Bố trí bí thư tỉnh, huyện không là người địa phương: Ngăn chặn nhũng nhiễu quyền lực

Nội dung thảo luận việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương nhận được khá nhiều sự đồng tình của các đại biểu và sự quan tâm của dư luận.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc.

Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, các đại biểu đã thảo luận về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đáng chú ý, đề án cũng đưa ra thảo luận liên quan đến việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Nội dung này nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc bố trí cán bộ cần thực hiện có lộ trình, có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, yếu tố vùng, miền, yếu tố văn hóa... Việc bố trí cán bộ phải có sự tương đồng, tránh bố trí cán bộ từ vùng biển lên miền núi và ngược lại cán bộ miền biển lên miền núi. Đồng thời cần cơ chế, chính sách rõ ràng đối với cán bộ luân chuyển để họ yên tâm công tác.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho hay, cách đặt vấn đề này đã có từ trước đây chứ không phải bây giờ mới có. Luật lệ thời xưa có luật Hồi tỵ. Có nghĩa là người làm quan không được làm quan tại địa phương sở tại của mình. Đó là chưa kể còn có một số quy định như không được lấy vợ ở địa phương, cấp phó không cùng đồng hương… Việc này nhằm tránh việc móc ngoặc với nhau hay còn gọi là lợi ích nhóm.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, thực tế cho thấy, rất nhiều người lợi dụng vị thế quan chức của mình để khai thác lợi ích, lợi ích nhóm, lợi ích dòng tộc… Cũng từ đó xuất hiện nhiều vấn đề mà dư luận bức xúc như cả họ làm quan, trọng người nhà chứ không trọng người tài, biệt phủ của quan chức trên đất vàng… Do đó, việc nghiên cứu vấn đề này để ngăn chặn tình trạng cả nhà làm quan là đúng, nhũng nhiễu quyền lực là điều cần thiết.

Theo đó, để ngăn chặn tình trạng cả nhà làm quan hay nhũng nhiễu quyền lực, phe cánh, lợi ích nhóm thì cần phải có những biện pháp để hạn chế những thói tật xấu của của cán bộ. Công tác cán bộ cũng cần có sự giám sát chặt chẽ.

“Lâu nay năng lực giám sát của chúng ta chưa tốt. Người dân có phát hiện ra vấn đề gì cũng không dám nói vì sợ bị trù úm hay tệ hơn là có nói ra cũng không giải quyết được vấn đề gì. Lâu nay quyền lực quá lớn, người ta cân nhắc lợi ích người ta im lặng. Có những hiện tượng rất rõ nhưng người trong cuộc không lên tiếng, người ngoài không lên tiếng. Khi có sự cố gì mới bộc lộ ra. Việc đưa ra các quy định đúng và thực hiện có hiệu quả, đồng thời áp dụng được quy chế dân chủ thì những việc làm sai trái sẽ được ngăn chặn tốt hơn” – Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/bo-tri-bi-thu-tinh-huyen-khong-la-nguoi-dia-phuong-ngan-chan-nhung-nhieu-quyen-luc-606008.ldo