Tiếng gọi công lý sau gần bốn thập kỷ (bài 1)

Trong buổi gặp mặt truyền thống nhân ngày thành lập Trung đoàn 174 (19-8-1949-19-8-2017), chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện về vụ án oan sai của gia đình CCB Nguyễn Văn Dũng, ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh...

Bài 1: Gia đình người lính và 1.379 ngày bị tù oan

Câu chuyện xảy ra đã gần 40 năm nhưng vẫn đẫm nước mắt. Từ một gia đình yên ấm, bỗng chốc tai họa ập xuống đầu khi 9 người vô cớ bị bắt giam và bị nhục hình tàn nhẫn. Sau đằng đẵng 1.379 ngày kinh hoàng trong các trại giam, cầm quyết định đình chỉ điều tra vụ án, khi gia đình tan nát, ly tán, người cựu chiến binh (CCB) ấy mang đơn khiếu nại, yêu cầu cơ quan tố tụng trả lại quyền lợi chính đáng cho mình và gia đình. Lần theo những manh mối ít ỏi ban đầu, càng đi sâu điều tra, chúng tôi càng ngỡ ngàng, đau xót khi sự thật dần được phơi bày...

Tai họa bất ngờ lúc nửa đêm

Trong buổi gặp mặt truyền thống nhân ngày thành lập Trung đoàn 174 (19-8-1949-19-8-2017), chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện về vụ án oan sai của gia đình CCB Nguyễn Văn Dũng, ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Thông tin lúc đầu rất ít nhưng dự cảm về sự việc nghiêm trọng xung quanh câu chuyện này, chúng tôi lập tức tổ chức thu thập các tư liệu, hồ sơ, lên đường tiếp xúc với các nhân chứng, nạn nhân vụ án và cơ quan chức năng. Trong hành trình ấy, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các CCB Sư đoàn 5, Ban liên lạc Trung đoàn 174, Văn phòng Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khu vực phía Nam…

Theo những tài liệu thu thập được và lời kể của một số nhân chứng, diễn biến vụ việc xảy ra gần 40 năm trước, tóm lược như sau:

Anh Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958 ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nhập ngũ ngày 24-11-1976, thuộc đơn vị huấn luyện của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh Dũng được điều sang Tiểu đoàn 4 của trung đoàn, chiến đấu tại mặt trận Xa Mát, Cà Tum tỉnh Tây Ninh rồi tiến công giải phóng Sanun, Kratie, Kampong Cham, vượt sông Mê Công giải phóng Kampong Thom, Siemriep, Bailin, Battambang… nước bạn Campuchia. Sau đó, anh được điều sang chiến đấu tại Đại đội 19, Trung đoàn 28, Sư đoàn 5… thời gian này anh bị thương.

Vợ chồng CCB Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Hoàng Tiến

Khoảng tháng 5-1979, Quân khu 7 thành lập Sư đoàn 317, Nguyễn Văn Dũng được điều động về Đại đội 19, Trung đoàn 774 pháo binh, Sư đoàn 317. Tháng 7 năm đó, anh và đồng chí Nguyễn Công Huỳnh được đơn vị cử về TP Hồ Chí Minh lấy tài liệu huấn luyện ở hậu cứ Sư đoàn 5. Sau khi lấy được tài liệu, hai anh trú tại Trạm T67 của Quân khu 7 để chờ xe đơn vị đón trở lại chiến trường.

Do đi dài ngày, hết tiền chi tiêu nên chiều 26-7-1979 khi xe đơn vị vẫn chưa đến, hai anh bàn và thống nhất để anh Dũng về nhà anh ruột ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để xin tiền. Trước khi đi, anh Dũng đã bàn giao vũ khí và tài liệu cho anh Huỳnh cất giữ.

Về đến nhà anh trai 5 giờ chiều, dự định sáng hôm sau đi sớm thì đêm hôm đó và rạng sáng hôm sau, tai họa bỗng chốc đổ ập xuống đầu người lính và gia đình. Khi cả nhà đang ngủ, đột nhiên ấp đội và công an xã Đôn Thuận, Công an huyện Trảng Bàng đến nhà bắt 9 người, trong đó có cả một em bé mới 2,5 tháng tuổi, gồm:

1. Anh Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 19, Trung đoàn 774, Sư đoàn 317, Quân khu 7.

2. Anh Nguyễn Văn Chiến (anh ruột Dũng)

3. Chị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Chiến)

4. Nguyễn Thị Kim Chung (con chị Nguyễn Thị Lan, 2,5 tháng tuổi)

5. Ông Nguyễn Thành Nghị, CCB (bố vợ anh Chiến)

6. Bà Võ Thị Thương (vợ ông Nghị)

7. Anh Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị)

8. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, cựu chiến binh (chị gái anh Dũng (bộ đội)

9. Anh Hồ Long Chánh (chồng chị Ngọc Lan)

Với tội danh “Cướp tài sản riêng của công dân”, những người nêu trên (trừ anh Chánh được thả trước) đã bị giam giữ 46 tháng 14 ngày (3 năm, 9 tháng, 14 ngày) để điều tra và bị nhục hình tàn nhẫn để ép cung. Đến ngày 11- 5-1983, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho 7 người (riêng anh Chánh đã được thả trước đó và cháu Chung theo mẹ vào trại giam từ khi 2,5 tháng tuổi đến 4 tuổi không có tên trong danh sách tạm giam nên cũng không có tên trong danh sách được trả tự do).

Bị nhục hình và 1379 ngày tù oan

Trong Quyết định số 15/KSĐT-TA ngày 11-5-1983 do ông Trịnh Quốc Anh, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ký đã thừa nhận anh Dũng và những người trong gia đình bị bắt đêm 26-7, rạng sáng 27-7-1979 đã bị dùng nhục hình và hoàn toàn không phạm tội.

Quyết định này cũng nêu chi tiết diễn biến vụ việc: Vào khoảng 23 giờ đêm 26-7-1979, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại nhà Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Do ấp đội và công an nghe Nguyễn Văn Đơ báo cáo, trong đám cướp ngoài súng M16- Carbine và súng ngắn, còn có con dao loại trắng thường sử dụng bán bánh mì. Công an ấp và ấp đội nghi vấn là Hồ Long Chánh có con dao loại này, nên chỉ sau 30 phút xảy ra vụ cướp đã bắt ngay Hồ Long Chánh để điều tra. Ấp, xã hăm dọa và công an đánh Chánh, nên Chánh đã nhận và khai thêm Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Thành Nghị, xã bắt tiếp những người này. Sau đó đưa về công an huyện điều tra đã dùng nhục hình, buộc họ phải nhận tội cướp tài sản của anh Đơ đem về cho vợ con họ cất giấu. Cơ quan điều tra lại bắt tiếp vợ con họ là Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, cũng dùng nhục hình buộc họ nhận có cất giấu tài sản cướp được. Nhiều lần công an dẫn đến lấy nhưng không có, mà chỉ có 5 chỉ vàng được ông Hồ Thủy Trực là cha của Chánh đem nộp để được lãnh Chánh về. Ngoài con dao của Chánh và 5 chỉ vàng của ông Trực thì không thu được gì là tang vật trong vụ án. Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình buộc họ nhận chớ họ không phạm tội này.

Quyết định đình chỉ điều tra vụ án của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ngày 11-5-1983.

Từ kết quả này, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã kết luận Nguyễn Văn Dũng và những người trong nghi án 4 năm trước bị công an huyện Trảng Bàng bắt tạm giam là “không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân” và trả lại tự do cho họ.

Nhớ lại câu chuyện kinh hoàng gần 40 năm trước, anh Nguyễn Văn Dũng, khi ấy là du kích của ấp, con ông Nguyễn Thành Nghị (từ nay gọi là Nguyễn Văn Dũng, du kích ấp hay anh Dũng du kích; để phân biệt với cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng) kể: Tối hôm ấy, nghe nói có anh Dũng về chơi, tôi đã sang nói chuyện và ngủ lại. Nửa đêm, cả nhà giật mình khi công an ấp và ấp đội đến nhà bắt tôi, bố tôi, anh Dũng và anh Chiến. Hôm sau, bắt thêm mẹ tôi, chị gái tôi và chị Ngọc Lan. Họ đưa chúng tôi ra nhà ông Đơ, nơi mới xảy ra vụ cướp. Lúc ra đã thấy anh Chánh ở đó, quần áo tả tơi, với nhiều vết đánh trên người. Hơn một tiếng bị đánh, nhưng tôi không nhận vì tôi có biết gì về vụ cướp giật đâu. Họ lại đưa tôi lên xã, lên huyện để tra khảo, đánh đập. Trưa hôm sau, ông Phó công an huyện đưa tôi ra cánh đồng trống, dụ dỗ, bảo tôi khai là có tham gia cướp thì sẽ được tha. Họ còn đưa bố tôi (ông Nghị) ra đánh tàn nhẫn trước mặt tôi. Bố tôi sau này mất, trên tay vẫn hằn vết còng và nhiều thương tích trên người. Thương xót lắm…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, là một cựu chiến binh, từng là y tá Tỉnh đội Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, bị bắt khi đang mang bầu. Do bị đánh đập tàn nhẫn, chị đã đẻ non và cháu bé chết ngay sau khi sinh. Đau đớn, chị đánh liều trốn khỏi nơi giam giữ để tìm chỗ chôn con nhưng 10 ngày sau bị bắt lại. Chị Nguyễn Thị Lan, lúc đó có con mới 2,5 tháng tuổi cũng bị giam và tra khảo. Cháu bé sợ hãi, khóc ngằn ngặt nhiều đêm liền. Chồng chị là anh Chiến còn bị treo lên xà nhà, đánh hộc máu tai, máu mũi…

Chúng tôi đến xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng gặp ông Trương Văn Tiết (Tư Tiết). Thời điểm diễn ra vụ án, ông Tư Tiết là công an huyện Trảng Bàng, là một trong những người điều tra và lấy cung các nghi phạm. Sau này, ông là chủ tịch, bí thư nhiều khóa của xã Đôn Thuận và Hưng Thuận (được tách ra từ xã Đôn Thuận). Ông Tư Tiết thừa nhận vụ án trên là có thật nhưng từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên, với lý do “lâu rồi, không nhớ được”.

Tuy nhiên, những nhân chứng, nạn nhân vụ việc thì họ không thể quên. Đặc biệt là Quyết định đình chỉ điều tra vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh ngày 11-5-1983 đã nói lên bản chất vụ án. Đó là những cơ sở chắc chắn để công lý phải lên tiếng.

(Còn nữa)

Điều tra của HOÀNG TIẾN-TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/tieng-goi-cong-ly-sau-gan-bon-thap-ky-bai-1-517190