Tiên phong chuyển đổi cây trồng ở vùng đất nhiễm mặn

Từ chiến trường trở về, thương binh hạng 3/4 Võ Thành Long, ấp Hưng Chánh, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre lập gia đình và được kế thừa 2.000 m2 diện tích đất trồng lúa.

Thương binh Võ Thành Long thu hoạch mãng cầu xiêm.

Qua nhiều năm sản xuất, cây lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình ở Châu Hưng đã chuyển đổi cây lúa sang trồng các loại cây khác như ớt, dừa, bưởi da xanh… Ông Long vẫn loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Năm 2013, xã Châu Hưng vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thương binh Võ Thành Long quyết định chọn trồng cây mãng cầu xiêm. Để trồng được mãng cầu xiêm trên vùng đất mà trước đây nhiều người đã thất bại, ông Long tới huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang để học kinh nghiệm.

Năm 2014, ông Võ Thành Long cải tạo 2.000 m2 diện tích đất lúa để trồng bình bát lấy gốc ghép mãng cầu xiêm.

Để trồng mãng cầu xiêm, ông Long trồng gốc bình bát một năm, sau đó ghép bo mãng cầu xiêm lên thân bình bát. Sau một năm ghép bo, mãng cầu xiêm ra trái lứa đầu tiên, năng suất trái tăng theo hằng năm. Sản lượng bình quân đạt 30 tấn/năm, thương lái đến thu mua tận vườn với giá 20.000 - 35.000 đồng/kg, có thời điểm, mãng cầu xiêm được thu mua với giá 40.000 đồng/kg.

Riêng dịp Tết, ông Long cung cấp cho thị trường trên 3 tấn mãng cầu xiêm. Để mãng cầu xiêm cho trái đẹp, năng suất cao, bán đúng dịp Tết, đòi hỏi phải có quy trình chăm sóc, xử lý nghiêm ngặt.

Thương binh Võ Thành Long cho biết, trước đây, trồng lúa mỗi năm 3 vụ, trừ hết chi phí cho lãi khoảng 500.000 đồng/1.000 m2, hiện nay trồng mãng cầu xiêm lợi nhuận gấp hơn 10 lần so với trồng lúa. “Đặc biệt, trước đây ở xã đã có nhiều gia đình trồng mãng cầu xiêm nhưng không thành công vì cây không chịu được nước nhiễm mặn. Tuy nhiên, trồng mãng cầu xiêm bằng gốc bình bát, khả năng thích ứng với nước nhiễm mặn rất cao. Đợt hạn mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016, nhiều loại cây trồng ở xã Châu Hưng bị ảnh hưởng như chết cây, cháy lá, rụng trái nhưng mãng cầu xiêm của gia đình tôi không việc gì”, ông Long chia sẻ.

Từ 2.000 m2, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mãng cầu xiêm lên 5.000 m2. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn mãng cầu xiêm đem lại cho thương binh Võ Thành Long từ 350 - 400 triệu đồng. Sau gần 4 năm trồng mãng cầu xiêm, gia đình thương binh Võ Thành Long đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo, có vốn mua thêm 2.500 m2 đất để trồng dừa và xây được ngôi nhà mới khang trang, kinh tế ổn định.

Nhiều gia đình lân cận thấy ông Long trồng mãng cầu xiêm thành công cũng học tập mô hình để làm theo. Ông Long sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng mãng cầu xiêm cho bà cong trong xã. Hiện nay, xã Châu Hưng đã có gần 10 gia đình trồng mãng cầu xiêm. Anh Bùi Thanh Hải, ấp Hưng Thạnh, xã Châu Hưng cho biết, anh đã học tập mô hình của thương binh Võ Thành Long, hiện mãng cầu của gia đình anh Hải đã cho trái lứa đầu.

Ông Trần Phong Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hưng cho biết, lúc mới từ chiến trường trở về, hoàn cảnh gia đình thương binh Võ Thành Long rất khó khăn. Từ khi chuyển sang mô hình trồng mãng cầu xiêm, kinh tế gia đình thương binh Võ Thành Long khá giả hơn. Ông là người tiên phong trong xã trồng mãng cầu xiêm thích ứng với đất nhiễm mặn cao. Mô hình này đang được xã tuyên truyền, nhân rộng.

Tin, ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/guong-tot-viec-tot/tien-phong-chuyen-doi-cay-trong-o-vung-dat-nhiem-man-20170725064330340.htm