Tiếp tục đổi mới công tác học tập, quán triệt nghị quyết trong Đảng bộ Khối các CQTW

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu giúp Trung ương xây dựng, cụ thể hóa và trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hoạt động của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan Trung ương có ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị và sự phát triển của đất nước. Do đó, công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các cơ quan Trung ương là đặc biệt quan trọng. Việc thường xuyên đổi mới phương thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong các cơ quan Trung ương cho phù hợp với tính chất, đặc thù là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng ở các cơ quan Trung ương.
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt
và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII. Ảnh TH
Công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương thời gian qua đã có những chuyển biến rất rõ rệt. Cách thức truyền đạt, quản lý chất lượng học tập, đa dạng hóa loại hình tổ chức lớp học, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy, học tập đã được chú trọng. Bên cạnh đó, nhiều hội thảo, tọa đàm về đổi mới phương thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ được tổ chức đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên vào việc học tập lý luận nói chung, nghị quyết của Đảng nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo đánh giá của nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm và thực tế tổ chức thực hiện, công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, nhìn chung, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương chưa quan tâm đúng mức và có sự đầu tư thỏa đáng cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ở các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Nói cách khác là chưa nhận thức một cách đầy đủ về trách nhiệm của mình, có nơi còn “khoán trắng” cho hệ thống tuyên giáo của cấp ủy.
Thứ hai, một số cấp ủy còn chủ quan cho rằng, những vấn đề được nêu trong nghị quyết của Đảng do chính cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ mình tham mưu nên có tư tưởng coi nhẹ việc tổ chức học tập, quán triệt; chưa có sự sáng tạo mang tính đột phá để đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện.

Thứ ba, tính tuyên truyền, giáo dục trong việc học tập, quán triệt không những thiếu sự thiết thực và sát hợp với thực tế mà còn có phần khiên cưỡng, áp đặt và chưa thực sự thuyết phục; trọng tâm, trọng điểm quán triệt thiếu đi sự cụ thể, sâu sắc, chưa thực sự “thấm” vào lòng mỗi người.
Thứ tư, Bí thư cấp ủy ít trực tiếp làm báo cáo viên tại đảng bộ, chi bộ mình. Hầu hết, cấp ủy các cấp mời báo cáo viên cấp trên. Việc báo cáo nội dung của nghị quyết còn dàn trải, thiếu các minh họa cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề cũng như gắn với trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị mình sau học tập nghị quyết.
Thứ năm, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sau học tập, nhất là phần liên hệ thực tiễn cơ quan, đơn vị còn bị buông lỏng, nhất là ở chi bộ đảng.
Để góp phần đổi mới công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương phù hợp với tính chất, đặc thù trong điều kiện mới, thiết nghĩ, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần nghiên cứu và tiếp tục cụ thể hóa một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp, nhất là bí thư cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, trước hết là nâng cao nhận thức của cấp ủy và bí thư cấp ủy các cấp. Trong đó, cấp ủy và bí thư cấp ủy phải nắm bắt sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nêu trong mỗi nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước; xây dựng và thường xuyên củng cố tổ chức đảng để thực sự là hạt nhân chính trị; xây dựng bộ máy tham mưu, giúp việc, nhất là bộ máy tuyên giáo của cấp ủy thực sự chuyên nghiệp; dành thời gian cần thiết cho công tác đảng. Vận dụng nhuần nhuyễn công tác đảng với công tác chuyên môn thuần túy, làm sao để cho mọi cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ thấy rằng, công tác đảng nói chung, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận của đảng nói riêng là thực sự cần thiết, là công cụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mỗi người chứ không phải là một cái gì đó xa vời với hiện thực. Có cơ chế cụ thể, rõ ràng quy định trách nhiệm của từng cấp ủy viên trên cơ sở nhiệm vụ được ban chấp hành đảng bộ, chi bộ phân công; có biện pháp biểu dương và phê bình kịp thời cấp ủy viên và bí thư cấp ủy thực hiện tốt và chưa tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy viên và bí thư cấp ủy chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phải có kế hoạch khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém trong chỉ đạo, lãnh đạo ngay sau các kết luận kiểm tra, giám sát.
Hai là, cần đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy đảng cần phải đổi mới phương pháp, cách thức ban hành văn bản chỉ đạo. Xây dựng và ban hành một mẫu văn bản chỉ đạo, có tính chất quy định chung, hướng dẫn cấp ủy các cấp về phương pháp, cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; đối tượng, thành phần, thời gian, tài liệu học tập; báo cáo viên; công tác kiểm tra, giám sát… Đăng tải thông tin về nội dung, thời gian, địa điểm học tập, quán triệt nghị quyết (các lớp do cấp ủy trực tiếp tổ chức) trên các phương tiện thông tin của cơ quan. Lấy nội dung công tác thông tin báo cáo là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại quan trọng hàng đầu đối với tổ chức cơ sở đảng hằng năm.

Ba là, đổi mới phương pháp tổ chức nghiên cứu, quán triệt. Áp dụng phổ biến công nghệ thông tin, truyền thông vào việc tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết.
Bốn là, đổi mới công tác quản lý các lớp học. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc thống kê, tập hợp danh sách các đối tượng học tập, trực tiếp quản lý học viên trên lớp. Tổ chức điểm danh thường xuyên sĩ số lớp học bằng hình thức xin ý kiến học viên góp ý vào nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức lớp học. Thông báo công khai cho cấp ủy cơ sở tình hình học tập của học viên, lấy kết quả học tập để đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Thường xuyên kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên việc chấp hành nội quy, quy định học tập ở các lớp học nghị quyết. Kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong học tập nghị quyết. Biểu dương kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt, góp ý, phê bình những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc khi học nghị quyết.
Năm là, tăng cường tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết ở chi bộ. Theo đó, những nghị quyết của Đảng yêu cầu phổ biến đến chi bộ, cấp ủy, bí thư chi bộ có trách nhiệm tổ chức quán triệt đầy đủ cho cán bộ, đảng viên bằng các hình thức phù hợp. Cần thiết, tổ chức sinh hoạt chi bộ chuyên đề về nội dung nghị quyết, phân công cấp ủy viên chuẩn bị tài liệu học tập hoặc phân công từng đảng viên chuẩn bị chuyên đề báo cáo tại chi bộ, đồng thời kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập, quán triệt của đảng viên bằng bài thu hoạch. Đối với những nội dung nghị quyết liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu, cấp ủy các cấp, nhất là ở chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, cần thiết thì tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia tham dự, cùng thảo luận.

Sáu là, tăng cường đối thoại và thảo luận. Trong đó, cần tăng cường đối thoại về các nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể; khắc phục lối truyền đạt một chiều; có thái độ kiên quyết đối với những nơi làm hình thức, không hiệu quả. Tăng cường đối thoại, thảo luận các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn, nhất là mở rộng dân chủ trong đối thoại, trao đổi, thảo luận, góp ý dự thảo chương trình hành động của cấp ủy thực hiện nghị quyết của Đảng. Xác định tốt đầu mối chủ trì, tổ chức thực hiện nghị quyết luôn bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi nghị quyết. Vì vậy, trong phân công tổ chức thực hiện cần quan tâm đến chuyên môn, nghiệp vụ từng ngành, từng lĩnh vực, sở trường của mỗi cán bộ, đảng viên. Làm tốt điều đó sẽ giải quyết được “tính chung chung” của chương trình hành động, khắc phục được nhược điểm cơ bản như đề cập ở trên là học kiểu “dàn hàng ngang”, nghĩa là, cái gì cũng được học, được quán triệt nhưng khi vận dụng vào việc cụ thể thì không biết phải thực hiện thế nào.
Bảy là, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp. Các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống báo cáo viên các cấp, bảo đảm về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và quần chúng; đồng thời, nghiên cứu ban hành quy chế, quy định về hoạt động của đội ngũ này. Định kỳ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ báo cáo viên.
Tám là, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí khung để đánh giá chất lượng học tập của cán bộ, đảng viên sau mỗi đợt học tập, quán triệt. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra chất lượng người học bằng hình thức viết bài thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên sau học tập. Lấy kết quả công tác kiểm tra, giám sát là cơ sở để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm.

Nguồn: dangcongsan.vn

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/tin-bo-cong-thuong/tiep-tuc-doi-moi-cong-tac-hoc-tap-quan-triet-nghi-quyet-trong-dang-bo-khoi-cac-cqtw-676885.html