Tiền Giang: Nỗ lực xóa nghèo ở huyện cù lao

Huyện Tân Phú Đông có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với 6 xã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo khó khăn. Thời gian qua, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nên công tác xóa khó, giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo...

Huyện Tân Phú Đông có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, với 6 xã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo khó khăn. Thời gian qua, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nên công tác xóa khó, giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo...

Tặng nhà đại đoàn kết, giúp hộ nghèo an cư để lạc nghiệp.

Để thực hiện tốt công tác xóa khó, giảm nghèo, Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành Kế hoạch 346/KH-BCĐ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh. UBND huyện thường xuyên cử cán bộ và có công văn đôn đốc, nhắc nhở các xã thực hiện tốt Chương trình Giảm nghèo - Việc làm phải gắn với tình hình thực tế của địa phương và cơ sở, từ đó làm chuyển biến nhận thức và hành động cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng bước đưa Chương trình Giảm nghèo - Việc làm đi vào nền nếp. Song song đó, các xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Giảm nghèo - Việc làm và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp tình hình thực tế.

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, trong năm 2016, huyện đã mua 17.100 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, 3.258 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và 25.372 thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển. Trong năm qua, đã có trên 6.000 lượt người được khám, chữa bệnh bằng BHYT. Thực hiện chính sách chăm lo, tạo điều kiện cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường, trong năm học 2015 - 2016, huyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho trên 4.000 học sinh với số tiền gần 1,7 tỷ đồng và có 67 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 400 triệu đồng.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm xa gần ủng hộ hơn 1 tỷ đồng để xây tặng 29 nhà đại đoàn kết, 2 mái ấm nghĩa tình. Mặt khác, nhân các dịp lễ lớn, tết cổ truyền, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều quan tâm chăm lo, vận động mọi nguồn lực để các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện đều có quà.

Trong năm 2016, huyện còn mở 10 lớp dạy nghề cho 342 lượt người (đạt 114% chỉ tiêu tỉnh giao), tạo việc làm mới cho 984 người lao động, với các ngành nghề: Đan lục bình, đan ghế, may tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Số lao động có việc làm sau học nghề tăng 2,8% so với năm 2015. Học viên học nghề có việc làm ổn định.

Để hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, trong năm 2016 huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho hơn 2.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân còn được chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi dê sinh sản trên địa bàn 6 xã, cho 174 hộ nghèo vay 8 triệu đồng/hộ; đến cuối năm, số lượng dê sinh sản được 348 con, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình này.

Từ những việc làm thiết thực trên, qua kết quả điều tra, rà soát, đến cuối năm 2016, toàn huyện chỉ còn 4.189 hộ nghèo (chiếm 36,82%) và 541 hộ cận nghèo (chiếm 4,76%). Qua đó, cho thấy công tác xóa khó, giảm nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Theo Đỗ Phi (Báo Ấp Bắc)

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/201706/tien-giang-no-luc-xoa-ngheo-o-huyen-cu-lao-2558217/