Tiếp sức cho những ước mơ tri thức

NDĐT - Nhờ chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã có thể tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình. Tính nhân văn và những lợi ích của chương trình dù mới chỉ qua hơn hai năm thực hiện nhưng đã được thể hiện rất rõ ràng.

Tiếng nói từ phía phụ huynh học sinh - Chả giấu gì mấy chú, nếu nhà nước không có chương trình cho sinh viên vay vốn ưu đãi, chắc thằng thứ hai nhà tôi học trường trung cấp, còn thằng út thì cũng chẳng thể theo học tiếp. Hai vợ chồng tôi đều là nông dân, đào đâu ra tiền cho các cháu ăn học bằng con người ta! Bà Trần Thị Quý, xóm 3, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trò chuyện hết sức cởi mở với chúng tôi. Nhà bà có ba người con, con gái lớn đã tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội, đi làm được gần hai năm. Cậu thứ hai đang học năm thứ ba, trường Đại học Y Thái Bình, còn cậu út học năm thứ nhất trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Làm nông nghiệp mà có cả ba người con đều học đại học như nhà bà Quý, kể cũng không phải là nhiều. Vì các con chỉ hơn nhau vài ba tuổi nên cứ đứa lớn vừa chuyển cấp học thì lại đến đứa tiếp theo, dồn dập, liên tục, bố mẹ luôn phải trong tình trạng “căng thẳng” lo cơm áo gạo tiền. - Con cái thi đại học không đỗ thì buồn, đỗ rồi thì lại lo ngay ngáy. Cháu lớn nhà tôi học hết năm thứ ba thì thằng em nó thi đỗ trường đại học Y Thái Bình. Tôi thì bảo cháu thôi thì một bước xa bằng ba bước gần, đi học trường trung cấp nào đấy, đỡ tiền đóng góp lại nhanh ra trường, sau này nếu có điều kiện thì học liên thông hoặc tại chức. Nhưng bố cháu bàn là con lớn cũng chỉ còn một năm nữa ra trường, lúc đó lại cũng chỉ phải lo cho một đứa học đại học thôi. Thôi thì cũng phải cố mà gồng lên cho cháu khỏi thiệt thòi! Cũng may, đến cuối năm 2007, Nhà nước lại có chính sách cho học sinh, sinh viên vay vốn ưu đãi đi học. Nhà tôi được vay ngay. Cháu lớn vay được một năm cuối, còn cháu thứ hai vay được ngay từ năm thứ nhất. Năm vừa rồi, thằng út thi đại học, đỗ trường đại học Bách khoa Hà Nội, kể mà không được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, chắc cháu nó chỉ có cách đi bộ đội thôi, chứ vợ chồng chúng tôi chả hơi sức đâu mà gồng mãi được! Cũng nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà Hoàng Văn Duy (trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) vẫn có cơ hội thực hiện ước mơ trở thành sinh viên của mình dù gia đình hết sức khó khăn về kinh tế và có hoàn cảnh rất éo le. Bố mẹ ly dị ngay từ khi Duy còn rất nhỏ, em được ông bà nội nuôi. Bà nội mới mất mấy tháng, còn lại ông nội em- cụ Hoàng Văn Bảy, đã 85 tuổi vẫn một mình tần tảo nuôi cháu ăn học. - Tôi bây giờ chả biết đi lúc nào. Ấy nhưng mà còn nhúc nhắc được cái chân cái tay thì còn cố để cho cháu ăn học nên người. Nuôi mấy con gà, con lợn với một con bê, bán được đồng nào thì dành dụm để cháu chi tiêu. Cũng may, có chương trình cho vay lãi thấp của Ngân hàng chính sách chứ không thì ... Bà Đào Thị Ngọ, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nguyễn Hậu, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên dẫn chúng tôi vào nhà ông Hoàng Văn Tân có hai con đang học Đại học Thái Nguyên đều được vay vốn từ chương trình. Vợ chồng ông Tân đều đang đi làm, chỉ có hai cụ thân sinh trông nhà. Giơ tay chỉ một vòng quanh căn nhà mà bốn bức tường dán đầy giấy khen, bằng khen của hai đứa cháu, cụ bà bỏm bẻm: - Các bác cứ trông gia cảnh thì biết. Cả nhà chỉ có mỗi cái xe máy của bố cháu, hơn chục triệu bạc là giá trị nhất. Hai đứa nó học trên thành phố Thái Nguyên, tiền học phí, tiền trọ, tiền ăn tiền uống rồi thì sách vở, học thêm học nếm, tính ra mỗi tháng cũng ối tiền ra. Nhà có gần ba sào ruộng, lúc nông nhàn thì bố cháu đi làm thợ xây, lo sao nổi. Anh em, họ hàng vay mượn cũng có mức thôi, vả lại cũng có mấy người khá giả đâu. May có bác Ngọ đây bày cho bố mẹ cháu vay tiền của Ngân hàng chính sách, lãi thấp, tốt quá. Tôi bảo các cháu cứ yên tâm mà học hành cho tốt, sau này ra có việc làm, có lương rồi trả. Nếu khó trả nổi thì bố mẹ đỡ cho một phần. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tín dụng sinh viên, rất nhiều người đã có thể đi học đại học, cao đẳng. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng ban Xóa đói giảm nghèo xã Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết. Anh đưa ra những con số đầy tính thuyết phục: năm 2005, cả xã chỉ có 4 người đi học đại học, năm 2006: 5 người, năm 2007: 10 người, năm 2008: 21 người, năm 2009, chỉ tính số người đi học theo giấy báo trúng tuyển nguyện vọng 1 đã là 17 người. Cảm tưởng của những cử nhân tương lai Lê Văn Dương nhận giấy chứng nhận của nhà trường để mang về quê làm thủ tục vay vốn học tập. Lê Văn Dương, sinh viên năm thứ ba, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội có vẻ ngoài khá bụi bặm nhưng lại là một người giàu chí tiến thủ. Quê Dương ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nhà chỉ có hai mẹ con, năm nay mẹ đã gần 60 tuổi, làm nông nghiệp nên lo tiền ăn học cho cậu là chuyện nằm ngoài tầm khả năng của bà. Khi Dương nhập học, nhà trường thông báo về chương trình tín dụng ưu đãi, mẹ con cậu đã tìm được lời giải cho bài toán hóc búa về cơm áo gạo tiền cho bốn năm đèn sách xa nhà nên tiến hành làm thủ tục vay luôn. Ý thức được hoàn cảnh của mình nên Dương vừa cặm cụi học vừa tìm việc làm thêm để kiếm tiền, coi đây là hai “nhiệm vụ” song song. Vừa đi gia sư, vừa đi đưa nước sạch thuê, mỗi tháng cậu đã tự lo được tiền ăn ở cho bản thân. - Nói thật với các anh, em tự kiếm tiền thuê nhà, tiền học thêm ngoại ngữ, tiền ăn; tiền vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, em dành đóng học phí. Cũng có kỳ dành dụm được kha khá, em còn bảo mẹ bớt lại một ít để chi dùng. Mình con nhà nghèo, được đi học đại học là tốt lắm rồi, phải tự thân vận động vươn lên thôi. Nỗ lực vươn lên của Dương đã được thể hiện rất rõ qua điểm trung bình năm học: năm thứ nhất đạt 6,4 điểm, đến năm thứ hai là 7,2 điểm. Nguyễn Văn Nhiệm đang luyện nghe tiếng Anh trên bộ máy tính mới mua. Còn Nguyễn Văn Nhiệm, sinh viên năm cuối trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lại sử dụng vốn vay một cách khá mạnh dạn. Gom số tiền vay được của học kỳ I năm cuối với số tiền dành dụm từ những buổi gia sư, Nhiệm mua một bộ máy tính để bàn để trau dồi thêm tiếng Anh và tin học cũng như tự đánh máy các tiểu luận, khóa luận và luận văn tốt nghiệp sau này. “Ngoại ngữ phải khá trở lên, thành thạo tin học văn phòng thì mới dễ kiếm việc, anh ạ! Em tốt nghiệp rồi thì phải kiếm việc lập thân và trả nợ ngân hàng, chả nhẽ lại để bố mẹ già phải gánh hộ, coi sao được” – cậu sinh viên gầy gò cười bẽn lẽn nói với chúng tôi. Cũng nhờ Quyết định 157, Vũ Thị Thủy và Lương Thị Thu, sinh viên Đại học Thái Nguyên có cơ hội học hành, nâng cao tri thức, học vấn. Thủy đang học sinh viên năm thứ ba, lớp y học dự phòng, trường Đại học Y- Dược. Nhà Thủy ở Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ, bố mất từ khi em học lớp 7, mẹ ở vậy tần tảo cày cuốc bốn sào ruộng khoán để nuôi hai anh em ăn học. Anh trai của Thủy cũng đang học trường đại học Nông- Lâm năm thứ tư, cả hai anh em đều được vay vốn đã hai năm nay. Còn Thu đang học năm thứ hai trường Đại học Dược, là người dân tộc Nùng ở Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên. Giống như hoàn cảnh của Thủy, bố Thu đã mất, mẹ và anh trai dành dụm mỗi tháng gửi cho em từ 1 đến 1,2 triệu đồng để trang trải chuyện ăn học. - Nói thật là nếu không vay được vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, chắc chắn bọn em không thể lên Thái Nguyên học. Chương trình tín dụng 157 rất ý nghĩa. Nhờ có chương trình mà những người có hoàn cảnh khó khăn như bọn em mới có cơ hội được học tập nâng cao trình độ học vấn, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Sau này tốt nghiệp ra trường, dù thu nhập có thấp đến mấy đi chăng nữa, bọn em nhất định vẫn phải dành dụm để trả nợ đúng hạn. Chắc chắn lúc nào cũng có những học sinh, sinh viên nghèo như bọn em cần đến nguồn vốn này. Thủy và Thu cười, nói với với chúng tôi. Trong nét cười và ánh mắt của hai cô sinh viên nghèo ấy, chúng tôi thấy rõ quyết tâm, nghị lực vươn lên và niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, ngày 29-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ, đã có gần 1,7 triệu học sinh, sinh viên của hơn 1,5 triệu hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để đi học. So với Quyết định 107/2006/QĐ-TTg số tiền cho vay được tăng từ 300 nghìn đồng lên 800 nghìn đồng/sinh viên/tháng; lãi suất cho vay được áp dụng là 0,5% tháng, thấp hơn mức lãi suất cho vay hộ nghèo. Từ học kỳ I, năm học 2009- 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức cho vay lên 860 nghìn đồng/sinh viên/tháng. Doanh số cho vay đến ngày 15- 12- 2009 đạt 18.094 tỷ đồng, trong đó năm học 2007- 2008 đạt 5.036 tỷ đồng; năm học 2008- 2009 đạt 8.449 tỷ đồng; kỳ I năm học 2009- 2010 đạt 4.609 tỷ đồng. Dư nợ cho vay theo đối tượng: 41% học đại học; 21% học cao đẳng; 11% học trung cấp; 27% học nghề. Nguồn: Ngân hàng chính sách xã hội Ngọc Trác

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=169004&sub=74&top=41