Tiếp thị 'bẩn' và bi kịch nam giới ngực to như phụ nữ

Eddie Bible chịu chứng rối loạn lưỡng cực, căng thẳng và đã dùng thuốc Risperdal. Thuốc hỗ trợ tốt cho tinh thần Eddie nhưng em phát hiện, ngực mình ngày càng phát triển, to hơn cả bạn nữ cùng trường.

CNN ngày 21/12 lật lại hồ sơ về chiêu kinh doanh, tiếp thị sản phẩm thiếu trung thực của công ty dược phẩm Johnson & Johnson (Mỹ). CNN tìm đến Eddie Bible, một trong khoảng 13.000 nạn nhân chịu tác dụng phụ sau khi dùng thuốc loạn thần Risperdal của hãng này và đang trong quá trình kiện Johnson & Johnson.

13 năm trước, Eddie Bible ở tuổi 13 từng chịu chứng rối loạn lưỡng cực (vui hoặc buồn tột độ), căng thẳng và đã dùng thuốc Risperdal. Thời điểm ấy, thuốc hỗ trợ tốt cho tinh thần Eddie nhưng em phát hiện song song đó, ngực mình ngày càng phát triển, to hơn cả bạn nữ cùng trường. Điều này khiến Eddie xấu hổ, không muốn gặp ai.

Gia đình Eddie sau đó cho em phẫu thuật cắt bỏ phần cơ thể “từ trên trời rơi xuống”. Hiện gia đình Eddie đã thuê luật sư kiện Johnson & Johnson. Mục đích của Eddie không chỉ đòi bồi thường vì với chàng trai này, không gì bù đắp được quá khứ đầy áp lực, cũng như vết sẹo từ phẫu thuật cắt bỏ ngực.

Ảnh chụp ngực của một thanh niên trước và sau khi dùng thuốc Risperdal - ẢNH: RISPERDAL-ATTORNEY

Thậm chí, Eddie cho rằng hậu quả mình phải nhận từ thuốc Risperdal còn tệ hại hơn việc đối mặt với chứng bệnh tâm lý trước đó. Nếu 13.000 nạn nhân đều khởi kiện như Eddie thì đây là đòn đau với Johnson & Johnson thời gian tới. Chỉ tính riêng tòa án Los Angeles và Philadelphia, số đơn kiện tiếp nhận là hơn 2.000.

Một trường hợp khác là Arturo Carino, uống Risperdal ở tuổi dậy thì làm bầu ngực ngày càng to căng, gây nhức. Bạn bè trêu chọc đến mức em bỏ học giữa chừng và hiện phải sống khổ sở cùng nỗi mặc cảm hình thể bất thường. Gia đình không đủ tiền cho em phẫu thuật cắt bỏ phần ngực nhô to.

Tháng 11/2013, hãng dược Johnson & Johnson đồng ý mức chi khoảng 2,2 tỷ USD bao gồm tiền phạt 485 triệu USD và khoản bồi thường dân sự 1,72 tỷ USD cho các cơ quan liên bang và tiểu bang liên quan vụ tiếp thị quảng bá ba loại thuốc (thuốc chống loạn thần Risperdal, Invega, và thuốc trị đau tim Natrecor) chưa được cơ quan chức năng công nhận.

Các nhà điều tra cáo buộc Johnson & Johnson thông qua công ty con Janssen dùng chiêu trò để thực hiện chiến dịch tiếp thị thuốc Risperdal. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép năm 1993 và bán cho bệnh nhân bị tâm thần phân liệt từ năm 1994. Vậy nhưng Risperdal đã đến tận tay trẻ để điều trị nhiều chứng rối loạn thần kinh, tâm lý cho các em! Johnson & Johnson phủ nhận tiếp thị, quảng cáo trực tiếp đến các đại lý bán hàng và cho rằng chính đại lý tự ý nhắm đến đối tượng trẻ em.

Mức tiền 2,2 tỷ USD Johnson & Johnson phải bỏ ra dù là một trong những khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử ngành dược Mỹ nhưng không thể bồi thường đến tất cả nạn nhân, giúp họ thoát khỏi ánh mắt soi mói của người xung quanh về bộ ngực quá khổ “mọc” trên cơ thể nam giới.

Anh Thông (Theo CNN, Washington Post, Sanders Firm)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/tiep-thi-ban-va-bi-kich-nam-gioi-nguc-to-nhu-phu-nu-90464/