Tiếng làng, tiếng Xuân

Ngày nhỏ, nhà tôi ở gần chợ. Bà cô chú bác ai đi chợ cũng tạt vào ném cái xe đạp góc sân. Mặc cho cái xe không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu, không gác-đờ-xen, hai cái lốp quấn chằng quấn chịt dây cao su, vừa thồ người vừa thồ hàng, đổ kềnh góc sân, các vị yên chí ra chợ. Mấy đứa trẻ tóc cháy khét râu ngô thành kẻ trông xe bất đắc dĩ. Bù lại tha hồ ăn quà. Người cho tấm mía, quả ổi, mảnh bánh đa vàng suộm, chạt vừng. Người cho thoi phấn, cái bút chì, hòn tẩy. Có bà gặp hôm buôn may bán đắt, giúi hẳn vào tay đồng bạc. Thành ra, ở gần chợ bọn trẻ cũng khôn hơn đám bạn trong làng. Mới học đến lớp bốn đã biết câu “nhất cận thị, nhị cận giang” (thứ nhất là gần chợ, thứ nhì là gần sông, thuận cho việc làm ăn buôn bán).

Lũ trẻ của những năm 60 thế kỷ trước hôm nay về quê dự đám cưới con một người bạn lính. Chuyện trò rôm rả thâu đêm. Mấy ông bạn già một thời cũng có tí chức sắc ồn ào góp chuyện. Từ chuyện Mỹ sang chuyện Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga… cứ như G7 trong lòng bàn tay. Nhưng chuyện gì rồi cũng quay về chuyện làng. Nào là cái cổng làng vừa mới được phục dựng, nửa cổ nửa kim, chữ Nho chen chữ quốc ngữ, đẹp chưa thấy đâu chỉ thấy mất toi hàng tỷ đồng. Nào là cơn bão hàng đa cấp vừa tràn qua mấy lũy tre xanh khiến nhiều nhà trắng tay. Đúng là cái kiểu “đơm đó ngọn tre”, nghe xui ngon xui ngọt thế nào, khôn lõi đời như nhà ông Tư Lùn cũng mang cả sổ đỏ ra thế chấp làm vốn nộp cho mấy công ty ma. Lại nữa chuyện trai làng hết “đập đá” lại sang “cỏ Mỹ”, toàn thứ ma túy chết người. Bố mẹ cứ khăng khăng, cháu nhà em có thấy tiêm chích, hút hít gì đâu. Thế mới chết, thời nay các thứ tệ nạn xã hội nó tràn vào nhanh lắm, gần như tức thời với ở thành phố. Đến khi công an xã áp tận nhà gọi đi cai nghiện bố mẹ mới té ngửa về thằng con nghịch tử.

Nói đi phải nói lại. Cái mảng tối đó ở làng nó gây ra nhiều tai họa thật đấy, nhưng mảng sáng cũng đáng khen thay.

Buổi tối, tôi sang nhà ông giáo Tuy chơi. Ông ngoài bảy mươi tuổi, về hưu cả chục năm nay, bây giờ nhà ông thành lớp dạy chữ cho trẻ. Dạy miễn phí, rồi cho các em mượn sách đem về đọc. Cái thư viện của thầy cũng do mọi người tặng sách, đâu lên đến cả nghìn cuốn. Có mấy bác nhà văn của tỉnh, của trung ương lần nào về cũng mang theo cả ba-lô đủ các loại sách văn học, khoa học kỹ thuật, sách giáo khoa… Thầy Tuy không kể chuyện dạy chữ, mà kể chuyện làng. Cứ theo ý thầy thì chưa bao giờ làng quê cứ như lên cơn sốt hầm hập. Bao nhiêu thứ “hóa” ngày xưa nghe đầy sách vở, nào là cơ giới hóa, điện khí hóa, tin học hóa nay đã thành sự thật, đã rõ hình hài, ai cũng mắt thấy, tai nghe. Máy cấy, máy cày, máy gặt chạy rần rần trên đồng. Vụ cấy, vụ gặt, mỗi vụ chỉ làm gọn trong mươi ngày. Bây giờ cảnh gặt lúa đêm trăng, đập lúa đêm trăng đã vào thơ vào nhạc một thời bọn trẻ chẳng thể nào hình dung nổi. Cảnh đập lúa, thơ thầy Tuy viết: “Những sợi trăng vương trong rơm/Những giọt trăng văng ra nghìn hạt thóc”… Nhưng nỗi niềm cây lúa thì thời nào cũng nặng. Giá hạt thóc vẫn nhẹ tênh, trong khi nhà nông việc chi tiêu to nhỏ đều quy ra thóc. Rồi chất lượng hạt gạo cũng sút kém. Người dân châu thổ sông Hồng lại thích ăn gạo tẻ Điện Biên, rồi gạo Lào, gạo Thái. Xưa nhà nông nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nhưng nay có lẽ phải đặt giống lên hàng đầu.

Góp vào câu chuyện với ông giáo già, tôi bảo, thầy ơi, theo thầy thì làng đang chuyển động theo xu hướng nào? Thầy đáp ngay có cả tốt và xấu. Tốt là ở chỗ, nếp sản xuất nhỏ dần mất đi kéo theo tư duy nhà nông cũng thông thoáng, làm gì cũng tính đến hiệu quả. Vì thế mà công nghiệp phát triển, làng nghề phát triển, giọt mồ hôi của người nông dân đổi về được nhiều tiền hơn. Nhưng xu hướng xấu thì thấy nhỡn tiền. Thấy rõ nhất là gương mặt làng quê biến dạng. Về quê thấy nhà ngói, nhà hai tầng, ba tầng san sát, đường nhựa, đường bê-tông tỏa về các xóm, thôn, nhưng hình như đấy không phải làng. Làng không có tre xanh, những con sông xanh, ao làng trong vắt. Xóm không có những bờ giậu chạy dài, những giậu cúc tần vấn vít tơ hồng, những bờ giậu ruối quả vàng trĩu trịt, những hàng rào cây ô-rô được xén bằng bặn… Thay vào đó là đông cứng những bức tường vây bọc. Bê-tông hóa đường chứ đừng bê-tông hóa bờ giậu. May mà, biến dạng chứ chưa phải là biến mất. Chưa biến mất có lẽ là do còn giữ được văn hóa làng; giữ được nếp quê, tình quê của những người dân chắt chiu thuần hậu, sống gắn bó, nương tựa vào nhau, “mạ nhờ đất, đất nhờ nước, nước nhờ mạ”, chứ không như ở đâu đó, vô cảm, a dua đã trở thành căn bệnh thời @.

Có khá nhiều mâu thuẫn trong đời sống nông thôn hiện nay, nhưng đó là mâu thuẫn trong sự phát triển. Làng của hôm nay dựng trên cái làng của hôm qua, không thể khác. Mới và cũ, cổ xưa và hiện đại, cấp tiến và bảo thủ đều có thể đọc thấy từ làng. Từ nhà đến làng, từ làng ra nước, phải làm sao có một cuộc cách mạng mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, chớ bằng lòng với những lời ca đã quen tai, đã làm đẹp lòng, ru ngủ nhau khá nhiều năm tháng.

Tôi đọc thấy điều ấy trên gương mặt thầy giáo cũ, ông chủ tịch xã về hưu, ông nhà văn ở ẩn, ông thiếu tướng đặc công… Và tất cả đọng lại trên gương mặt cha tôi, một ông thợ cày thạo cả cày mò và cày ải. Cha tôi đã đi xa mấy chục năm rồi, nhưng mỗi Tết, vẫn nghe đâu đây lời ông: “Vụng múa đừng chê đất lệch. Đất quê mình là đất vàng, nhưng trong đất thì không có mỏ vàng”.

Đi trên đất quê, bàn chân ngập trong bùn non, tôi thấy tiếng Xuân náo nức bay qua những rì rào muôn thuở tre xanh…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/32030302-tieng-lang-tieng-xuan.html