Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội

- Kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 20-10.

- Thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Ngày 16-10, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp 25, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII và dự án Luật An toàn thực phẩm. Bổ sung nhiều nội dung mới trong kỳ họp Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và nhiệm kỳ khóa XII, với việc xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại kỳ họp này; chưa trình Quốc hội thông qua dự án Luật Cơ yếu cũng như cho ý kiến dự án Luật Biển Việt Nam và dự án Luật Tiếp cận thông tin theo chương trình đã thông qua trước đây. Báo cáo bổ sung nội dung, chương trình và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 sắp tới, nêu rõ: Kỳ họp khai mạc ngày 20-10, dự kiến kết thúc ngày 27-11, trong đó làm việc 3 trong số 5 ngày thứ bảy. Là kỳ họp cuối năm, cùng với những nội dung thường kỳ, có những nội dung cùng hình thức mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Sẽ đề nghị Quốc hội giữ thời gian thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 2 ngày; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội 2,5 ngày. Tùy tình hình, yêu cầu cụ thể, Quốc hội có thể ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong trường hợp có chất vấn cần làm rõ, giao cho Ủy ban thường vụ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp định kỳ hằng tháng. Các dự án luật cho ý kiến sẽ theo nguyên tắc chung là 1 ngày với 1 dự án, nửa ngày thảo luận ở tổ, nửa ngày thảo luận ở hội trường. Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là vấn đề rất quan trọng, nên dành thời gian thảo luận ở tổ trước khi thảo luận ở hội trường. Một điểm mới tại kỳ họp là thảo luận báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2009. Đã qua nửa nhiệm kỳ, cần được đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém cùng nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ nâng cao chất lượng từ nay đến hết nhiệm kỳ. Văn phòng Quốc hội đã đấu thầu rộng rãi mua 458 máy tính xách tay cho đại biểu Quốc hội. Dự kiến sẽ được bàn giao, hướng dẫn đại biểu sử dụng vào ngoài giờ trong tuần đầu của kỳ họp. Các đại biểu sẽ sử dụng mạng không dây, thư điện tử, phần mềm gửi và nhận tài liệu, khai thác dữ liệu về hồ sơ đại biểu Quốc hội khóa XII. Việc thí điểm gửi tài liệu điện tử tới đại biểu được thực hiện ngay trong kỳ họp này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý nâng cao chất lượng thảo luận tổ, chọn các nội dung thảo luận tại hội trường. Bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm Theo Tờ trình của Chính phủ thì sau 6 năm thực thi Pháp lệnh Vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn nhiều bất cập, như: Cùng một vấn đề mà có quá nhiều văn bản điều chỉnh (có tới 134 văn bản của các ngành, các cấp) nên có sự chồng chéo, trùng lắp và vấn đề mới nảy sinh lại chưa có văn bản quy định; các khái niệm an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sự phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành chưa rõ ràng; nhiều quy định mới chỉ dừng ở nguyên tắc, quy định về thanh tra chưa đồng nhất với pháp luật thanh tra; thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phương thức quản lý hàng hóa không còn phù hợp; các nội dung quản lý nguy cơ, ngăn chặn và khắc phục sự cố, truy nguyên nguồn gốc thực phẩm... chưa được quy định. Do đó, cần được nghiên cứu, bổ sung nâng lên thành Luật An toàn thực phẩm. Dự thảo Luật gồm 11 chương, 62 điều, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau. Về quản lý nhà nước, Chính phủ đề nghị quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế giúp Chính phủ thực hiện việc quản lý đó và chịu trách nhiệm về an toàn của thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân, các Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chính phủ. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị cần làm rõ hiệu quả của việc quản lý an toàn theo chuỗi thực phẩm, từ sản xuất, lưu thông đến bữa ăn của các gia đình. Về sản phẩm khai thác từ tự nhiên, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị dự thảo Luật cần điều chỉnh cả loại sản phẩm đó. Lý do là khái niệm thực phẩm bao hàm cả thực phẩm khai thác từ tự nhiên, ở nước ta việc đó lại phổ biến, sản lượng lớn, ngộ độc còn cao, pháp luật hiện hành chưa quy định loại thực phẩm này. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đồng tình với ý kiến đó và cho biết theo Liên minh châu Âu thì từ 1-1-2010 hải sản khai thác tự nhiên phải có nguồn gốc rõ ràng. Như vậy cũng để chúng ta quản lý tốt hơn các loại thực phẩm. Có ý kiến đề nghị quy định các điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nếu đủ thì cấp giấy phép. Nhưng một số ý kiến cho rằng trong 4 năm 2004-2008, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện như thế chỉ đạt 11,6%, nên nếu quy định như vậy sẽ gây khó khãn, ách tắc cho sản xuất, kinh doanh. Do đó việc quản lý nên theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Chỉ với thực phẩm có nguy cơ cao như thịt, rau quả tươi sống, sữa, thủy sản... thì mới cần giấy phép hoạt động, trong đó có điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Thu Ba thì cần có lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, chế tài xử lý vi phạm cần đủ sức răn đe và quy định ở một chương riêng trong dự thảo Luật. VIỆT ÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/92304/Default.aspx