Tiếp tục hé lộ mảng tối trong đào tạo tiến sĩ

(BVPL)-Trong khi dư luận cả nước chưa kịp lắng xuống sau nghi án một vị PGS giữ chức trưởng một bộ môn của ĐH Y dược Thái Nguyên đồng ý giúp đỡ một người chuyên buôn gỗ lấy được tấm bằng tiến sĩ y khoa với “chi phí bồi dưỡng” 200 triệu đồng thì mới đây cũng tại ngôi trường này tiếp tục xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong công tác đào tạo tiến sĩ. Dấu hiệu tiêu cực đã không dừng lại ở cá nhân một vị PGS như dư luận từng dậy sóng mà cả mảng tối trong công tác đào tạo tiến sĩ của trường ĐH y dược Thái Nguyên cần được Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm thanh tra làm rõ.

(BVPL)-Trong khi dư luận cả nước chưa kịp lắng xuống sau nghi án một vị PGS giữ chức trưởng một bộ môn của ĐH Y dược Thái Nguyên đồng ý giúp đỡ một người chuyên buôn gỗ lấy được tấm bằng tiến sĩ y khoa với “chi phí bồi dưỡng” 200 triệu đồng thì mới đây cũng tại ngôi trường này tiếp tục xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong công tác đào tạo tiến sĩ. Dấu hiệu tiêu cực đã không dừng lại ở cá nhân một vị PGS như dư luận từng dậy sóng mà cả mảng tối trong công tác đào tạo tiến sĩ của trường ĐH y dược Thái Nguyên cần được Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm thanh tra làm rõ.

“Phản biện kín” hay hở?

Trong những ngày qua, các giảng viên, nghiên cứu sinh(NCS) tại Đại học Y – Dược Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) đang xôn xao cho rằng, trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, NCS Phạm Mạnh Công (Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quang Bình, Hà Giang) đã được “tiết lộ” danh tính hai “phản biện kín” (phản biện độc lập) đối với luận án của mình.

Anh Nguyễn Minh Hưng đang trình bày với PV báo BVPL.

Đáng lưu ý, trước khi buổi bảo vệ luận án của NCS Phạm Mạnh Công diễn ra vào sáng ngày 24/6 cả ngôi trường này xôn xao việc để lộ danh tính các “phản biện kín” đề tài của NCS Phạm Mạnh Công là một PGS.TS đang công tác tại Viện Tai Mũi Họng Trung ương và một PGS.TS khác đang công tác tại Đại học Y Hà Nội. Với việc vi phạm nghiêm trọng quy định bảo mật thông tin người phản biện như vậy nhưng thay vì việc phải hủy bỏ buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS nêu trên thì lãnh đạo trường ĐH Y dược Thái Nguyên vẫn cho tiến hành buổi bảo vệ luận án tiến sỹ cho NCS bình thường và cho kết quả “thành công tốt đẹp”?!

Theo xác minh của Pv, theo quy định hiện hành thì danh tính những người phản biện này là tài liệu mật, chỉ có Hiệu trưởng và Trưởng phòng đào tạo của trường ĐH y dược Thái Nguyên mới được biết. Vậy việc để lộ danh tính người “phản biện kín” cho NCS Phạm Mạnh Công biết rõ ràng trách nhiệm này Hiệu trưởng và Trưởng phòng đạo ĐH y dược Thái nguyên không thể chối bỏ trách nhiệm.

Không chỉ dừng lại ở trường hợp NCS Phạm Mạnh Công, trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, anh Nguyễn Minh Hưng (cán bộ trường ĐH Y dược Thái Nguyên) còn tố cáo trường hợp bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS Chu Hồng Thắng. Trong trường hợp này, ông Trịnh Văn Hùng- trưởng phòng đào tạo ĐH Y dược Thái Nguyên là người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho NCS Chu Hồng Thắng nhưng lại được sắp xếp là người trực tiếp thực hiện quy trình phản biện kín, là người gửi thư mời 02 người “phản biện kín” cho đề tài của NCS Chu Hồng Thắng là GS-TS Trần Quốc Kham (Bộ Y tế) và PGS-TS Nguyễn Thị Bạch Yến (Viện Tim mạch Quốc gia). Trong trường hợp này trường ĐH y dược Thái Nguyên không chỉ để lộ danh tính người “phản biện kín” mà còn thực hiện quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Chu Hồng Thắng theo “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi mà ông Hùng vừa là người hướng dẫn vừa là người đi mời 02 nhà “phản biện kín” cho đề tài của NCS Chu Hồng Thắng.

Dư luận cho rằng, Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và hiện tại là Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Theo các văn bản trên, thì NCS Phạm Mạnh Công và NCS Chu Hồng Thắng đơn vị đào tạo (ở đây là ĐH Y - Dược Thái Nguyên), người hướng dẫn thuộc đối tượng được áp dụng theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Quy định nêu rõ, các đối tượng này không được phép biết danh tính của người phản biện kín độc lập trước, trong và sau khi bảo vệ chính thức của NCS.

Sở dĩ, Bộ GD&ĐT phải ban hành các quy phạm nghiêm ngặt trong đào tạo tiến sĩ là bởi muốn đạo tạo nên những con người tài năng thực chất, đánh giá khách quan, công bằng, trung thực chứ không phải “mua bằng” bằng cách “quan hệ”.

Trái quy định luân chuyển công tác cán bộ?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga giữ chức vụ Kế toán trưởng Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên từ năm 2006 (nhiệm kỳ 2004 - 2009).Tiếp đó, đến ngày 6/5/2009, Giám đốc Đại học Thái Nguyên có quyết định số 509/QĐ-ĐHTN về việc tiếp tục bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Kế toán trưởng Trường Đại học Y - Dược, giữ chức vụ Kế toán trưởng Trường Đại học Y - Dược, nhiệm kỳ 2009 – 2014.Sau khi kết thúc nhiệm kỳ trên, bà Nga tiếp tục được “ưu ái” bằng Quyết định số 1617/QĐ-ĐHTN ngày 3/8/2015 của Đại học Thái Nguyên.

Theo quyết định số 1617/QĐ-ĐHTN về việc bổ nhiệm lại Kế toán trưởng do Hiệu trưởng Đặng Kim Vui ký, ghi rõ: “Bổ nhiệm lại bà Nguyễn Thị Hằng Nga chức vụ kế toán trưởng Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2014-2019. Lương và các khoản phụ cấp của bà Nguyễn Thị Hằng Nga được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.

Như vậy, nếu tính từ thời điểm được bổ nhiệm giữ chức vụ Kế toán trưởng (năm 2006), đến nay bà Nga đã có thời gian trên 10 năm công tác tại vị trí Kế toán trưởng.

Đặc biệt, sau khi hết nhiệm kỳ 2009-2014, nhưng phải đến tận 8/2015, bà Nga mới được bổ nhiệm lại. Như vậy từ năm 2014 đến tháng 8/2015, trên thực tế trường Đại học Y - Dược không có Kế toán trưởng?

Theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi gồm: Hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước; Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hoạt động hải quan, thuế, kho bạc, dự trữ quốc gia; quản lý và thực hiện nghiệp vụ kế toán, kiểm toán;...

Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 03 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Cũng theo Nghị định số 150/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 158 thì “Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là từ 2 năm (đủ 24 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) theo đặc thù từng ngành, lĩnh vực.”

Còn theo Quyết định số 3188/QĐ-ĐHTN của Đại học Thái Nguyên, cán bộ quản lý đủ 2 nhiệm kỳ liên tục (10 năm) cần phải luân chuyển, miễn nhiệm.

Các quy định của pháp luật hiện hành đã rõ mười mươi nhưng không hiểu vì động cơ gì mà ĐH Thái nguyên làm trái quy định trong công tác luân chuyển cán bộ?!

Được biết, trong một trường hợp tương tự như trường hợp của bà Nga, khi báo chí phản ánh,Trường ĐH Thái nguyên đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ đối với vị trí Kế toán trưởng của một Trung tâm trực thuộc Đại học Thái Nguyên.

Cán bộ này được điều động về công tác tại Khối cơ quan Đại học Thái Nguyên. Đồng thời, nhà trường cũng đã điều động một cán bộ Văn phòng Đại học Thái Nguyên về công tác tại Trung tâm.

Phải chăng bà Nga là trường hợp “ngoại lệ” của quy định của pháp luật? Câu hỏi này xin gửi đến GĐ ĐH Thái Nguyên?

Được biết, hôm nay () đoàn công tác của ĐH Thái Nguyên sẽ về trường ĐH Y dược Thái Nguyên kiểm tra làm rõ khuất tất nêu trên. Báo Bảo vệ pháp luật sẽ thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo vụ việc này

Hữu Bắc

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kiem-sat/201707/dai-hoc-y-duoc-dh-thai-nguyen-tiep-tuc-he-lo-mang-toi-trong-dao-tao-tien-si-2562626/