Tiếp nhận tri thức từ sách nói

Tối 22-4, Sở TT-TT TPHCM tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề 'Sách nói - Âm thanh tri thức'. Đây là chương trình bế mạc cho chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, diễn ra từ ngày 17-4 tại Công trường Công xã Paris (quận 1) và Đường sách TPHCM.

Tại chương trình, 3 khách mời, gồm: Á hậu Quốc tế Thúy Vân, Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2023-2024; ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok Việt Nam và ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Âm thanh Voiz FM đã cùng nhau thảo luận cởi mở, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình liên quan đến sách nói. Từ đó truyền cảm hứng và kiến thức mới cho khán giả, giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của sách nói và âm thanh trong cuộc sống hàng ngày.

 Các khách mời giao lưu tại chương trình. Từ phải qua: Á hậu Quốc tế Thúy Vân, ông Nguyễn Thế Anh và ông Nguyễn Lâm Thanh

Các khách mời giao lưu tại chương trình. Từ phải qua: Á hậu Quốc tế Thúy Vân, ông Nguyễn Thế Anh và ông Nguyễn Lâm Thanh

Nhận định về thị trường sách nói hiện nay, ông Nguyễn Thế Anh cho rằng, thị trường sách nói Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và có nhiều tiềm năng lớn. Năm 2022 được xem là năm bùng nổ của sách nói. Sở dĩ có sự bùng bổ như vậy, theo ông Thế Anh có nhiều lý do. Trong đó, phải kể đến hành vi thay đổi thói quen đọc sách của người dân trong cuộc sống bận rộn. Họ phải lo toan nhiều thứ nên ít có thời gian để cầm sách giấy lên đọc.

“Khi đó, thông qua sách nói, người dân có thể tìm kiếm tri thức hoặc giải trí một cách dễ dàng và linh hoạt khi đang di chuyển, đang chờ đợi hoặc nghe trong lúc làm những công việc tay chân như lau nhà, rửa chén. Những công việc này nếu làm hàng ngày và thường xuyên sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng lại không đòi hỏi chúng ta sử dụng nhiều năng lượng từ não nên có thể tiết kiệm bằng cách kết hợp giữa làm việc tay chân với nghe sách nói”, ông Nguyễn Thế Anh cho biết.

Yếu tố thứ hai thúc đẩy thị trường sách nói gia tăng là sự bùng nổ của công nghệ. Trong một thời đại phổ cập điện thoại thông minh, máy tính bảng, wifi phủ sóng khắp nơi… người dân có thể tải và nghe sách nói miễn phí hoặc các ứng dụng sách nói có bản quyền. “Yếu tố cuối cùng là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Tầng lớp này phát triển nhanh và họ sẵn sàng chi tiêu để tôn trọng tác giả, tôn trọng bản quyền”, ông Thế Anh nói thêm.

“Việc chọn sách giấy hay sách nói không quan trọng bằng việc chúng ta lựa chọn nội dung trong đó là gì, và tùy vào nhu cầu của mọi người. Bản thân Vân cũng đón nhận và sử dụng sách nói. Bởi có những khoảng thời gian trong ngày như lúc chạy bộ hoặc lái xe, rất thuận tiện để nghe sách nói”, Á hậu Thúy Vân chia sẻ.

Chia sẻ giữa lựa chọn sách giấy và sách nói, Á hậu Thúy Vân cho rằng, việc này tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Bởi vì sách giấy vẫn luôn có một vị trí quan trọng. Ai muốn nghiên cứu sâu, muốn tách mình ra khỏi cuộc sống bộn bề thì chắc chắn sẽ phù hợp với sách giấy. Ngoài ra, sách giấy còn có mục đích nữa là để sưu tầm. Chẳng hạn như sưu tầm sách cũ, hay sưu tầm trọn bộ để sau này có thể nghiên cứu sâu hoặc để lại cho con cháu như một gia sản của gia đình.

Nhắn nhủ đến các bạn trẻ, theo Á hậu Thúy Vân, việc đọc nhiều sách không quan trọng bằng việc chọn đúng sách. Các bạn trẻ hãy tự đặt cho mình câu hỏi: mình đọc sách để làm gì và tự mình tìm ra câu trả lời, không nên tìm đến sách chỉ vì cuốn đó có nhiều người đọc. Nếu cuốn sách đó không phục vụ cho công việc, sự nghiệp, cuộc sống của các bạn thì cũng không phù hợp.

Từ đó, Á hậu Thúy Vân nhắn nhủ: “Cho nên, đầu tiên, các bạn phải căn cứ vào nhu cầu cá nhân của mình để lựa chọn những đầu sách phù hợp, cũng như lựa chọn sách nói hay sách giấy. Quan trọng nhất là đọc sách để lấy kiến thức, và từ kiến thức đó giúp cuộc sống của mình trở nên tốt hơn”.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-nhan-tri-thuc-tu-sach-noi-post736567.html