Tiệm cắt tóc 'cực dị' trong ngõ Văn Chương

Không giống với bất kỳ tiệm cắt tóc thông thường nào, trong con ngõ nhỏ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội), có một cửa hàng làm tóc giao tiếp giữa chủ và khách là những mẩu giấy nhỏ, những tin nhắn điện thoại qua lại. Nhiều khách 'ruột' của tiệm còn thuộc cả ngôn ngữ ký hiệu để đưa ra yêu cầu với người chủ tiệm trẻ và các nhân viên.

Thành đang chăm sóc cho khách hàng của mình.

Thành đang chăm sóc cho khách hàng của mình.

Tiệm cắt tóc có một không hai ấy là của chàng trai câm điếc Nguyễn Thái Thành (SN 1991), quê ở Việt Yên, Bắc Giang.

Bỏ nấu ăn, bỏ may để học cắt tóc

Tìm gặp Thành tại nơi làm việc, trong căn phòng rộng chừng 20 m2 đặt ghế ngồi cắt tóc và bàn nằm gội đầu, chàng trai dáng người đậm, khuôn mặt bầu bĩnh đang chăm chú cắt tóc cho khách. Sau hồi vuốt, chải, cắt rồi ngắm nghía, Thành đã hoàn thành yêu cầu của khách là cắt ngắn kiểu Vic. Cô gái mở mắt ngắm mình trước gương rồi gật gù hài lòng.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần bởi lượng khách đến làm tóc khá đông. Theo quan sát của phóng viên, khi khách bước vào quán sẽ được ông chủ, hoặc nhân viên của cửa hàng đưa cho một tập giấy để viết yêu cầu cắt tóc của mình lên đó. Với những mẫu tóc cầu kỳ, khách sẽ phải miêu tả tỉ mỉ để Thành hiểu rõ.

Nhiều khách không viết ra giấy mà sẽ nhắn tin qua điện thoại và mô phỏng cùng với nó là ngôn ngữ ký hiệu. Cũng có nhiều người, trước khi chuẩn bị đến tiệm của Thành, họ đã lên mạng tìm mẫu tóc. Khi đến gặp chủ tiệm khiếm thính trẻ, họ chỉ cần đưa ra mẫu tóc mà mình định cắt, như thế mọi việc sẽ đơn giản hơn.“Đối với những khách quen đến tiệm, họ chỉ cần ra hiệu là tôi đã biết họ muốn cắt kiểu nào”, Thành cho biết.

Thành trở thành người đi trước dạy nghề cho những người bạn đồng cảnh ngộ như mình.

Nhìn tiệm cắt tóc rất đông khách đang chờ được cắt tóc, ít ai ngờ rằng để có được thành công như hôm nay, Thành đã phải đánh đổi không chỉ là công sức mà còn có cả những giọt nước mắt. Đó là khi Thành cùng người chị gái mình đi gõ cửa hàng trăm tiệm cắt tóc ở Hà Nội nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối với lời giải thích phũ phàng “không nhận người khiếm thính”.

Sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em, Thành bị câm điếc từ nhỏ do khi mang thai mẹ em bị ốm. Nuôi con nhưng mãi không thấy con nói được và hầu như vô cảm với âm thanh nên năm Thành lên 3 tuổi, bố mẹ đã đưa cậu đi khám. Bác sĩ kết luận Thành bị câm điếc bẩm sinh.

Thành kể lại qua những dòng chữ chạy dài trên trang giấy trắng: “Biết tôi bị bệnh, bố mẹ đã đưa đi khắp nơi để chữa trị nhưng vô vọng. Khi tôi đến tuổi đi học, cả gia đình vẫn quyết định cho tôi đi học như những đứa trẻ bình thường khác vì hồi đó ở Bắc Giang đâu có lớp dành riêng cho những người câm điếc.

Những ngày cắp sách đến trường, tôi luôn cảm thấy mình lạc lõng giữa bạn bè. Không ai hiểu được tôi muốn nói gì và tôi cũng không hiểu bạn bè khác nói gì. Những bài giảng của thầy cô,tôi dù rất cố gắng nhưng cũng không tiếp thu được nhiều”.

Năm 14 tuổi, gia đình quyết định đưa Thành xuống Hà Nội xin học tại Trường Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính. Ở đây, Thành được học một ngôn ngữ khác hẳn với những gì anh đã học ở trường làng, đó là ngôn ngữ ký hiệu. Cũng chính tại nơi này, Thành đã lấy được sự tự tin, bởi Thành thấy mình không còn cô đơn. Thành hiểu, không chỉ riêng mình mà còn rất nhiều người khác cũng mắc bệnh như mình. Những người cùng cảnh ngộ đó có thể hiểu được Thành muốn gì.

Sau 2 năm học tại đây, Thành đã tốt nghiệp lớp ngôn ngữ ký hiệu. Gia đình đã hướng cho Thành học nghề nấu ăn, may mặc nhưng cả hai nghề này Thành đều không thích. Vì thế, nghề nào cũng chỉ được một thời gian là Thành lại bỏ dở giữa chừng. Sau đó, Thành tha thiết xin bố mẹ cho mình đi học tạo mẫu tóc.

Thành ngậm ngùi chia sẻ: “Nhiều khi nhớ lại những ngày tháng đó,tôi lại ứa nước mắt.Tôi đi khắp nơi để xin học, nhưng không tiệm cắt tóc nào chịu nhận. Họ nói, họ không biết cách nào để truyền đạt kiến thức cho người câm điếc. Nhiều người còn động viên tôi từ bỏ ý định trở thành nhà tạo mẫu tóc mà hãy làm một nghề gì đó thông thường, ít sáng tạo nhưng tôi không nghe”.

Bị từ chối nhiều lần nhưng Thành không bỏ cuộc. Thành tự lên mạng vào mục rao vặt tìm những tiệm cắt tóc đang chiêu sinh. Nỗ lực là vậy nhưng Thành chỉ nhận về những cái lắc đầu. Từ salon sang trọng đến những quán cắt tóc vỉa hè đều chê cậu học trò câm điếc.

Không xin được việc ở Hà Nội, chị em Thành lại về Bắc Giang. May mắn đã mỉm cười khi chàng trai khiếm thính được nhận vào một quán cắt tóc. Ban ngày, Thành chăm chỉ quan sát thầy làm tóc cho khách, tối về thực hành trên ma-nơ-canh, sau đó thì lấy người thân, bạn bè ra làm mẫu. Không những thế, Thành còn nhờ bố đi hỏi khắp làng xem ai có nhu cầu cắt tóc, Thành sẽ đến và cắt tóc miễn phí. Khách hàng của Thành thường chỉ là người già và trẻ nhỏ.

Năm 2008, sau một thời gian học tập ở Bắc Giang, Thành lại xuống Hà Nội xin học vì muốn nâng cao tay nghề. Mãi sau đó, chị gái của Thành nhờ một người quen đã xin cho cậu vào làm ở một salon tóc trên phố Khâm Thiên.

Những giải thưởng Thành vinh dự đạt được.

Học tiếng Anh để đi du học

Vì chịu khó học hỏi nên chỉ một thời gian ngắn, Thành đã được chuyển từ thợ phụ lên làm thợ chính và được đưa vào làm ở những phòng tóc hạng sang. Nhiều khách đến salon đã yêu cầu đích danh được Thành tạo mẫu. Nhiều người còn là những nghệ sĩ nổi tiếng như Á hậu Thụy Vân, ca sĩ Thái Thùy Linh…

“Chị Linh thấy tôi nói chuyện bằng tay nên ấn tượng lắm, chị ấy đã chọn tôi để tạo mẫu tóc. Chị Linh bảo buổi tối sẽ làm MC trên truyền hình nên muốn làm kiểu tóc phù hợp với những chiếc váy mà chị ấy đã chọn. Đến khi tôi tạo mẫu tóc xong, chị Linh khen đẹp khiến tôi rất vui. Chị cũng rất năng qua lại quán nhỏ của tôi để cắt tóc và lần nào đến cũng đặt lịch từ trước”, Thành viết ra giấy kể lại.

Vì muốn “làm mới” phong cách làm tóc nên sau 3 năm gắn bó với Salon tóc trên phố Khâm Thiên, Thành đã xin làm ở một salon khác. Sau đó, Thành vào Nam để nâng cao tay nghề và học thêm về trang điểm. Cũng tại đây, anh tham gia cuộc thi “Đẹp cùng cây cọ vàng” và đạt giải Triển vọng. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của chàng trai khiếm thính.

Khi đã thực sự tự tin với nghề, Thành xin bố mẹ mở salon tóc. Ban đầu, bố mẹ Thành phản đối vì nghĩ con mình không nói được sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với khách. Nhưng sau, thấy Thành rất quyết tâm nên bố mẹ anh buộc lòng ủng hộ.

Điều đặc biệt, trong salon tóc của Thành, khắp phòng đều là những bằng khen, giải thưởng mà vị chủ quán khiếm thính đã cố gắng và nỗ lực để đạt được. Ngoài ra là những bức hình Thành cùng bạn bè chụp lại, được trang trí ngộ nghĩnh cùng những mảnh giấy nhỏ chi chít chữ dán khắp nơi.

Đó là tình cảm mà khách hàng thể hiện với chàng trai 9X khiếm thính, những lời chúc thành công, những lời cảm ơn vì chủ quán đã tạo cho họ mẫu tóc ưng ý và cả những lời cảm phục chân thành trước một chàng trai vượt lên số phận.

Nguyễn Thái Thành mỉm cười chia sẻ ước mơ, anh muốn được đi du học về trang điểm và tạo mẫu tóc. Thành đang rất cố gắng học tiếng Anh và làm việc hết mình để có tiền thực hiện ước mơ. Hiện tại, salon tóc của Thành đang có 4 nhân viên. Điều đặc biệt là cả 4 nhân viên đó đều bị khiếm thính như Thành.

“Đồng cảnh ngộ, tôi quá hiểu những đắng cay mà mình đã trải qua trong thời gian xin học việc, nên tôi rất muốn tạo điều kiện cho những bạn bị khiếm thính như mình có điều kiện học tập và làm việc”, ông chủ salon tóc chia sẻ.

Những mảnh giấy khách hàng ghi lại cảm xúc với chủ quán đặc biệt

Với gia đình Thành, cậu chỉ đang nói bằng một thứ ngôn ngữ khác thôi. Cũng giống như trong mắt Thành, chúng ta đang nói bằng một thứ ngôn ngữ khác. Gia đình đề cao sự bình đẳng trong cách chăm sóc cậu con trai út, có lẽ chính niềm tin của gia đình đã giúp Thành hòa nhập tốt.

Và có một điều kì diệu hơn, bố mẹ, anh chị chưa từng được học ngôn ngữ ký hiệu nhưng vẫn có thể giao tiếp bình thường với Thành, tất cả xuất phát từ tình yêu thương và sự thấu hiểu.

Hà Tuyết – Thu Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/tiem-cat-toc-cuc-di-trong-ngo-van-chuong-302613.html