Tiếng Việt và lòng yêu nước

Không thể có lòng yêu nước thực sự nếu ai đó không biết tự hào về dân tộc mình. Một trong những niềm tự hào ấy là yêu tiếng mẹ đẻ và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Nhà nước ta đã có quy định mọi quảng cáo, biển báo phải để chữ Việt có kích cỡ to hơn chữ nước ngoài thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Thế nhưng đi trên đường phố, không ít người thấy bị xúc phạm không chỉ vì những "chữ tây" vi phạm quy định của Nhà nước mà tiếng Việt còn bị lai căng hoặc thể hiện sự huếnh hoáng, tự ti của người kém hiểu biết.

Một trong nhiều ví dụ là đi trên đường Giảng Võ thấy tòa nhà khang trang, chưa kịp tự hào đã thấy mủi lòng vì chữ “Building” chềnh ềnh to hơn cả dòng chữ "Sở Thông tin truyền thông" của TP. Hà Nội. Hình như chữ tây trên nghĩa là "Tòa nhà", vậy sao không đề là "tòa nhà" lại phải dùng chữ nước ngoài đầy phô phang thế trên đất Việt to hơn cả tên trụ sở cơ quan Nhà nước? Rồi nhan nhản các cửa hàng cũng dùng tiếng nước ngoài chỉ loại hàng kinh doanh thay cho một từ Việt thân thương và dễ hiểu. Nhân danh thuật ngữ quốc tế, người ta đang lạm dụng tiếng nước ngoài trên sách báo, thậm chí trong cả văn bản pháp quy. Người Việt không phải ai cũng biết tiếng nước ngoài và chắc từ Việt tương đương không thiếu, vậy mà cứ lổn nhổn từ nước ngoài trong tiếng Việt. Trên báo chí không ít bài nếu dùng từ "tuổi vị thành niên" sẽ giảm giá trị sao mà cứ phải viết thành "tuổi teen". Những từ nước ngoài đã được Việt hóa như “xe buýt” thì cũng ghi là xe buýt, vậy xe "bus" viết trên xe buýt hàng ngày chạy dọc ngang trên đường sẽ phải đọc thế nào. Cũng như "xà phòng" nói và viết tiếng Việt như sau không lẽ theo "mốt" trên, xà phòng phải viết như tiếng nước ngoài. Hai chữ "Việt Nam" đầy kiêu hãnh cũng đang bị lai căng nửa tây nửa ta thành "Vina" trong khi đọc Vina hay Việt Nam đều như nhau. Lý do để gọn trong văn bản có cần thiết không và sao "Samsung" của nước ngoài chẳng hạn không "gọn" thành "Sasu"? Và không lẽ nước bạn láng giềng Trung Quốc bên cạnh lại phải viết và đọc thành "TruCu"? Đây là thói tự ti muốn giống "tây" chăng và giả dụ cứ đà này không khéo cửa hàng cháo lòng tiết canh cũng thành cửa hàng "Chalotica" để tây hơn cho oai?! Trong quá trình hội nhập, việc học và sử dụng ngoại ngữ là cần thiết, song không thể để ngoại ngữ lấn át tiếng Việt. Pha trộn lai căng tiếng Việt lại càng không thể chấp nhận. Tiếng Việt là văn hóa nước nhà, lẽ nào đang bị xúc phạm? Cuộc sống có cảnh sát giao thông để giữ trật tự giao thông hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Vậy sự bừa bãi, tùy tiện và lộn xộn trong cách dùng tiếng Việt có thể gây ô nhiễm và ngộ độc văn hóa thì cơ quan nào quản lý đây. Là người Việt lẽ nào để tiếng nói của Tổ quốc mình, dân tộc mình bị lai căng, bị coi thường vì thói tự ti, sùng ngoại... Lê Quý Hiền

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2010032609268346p61c69/tieng-viet-va-long-yeu-nuoc.htm