Tiền Giang: Người tiên phong ương cá giống trên ruộng lúa

Tại các địa bàn vùng lũ đầu nguồn tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè, thay vì độc canh cây lúa mỗi năm 3 vụ nhiều rủi ro nhất là vào vụ hè thu thường bị nước nhấn chìm gây hại nông dân nhạy bén chuyển đổi sang mô hình ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa (lúa + cá) đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Lê Quốc Vũ Người đi tiên phong trong mô hình đưa con cá giống lên ương dưỡng trên chân ruộng cho lợi nhuận mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha là ông Lê Quốc Vũ, cư ngụ tại ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè. Đồng đất ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A vốn nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, nhiễm phèn nặng, trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh. Tại đây, gia đình ông Vũ có 1,6 ha đất trồng lúa nhưng một thời gian dài cuộc sống gia đình vất vả, khó khăn, hàng năm phải “chạy lũ” thiệt hại về tài sản không tính được. Nhận thấy có thể chuyển đổi sang những mô hình sản xuất thích hợp nếu chịu khó học tập kinh nghiệm và biết đầu tư công sức, tiền của đúng hướng thì lợi nhuận cao gấp nhiều lần cây lúa. Mô hình ông Lê Quốc Vũ chọn là luân vụ “lúa + cá”. Độc đáo ở chỗ thay vì đưa con cá nước ngọt nuôi trên ruộng bình thường như một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn làm, ông chọn ương cá giống để bán phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt tại các tỉnh phía Nam. Cách làm của ông như sau: Trước mắt bố trí lại hợp lý mùa vụ. Cụ thể vụ đông xuân trồng lúa năng suất cao. Vụ hè thu và thu đông thì chuyển sang ương dưỡng cá giống trên ruộng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất mới, ông phải cải tạo lại đồng ruộng, làm bờ bao ngăn cá tạp, cá dữ vào ăn cá giống đồng thời giữ mức nước phục vụ nuôi thủy sản trên ruộng tối thiểu 1,2 đến 1,4m. Để đảm bảo, trong phương án cần phải có ao ương cá hương trước khi đưa lên ruộng dưỡng thành cá giống. Kỹ thuật nuôi theo mô hình mới mẻ này ông mày mò học tập qua sách báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông - khuyến ngư và những nông dân đi trước tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn quí báu. Các loại cá giống ương dưỡng trên ruộng lúa chủ lực là: mè vinh, trôi, trắm cỏ, mè trắng, chép Ấn Độ... Ông Lê Quốc Vũ cho biết bắt đầu ương dưỡng cá giống sau thời điểm trận lũ lịch sử năm 2000. Điều đáng mừng là khi chuyển từ độc canh cây lúa sang mô hình “lúa + cá” vùng lũ đã cho thấy hiệu quả kinh tế tăng theo cấp số nhân, đời sống và thu nhập được cải thiện thấy rõ. Hạch toán của ông Vũ cho biết trong năm chỉ dành đất trồng lúa vụ đông xuân (khoảng 3 tháng), 9 tháng còn lại đều tập trung vào ương dưỡng cá giống. Trung bình mỗi năm, trên diện tích 1,6 ha đất ruộng ương dưỡng cá giống đạt sản lượng cá giống từ 5 đến 6 tấn. Chỉ tính riêng nguồn lợi từ con cá giống ương dưỡng trên ruộng đạt lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/ha, chưa kể nguồn thu từ sản xuất lúa vụ đông xuân. Mô hình “lúa + cá” hiệu quả cao của ông Lê Quốc Vũ đang được nhân rộng trong nông dân vùng ngập lũ đầu nguồn huyện Cái Bè. Chỉ riêng xã Hậu Mỹ Bắc A đã có gần 100 hộ ương dưỡng và kinh doanh cá giống cung ứng cho các vùng nuôi thủy sản ngọt miền Đông và Tây Nam bộ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/2/19/19/41186/default.aspx