốc; kiểm tra, xử lý các vụ việc, sự cố về chất lượng công trình và an toàn trong thi công xây dựng…

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh và Thứ trưởng Aoki Kazuhiko ký “Biên bản hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trong ngành Xây dựng Việt Nam”.

Công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn năm 2015 cũng được Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo thực hiện và có nhiều đổi mới; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có chuyển biến tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị (tăng 13 đô thị so với năm 2014), trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. Các chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị đều có chuyển biến tích cực so với năm 2014 và so với đầu nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Hơn 3 triệu hộ nghèo có nhà ở

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của địa phương. Bộ cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình phát triển NƠXH trọng điểm như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ lụt khu vực miền Trung…, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở.

Về phát triển NƠXH, đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án NƠXH, trong đó có 51 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, quy mô 25.850 căn hộ; 84 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô 28.550 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 108 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 61.290 căn hộ và 63 dự án nhà ở công nhân, quy mô 69.300 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã hoàn thành 85/95 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 220.000 sinh viên.

Tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 2,0m2 sàn/người (tăng 1,1m2 sàn/người so với năm 2014). Năm 2015, cả nước đã phát triển thêm khoảng 1,0 triệu m2 NƠXH khu vực đô thị, đưa tổng diện tích NƠXH khu vực đô thị đạt 2,8 triệu m2. Tính chung trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có khoảng 780 nghìn căn NƠXH được đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng trên 3 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn khảo sát thực địa Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Bộ Xây dựng đã tích cực chủ động đề xuất, tập trung cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là phát triển NƠXH và đã đạt được những kết quả quan trọng: Thị trường BĐS phục hồi tích cực, tồn kho BĐS giảm; tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng cao; cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của trị trường…

Năm 2015, Bộ Xây dựng đã rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch phát triển VLXD chủ yếu; chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển VLXD…

Tích cực đưa các Luật mới vào cuộc sống

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Năm 2016, bên cạnh những thời cơ thuận lợi do nền kinh tế phục hồi, do thể chế ngày càng được hoàn thiện, trình độ quản lý được nâng cao, trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ công chức ngày càng tốt hơn, sự vào cuộc người dân ngày càng mạnh mẽ hơn thì những khó khăn của thời kỳ mới đang đặt ra rất nhiều thách thức về kinh tế, an ninh, truyền thống và phi truyền thống... Do đó, ngành Xây dựng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được coi trọng, đặc biệt là triển khai sớm các thông tư hướng dẫn dưới Nghị định, cụ thể hóa, đưa Luật mới vào cuộc sống. Tập trung chuẩn bị những dự thảo luật mới, trong đó có Luật Quy hoạch để luật này ra có khả năng điều chỉnh, phù hợp, có sức sống, là điều kiện, nhân tố tạo ra môi trường đầu tư phát triển. Rồi Luật Kiến trúc sư, Luật Quản lý phát triển đô thị…

Tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 2,0m2 sàn/người (tăng 1,1m2 sàn/người so với năm 2014). Năm 2015, cả nước đã phát triển thêm khoảng 1 triệu m2 NƠXH khu vực đô thị, đưa tổng diện tích NƠXH khu vực đô thị đạt 2,8 triệu m2.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong đó trọng tâm là thực hiện Luật Xây dựng. Luật Xây dựng quy định rõ, để kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo để khắc phục thất thoát lãng phí, góp phần nâng cao vốn đầu tư xây dựng, trong đó không chỉ có những điều luật quy định quản lý mà còn có bộ máy tổ chức quản lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Bộ trưởng, cần tập trung để nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia quản lý đầu tư xây dựng, trong đó có các cơ quan chuyên môn về xây dựng ở các Bộ quản lý đầu tư xây dựng, các tỉnh ở địa phương là các Sở chuyên môn liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Đồng thời, tổ chức lại các Ban quản lý theo tinh thần của Luật Xây dựng, các Nghị định, cũng như các Thông tư sắp ban hành.

Đánh giá năng lực của các nhà thầu để công khai năng lực nhà thầu, hạn chế nhất những DN, nhà thầu không đủ năng lực nhưng tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư: chất lượng, tăng vốn, gây ra tiêu cực và làm mất trật tự thị trường xây dựng.

“Tiếp tục đổi mới công tác lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên môn khác. Quy hoạch xây dựng là nòng cốt, tạo ra tài sản cố định hàng trăm năm. Cần đổi mới nhận thức về quy hoạch xây dựng vì các quy hoạch khác dựa vào quy hoạch xây dựng để đề ra các kế hoạch trung hạn 5 - 10 năm và hàng năm. Nâng cao chất lượng quy hoạch phải gắn liền với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn, tập trung thiết kế đô thị, đặc biệt là đô thị lớn. Đặc biệt cần làm quy hoạch chi tiết để chỉnh trang đô thị với các đô thị cũ”, Bộ trưởng khẳng định.

Không để thị trường BĐS phát triển “nóng”

Về việc kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh: Kiên trì các giải pháp cấu trúc hợp lý thị trường BĐS, không được chủ quan để thị trường BĐS phát triển nóng dẫn đến bong bóng BĐS. Đây là trách nhiệm của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, vai trò của các địa phương trong việc cấp phép các dự án đầu tư BĐS phải thực hiện theo Nghị định 11, theo quy hoạch và có kế hoạch, cân đối nguồn lực, cân đối khả năng, thanh toán của nền kinh tế để phát triển đô thị, từ đó sẽ không có dư cung, tức là cung cầu hợp lý sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng kiểm tra dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu trong lĩnh vực nhà ở cần tích cực chăm lo nhà ở cho lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp bởi đây là lực lượng nòng cốt để bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.

Đồng thời, cần tiếp tục tập trung phát triển NOXH cho các đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở, như người có công với Cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ; nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...); Nhà ở cho người dân ở đô thị nhưng không đủ khả năng mua nhà theo cơ chế thị trường; cải tạo nhà chung cư cũ …

Theo Bộ trưởng, Luật Nhà ở quy định rất rõ các loại hình NƠXH, có loại được hỗ trợ nhiều, loại được hỗ trợ một phần (được vay vốn, hỗ trợ đất…) với quy mô hợp lý để cải thiện cho người dân. Quan điểm hỗ trợ người dân bằng tiền hoặc bằng đất đai chính là đầu tư phát triển. Đầu tư vào nhà ở cho những người không có khả năng thanh toán theo nền kinh tế, tạo ra việc làm mới, tạo sự tăng trưởng, huy động nguồn lực, từ đó tạo ra sự tăng trưởng cho đất nước. Luật Xây dựng, Luật Nhà ở nói rất rõ NƠXH dưới 70m nhưng nay mai phát triển có thể là hơn 100m, từng bước theo khả năng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp - lực lượng chủ yếu tạo ra sản phẩm cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho đất nước nhưng hiện nay nhà ở vô cùng khó khăn.

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy kiểm tra việc thực hiện sử dụng vật liệu xây không nung tại các công trình nhà cao tầng.

Ngoài ra, toàn ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực chuyên môn khác như: Đẩy mạnh công tác phát triển vật liệu xây dựng đi đôi với kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường đang tập trung làm; cần tiếp tục rà soát cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ trong ngành Xây dựng, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của sản phẩm ngành Xây dựng để đáp ứng yêu cầu xây dựng của khu vực và quốc tế; Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng: Nhân lực quản lý nhà nước, nhân lực quản trị doanh nghiệp, nhân lực lao động.

Đặc biệt, sắp đến Tết, Bộ trưởng đề nghị Công đoàn Xây dựng Việt Nam phối hợp với Công đoàn Xây dựng các địa phương quan tâm chăm lo để người lao động có một cái Tết vui vẻ, ấm cúng.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành Xây dựng đạt được, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của ngành Xây dựng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặc biệt ấn tượng về những giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS mà ngành Xây dựng đề xuất với các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, các giải pháp như điều chỉnh cơ cấu sản phẩm để phù hợp với túi tiền của người dân, nhất là phát triển nhà ở xã hội hướng đến nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập thấp, giúp cải thiện nhà ở cho nhiều hộ dân. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đánh giá hệ thống chính sách pháp luật trong xây dựng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, từ đó tạo ra môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư và người dân.

Năm 2015, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá: Giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2015 đạt khoảng 974 nghìn tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2014); Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,7% (tăng 1,2% so với năm 2014 và tăng 5,2% so với năm 2010); Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 81,5% (tăng 1,5% so với năm 2014, tăng 5,5% so với năm 2010); Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt 85% (tăng 0,5% so với năm 2014, tăng 3% so với 2010); Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,0m2 sàn/ người (tăng 1,1m2 sàn/người so với 2014, tăng 4,5m2 sàn/người so với năm 2010); Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 72,7 triệu tấn, đạt 101% kế hoạch (tăng 3% so với năm 2014, tăng 43,4% so với năm 2010).

Vân Anh - Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/tich-cuc-chu-dong-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-xay-dung.html