Tiếp tục bảo vệ động vật rừng

Gần đây, các ban, ngành chức năng địa phương có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong bảo vệ, ngăn chặn hành vi xâm hại động vật rừng (ĐVR)…

Hành trình đưa những loài chim, thú sống hoang dã về môi trường thiên nhiên

Từ 5 - 7 năm trước nhiều điểm kinh doanh, mua bán ĐVR không khó để bắt gặp ở dọc các tuyến đường chính, “huyết mạch” từ vùng núi về đồng bằng, thành phố hay tại một số nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng. Thế nhưng hiện nay tình trạng đó dường như đã vắng hẳn.

Có được kết quả trên là nhờ cơ quan chức năng quan tâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ ĐVR; cũng như tạo điều kiện trong việc đăng ký gây nuôi và ngăn cấm việc săn bắt, giết mổ, mua bán ĐVR trái quy định. Qua đó đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế hộ, giảm sức ép trong việc săn bắt, bẫy các loài thú rừng.

Hiện, lực lượng kiểm lâm đang hỗ trợ quản lý hơn 50 trại nuôi ĐVHD thông thường với hơn 1.600 cá thể. Trong đó từ năm 2018 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tiếp nhận hàng chục cá thể ĐVR do người dân giao nộp, cứu hộ, thả lại môi trường tự nhiên. Trong đó có một số loài nguy cấp, quý hiếm, như: Culi nhỏ, bồ nông chân hồng, khỉ mặt đỏ, cầy vòi hương, kỳ đà vân…

Mới đây vào ngày 26/10, bà Lê Thị Bích Thủy (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) tự nguyện giao nộp cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung cho Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy. Trước đó, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy cũng tiếp nhận 1 cá thể khỉ vàng và 1 cá thể trăn đất, đều là ĐVR nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB do người dân trên địa bàn phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy) tự nguyện giao nộp.

Cùng với người dân thị xã Hương Thủy, gần đây nhiều người dân ở huyện Nam Đông, Phú Vang… cũng tự nguyện giao nộp nhiều ĐVR nguy cấp, quý, hiếm cho lực lượng kiểm lâm để cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Tiếp tục bảo vệ ĐVR là phương châm xuyên suốt của ban, ngành chức năng địa phương; trong đó nòng cốt vẫn là Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nhưng trọng tâm vẫn đẩy mạnh truyền thông hướng đến cộng đồng, như: tổ chức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Bên cạnh truyền thông, lực lượng kiểm lâm kết hợp tổ chức các đợt truy quét chống buôn bán, săn bắt ĐVR và tổ chức ký cam kết bảo vệ ĐVR với các nhà hàng, cơ sở ăn uống ở địa phương.

Theo tìm hiểu quy luật sinh thái, các loài ĐVR có những giới hạn về số lượng để duy trì quần xã của chúng. Nếu phát triển quá mức có thể gây ra cạnh tranh thức ăn, giống cái và dẫn đến sự suy giảm. Ngược lại, nếu khai thác quá mức, số lượng cá thể còn lại không đủ để duy trì sự tồn tại của các loài trong hệ sinh thái.

Qua hoạt động giám sát đa dạng sinh học, cơ quan kiểm lâm, các khu bảo tồn đều nhận thấy, do tác động, tập quán của con người và sự thay đổi của thiên nhiên đã làm hệ sinh thái động, thực vật rừng trên địa bàn cũng như trong hệ vùng rừng Trung Trường Sơn suy giảm, thậm chí nhiều loài đã biến mất trong tự nhiên. Do đó ngành chức năng tiếp tục không chỉ quản lý bảo vệ mà còn tăng cường giám sát, ghi nhận sự xuất hiện và sinh sống của các loài quý, hiếm; cứu hộ, tái thả chúng về môi trường tự nhiên khi bị mắc bẫy, trao đổi mua bán trái phép…

MINH HOÀI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/tiep-tuc-bao-ve-dong-vat-rung-134506.html