Tiếp sức cho rau, hoa quả Đà Lạt

(VEN) - Là “thủ phủ” rau, hoa quả của cả nước, hiện tỉnh Lâm Đồng có khoảng 47 ngàn ha diện tích trồng rau với sản lượng 1,7 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu 15 triệu USD mỗi năm, sản xuất hoa đạt 18 triệu cành, giá trị xuất khẩu 25 triệu USD/năm... Tuy nhiên, sản xuất rau, hoa của Lâm Đồng đều đang gặp khó về thông tin thị trường, công nghệ chế biến…

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay cả tỉnh đang có 10 doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau quả, trong đó, 6 công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); sản xuất hoa có 4 công ty 100% vốn FDI. Các công ty đã đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến, bảo quản hoa sau thu hoạch nhưng đối với rau thì chưa nhiều và đặc biệt chưa có công ty nào đầu tư vào công nghệ chế biến đối với cà chua, một trong những loại quả là niềm tự hào của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thời gian qua.

Hiện nay năng lực sản xuất cà chua của TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước với diện tích khoảng 5 ngàn ha. Đây cũng là địa phương có năng suất cà chua ổn định, chất lượng và sản lượng cao nhất với hàng trăm tấn/ha/năm. Tuy nhiên các vấn đề về thông tin thị trường, về công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch đang làm “khó” cây cà chua và người trồng cà chua Đà Lạt.

“Mặc dù chất lượng tốt, năng suất cao nhưng nhiều lúc cà chua Đà Lạt “điêu đứng” vì không có ai mua khiến bà con trồng cà chua rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Bên cạnh vấn đề thông tin dự báo thị trường, thông tin về quy hoạch sản xuất, nhu cầu tiêu thụ…, tới đây công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng cần phải được quan tâm hơn”, ông Sơn cho hay.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về chủ trương bổ sung dự án Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt vào danh mục Khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng nhằm tạo ra động lực thu hút hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Lâm Đồng.

Về vấn đề giống hoa, mặc dù hoa Đà Lạt đã gặt hái nhiều thành công với sự chuyển giao công nghệ và giống mới của các công ty nước ngoài như Hasfarm, Apollo…, song để nâng cao chất lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu thì việc tiếp cận giống mới phải liên tục, thường xuyên. Nhưng theo ông Sơn: “Cả tỉnh có trên 50 cơ sở nuôi cấy mô nhưng rất thiếu thông tin về bản quyền giống như loại giống nào còn bản quyền, loại giống nào hết bản quyền. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất giống cũng còn thiếu và nhân lực trình độ thấp còn nhiều trong khi giống là khâu then chốt”.

Để nâng cao chất lượng giống hoa cho các vùng trồng hoa cả nước, Việt Nam đang tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của Hà Lan trong việc trao đổi chuyên gia và đẩy nhanh việc thương mại hóa giống và công nghệ. Riêng TP. Đà Lạt, đã chính thức đề nghị sự giúp đỡ của Hà Lan trong vấn đề bản quyền, nhân giống, trước mắt là đối với hoa hồng và hoa tuy líp.

Việc tiến hành các hoạt động chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp dựa trên công nghệ cao không chỉ nhằm phục vụ mục đích xuất khẩu mà còn tạo ra năng lực công nghệ, chuyển đổi cơ cấu công nông nghiệp và dịch vụ của tỉnh Lâm Đồng.

Với những động thái tích cực trên, hy vọng sản xuất, xuất khẩu rau, hoa quả của Đà Lạt sẽ hóa giải được những vấn đề khó để tiếp tục giữ vững “ngôi vương”, là ngành mang lại lợi nhuận cao, góp phần tạo ra sự đa dạng cho nông sản Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Lâm Phong

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/tiep-suc-cho-rau-hoa-qua-da-lat_t77c440n38116tn.aspx