Tiền ảo, rủi ro thật!

Theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2019 sẽ có khung pháp lý cho những đồng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo. Do đó, khi chưa có khung pháp lý hoàn thiện, người chơi nên cẩn trọng ngay từ bây giờ.

Người chơi ở Việt Nam nên tỉnh táo với tiền ảo.

Tiền ảo là gì?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo… Theo đó, các bộ ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản, khung pháp lý hiện tại để sửa đổi, xây dựng quy định pháp luật về quản lý đối với những loại hình này. Trong khi đó vẫn có khái niệm nhầm lẫn giữa tiền ảo và tiền điện tử.

Theo chuyên gia kinh tế Tiến sĩ, luật sư (TS.LS) Bùi Quang Tín, CEO trường Doanh nhân Bizlight, tiền ảo và tiền điện tử là hoàn toàn khác nhau. Tiền điện tử được giao dịch liên ngân hàng, đã được Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý. Còn tiền ảo chưa có khung pháp lý hoàn thiện. Nếu giao dịch gặp rủi ro thì không được Nhà nước bảo vệ.

Như vậy tiền ảo như bitcoin, onecoin… không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

Tiền ảo đã xâm nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 5 năm. Nguồn gốc của tiền ảo cũng khác nhau. Đồng bitcoin được tạo ra từ Nhật Bản, đồng onecoin từ Bulgaria. Trong thế giới tiền ảo, mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng, không được kiểm soát bởi bất kỳ ngân hàng, tổ chức nào. Giữa 2 bên sẽ chọn ra bên thứ 3 làm trung gian, có nhiệm vụ ghi chép lại số tiền ảo đã giao dịch để làm tin. Người được lựa chọn làm trung gian sẽ được hưởng hoa hồng.

Tại Việt Nam thì sao? Ngoài bitcoin, người chơi còn bị thu hút bởi đồng onecoin theo hình thức người đầu tư trước mời gọi được thêm người đầu tư sau thì được hưởng hoa hồng. Hệ thống quản lý được phân chia theo hình kim tự tháp, lợi nhuận được tính theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, đó chỉ là quy ước ngầm của giới đầu tư tiền ảo. Tại Việt Nam, sự tồn tại của những đồng tiền kỹ thuật số này không được Nhà nước công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền ảo không có giá trị thực tế, nhưng để có được nó, nhiều người đã đổ rất nhiều tiền thật vào mua... tiền ảo.

Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết theo quy định của pháp luật nước ta về tiền tệ và ngân hàng, các loại tiền ảo không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

NHNN cũng khẳng định các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân. Các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.

Cần tỉnh táo với tiền ảo

Chính phủ yêu cầu NHNN, cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu để xây dựng đề án, chứ chưa phải là công nhận tiền ảo. Chính vì thế, theo ông Bùi Quang Tín, sẽ có nhiều rủi ro khi tham gia thị trường tiền ảo. Thứ nhất, hiện khung pháp lý về quản lý tiền ảo chưa hoàn thiện. Bởi NHNN hay các bộ ngành liên quan cũng đã có những văn bản về tiền ảo. Nếu người chơi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự. Tuy nhiên, những văn bản này vẫn chưa hoàn thiện, chưa công nhận tiền ảo ở Việt Nam.

Thứ hai, tiền ảo hiện tồn tại nhiều rủi ro. Giá đang bị đồn thổi, trong khi đó Chính phủ chỉ mới yêu cầu nghiên cứu về tiền ảo chứ chưa thừa nhận tiền ảo.

Thứ ba, bản chất của tiền ảo như bitcoin, onecoin hay icoin... không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa vào các ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp có thể trao đổi với nhau. Bản chất của tiền ảo không phải là tiền thật. Nên không được bảo vệ.

Thứ tư, nếu dùng tiền ảo này chuyển ra nước ngoài như hình thức một ngoại tệ nếu như gặp rủi ro thì không được Nhà nước bảo vệ.

Theo ông Tín, người chơi nên bình tĩnh và chờ khung pháp lý hoàn chỉnh. Cùng với đó phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và chắc chắn về loại hình này để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Còn theo chia sẻ mới đây của TS. Nguyễn Trí Hiếu, đã đến lúc Việt Nam nên chấp nhận nhưng đưa vào khuôn khổ nhằm quản lý các biến tướng rủi ro gây ra cho người dân.

Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, không nên chấp nhận nó là một đồng tiền dùng để thanh toán vì sẽ tác động đến chính sách tiền tệ quốc gia, chỉ xem như một loại hàng hóa có thể được giao dịch. Những công ty được phép tổ chức hoạt động giao dịch tiền điện tử phải đăng ký kinh doanh với những quy định ràng buộc như vốn tự có, pháp nhân. Ngoài ra, cũng cần chỉnh sửa các luật có liên quan, nhất là luật phòng chống rửa tiền về loại tiền điện tử này, đề phòng việc chuyển tiền bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.

Theo Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Thủ tướng Chính phủ giao:

Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ;

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 6/2019;

Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo… vào tháng 9/2019.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/tien-ao-rui-ro-that-d61487.html