'Tiến thoái lưỡng nan'

Sự trỗi dậy của Taliban và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tạo ra những “khoảng trống” an ninh nguy hiểm tại Afghanistan. Trong khi đó, chính quyền mới của Mỹ chưa đề ra được một chiến lược mới để đối phó tình hình, đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động ở Afghanistan kéo dài 16 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong nhiều năm khi còn là Tổng thống Mỹ, ông B.Ô-ba-ma từng bày tỏ quyết tâm cao, dành nhiều nguồn lực và thực thi lộ trình sớm kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng nhất của Mỹ ở nước ngoài này. Thế nhưng, người đứng đầu Nhà trắng đã đi hết hai nhiệm kỳ với lời hứa còn dang dở. Nay, “gánh nặng Afghanistan” vẫn “đè trĩu vai” Chính quyền mới ở Mỹ do Tổng thống Donald Trump đứng đầu. Bất chấp những nỗ lực đẩy mạnh chống khủng bố của chính quyền Afghanistan và Mỹ, phiến quân Taliban và IS, cùng nhiều nhóm cực đoan khác tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá, làm cho tình hình tại Afghanistan ngày một rối ren. Theo Liên hợp quốc, trong nửa đầu năm nay, đã có hơn 1.600 dân thường Afghanistan chết và hơn 3.500 người bị thương vì xung đột, bạo lực. Trung bình mỗi ngày có 20 binh sĩ hoặc cảnh sát Afghanistan chết trong khi làm nhiệm vụ chống lực lượng nổi dậy. Với Mỹ, cuộc chiến tại Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 binh sĩ, làm hàng nghìn người khác bị thương. Danh sách chết và bị thương sẽ còn kéo dài bởi tình trạng bạo lực tại đất nước Nam Á này vẫn leo thang nguy hiểm. Tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn tại nhiều tỉnh, thành phố của Afghanistan do Taliban không ngừng đánh chiếm các địa phương trên cả nước. Theo ước tính của Mỹ, Chính phủ Afghanistan hiện mới chỉ kiểm soát được khoảng 60% diện tích cả nước, phần còn lại rơi vào tay Taliban hoặc các lực lượng nổi dậy, cực đoan khác.

Dù ráo riết muốn tìm cách thoát khỏi cảnh sa lầy, nhưng tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong” vẫn đeo đẳng chính quyền Mỹ. Tổng thống Donald Trump chỉ đạo thúc đẩy một chiến lược mới đối với Afghanistan nhằm xoay chuyển tình hình tại đây. Tuy nhiên, hơn sáu tháng qua, chưa một chiến lược rõ ràng nào được giới chức Oa-sinh-tơn đưa ra. Nếu lựa chọn phương án “dứt áo ra đi”, bỏ mặc Afghanistan tự đảm đương nhiệm vụ an ninh của nước này thì Mỹ nhiều khả năng đối mặt “thảm họa đối ngoại”. Khi đó, chính quyền Ca-bun đang dựa chủ yếu vào nguồn lực bên ngoài, trong đó Mỹ là nhân tố chủ đạo, sẽ sớm sụp đổ, đẩy Afghanistan thành “mảnh đất màu mỡ” cho các phong trào thánh chiến toàn cầu “sinh sôi nảy nở”, đe dọa trực tiếp an ninh của Mỹ. Thảm họa ngày 11-9-2001 là bài học xương máu. Chưa kể bài học từ chiến trường I-rắc vẫn “nóng hổi” tính cảnh báo về sự bất ổn khi Mỹ rút hết quân. Đặc phái viên Tổng thống Nga về Afghanistan D.Ca-bu-lốp nhận định, chiến dịch quân sự của Oa-sinh-tơn tại đây đã thất bại, đất nước châu Á này có nguy cơ và thực chất đã trở thành "hang ổ” trú ngụ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong một cuộc họp ở Nhà trắng, Tổng thống Donald Trump phải thốt lên rằng "chúng ta không chiến thắng" tại Afghanistan, còn Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thừa nhận Mỹ đang hứng chịu thất bại ở chiến trường này. Với lựa chọn “ở lại” Afghanistan để “nhổ tận gốc” chủ nghĩa khủng bố, các lực lượng Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ phải tiếp tục gánh vác một nhiệm vụ quá nặng nề, phức tạp và tốn kém. Trong khi đi đến hoàn tất một chiến lược mới cho Afghanistan, trước mắt, Tướng Ni-côn-xơn, Chỉ huy các lực lượng của Mỹ và NATO tại quốc gia Nam Á này đề xuất phương án tăng thêm từ 3.000 đến 5.000 quân, bổ sung cho đội ngũ khoảng 8.400 binh sĩ Mỹ và 6.500 binh sĩ NATO đang làm nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng sở tại chống khủng bố, can dự quân sự dài hạn.

Theo báo Nước Mỹ ngày nay, Mỹ cần sự hỗ trợ về vật chất cũng như nguồn lực từ bên ngoài để giải quyết thế bế tắc cho cuộc chiến ở Afghanistan, trong đó có kịch bản thuê lính đánh thuê nước ngoài thế chân lực lượng Mỹ. Khó khăn chồng chất tại chiến trường Afghanistan đang đẩy Mỹ xoáy sâu hơn vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, rất khó để giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/33813302-%e2%80%9ctien-thoai-luong-nan%e2%80%9d.html