Tiếp tục tạm trữ và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường

Tiếp nối những khó khăn của 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục bước vào một năm mới đầy thách thức do cung dồi dào nhưng lại thiếu cầu. Các thị trường truyền thống như Philippines và Malaysia thiếu chắc chắn, thị trường mới chưa tìm kiếm được bao nhiêu. Cùng với đó, sức ép “xả hàng” 20 triệu tấn gạo của Thái Lan để trả nợ cho nông dân nước này cũng gây sức ép cạnh tranh, giảm giá lên gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm câu hỏi: “Bán đi đâu”?

Theo Bộ NN & PTNT, dự kiến sản lượng lương thực 4 tháng đầu năm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng gần 12 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 5,75 triệu tấn quy gạo. Cộng với tồn kho của các DN là khoảng hơn 400 nghìn tấn, thì nguồn cung sẽ khoảng 6,2 triệu tấn gạo. Sau khi cân đối tiêu dùng trong nước cộng với sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm khoảng 1,34 triệu tấn, hiện tính toán lượng gạo còn lại khoảng 3,56 triệu tấn.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam chịu sự “đe dọa” khá lớn từ đối thủ truyền thống Thái Lan, khi Chính phủ nước này đã tuyên bố chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo do ngân sách không chịu nổi và đang có một kho hàng 20 triệu tấn cần xả gấp để lấy tiền trả nợ cho nông dân.

Xuất khẩu lúa gạo lại được dự báo thêm một năm khó khăn. Ảnh: C.T.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nước này đã chào bán được 220 nghìn tấn gạo theo hình thức đấu giá với giá rất cạnh tranh ở mức khoảng 400 USD/tấn với gạo 5% tấm. Trước tình hình đó, giá gạo Việt Nam cũng đang trong xu hướng giảm để cạnh tranh. Cụ thể, gạo 5% tấm giảm 2,5%, còn 400 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm còn 375 USD/tấn; gạo Jasmine giảm xuống mức 535 USD/tấn. Do đó, giá gạo trong nước cũng có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 100 đồng/kg.

Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Tuần trước ông có tham gia đoàn công tác cùng Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát vào đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo 2 bộ đã nhất trí rằng nếu trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì, thì bây giờ còn phải lưu ý đến việc bán đi đâu. Việc Thái Lan chấm dứt chương trình trợ cấp lúa gạo cho nông dân và đang tìm cách xả kho gạo đã đầy của mình nhất định sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta vẫn đang loay hoay với các chính sách tăng giá trị xuất khẩu, tránh cảnh được mùa, rớt giá cho nông dân.

Vẫn loay hoay chính sách

Trước nhiều sức ép dự kiến sẽ ảnh hưởng đến người nông dân trong nước, ngày 3/3, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Hiện thị trường xuất khẩu lúa gạo đúng là đang có rất nhiều yếu tố cạnh tranh, trong đó đáng lo nhất là Thái Lan. Tuy nhiên, tín hiệu xả hàng của nước này chưa rõ ràng và hiện giá gạo của họ vẫn hơi nhỉnh hơn so với giá gạo Việt Nam. Hai thị trường cạnh tranh khác là Ấn Độ (trong 2 năm gần đây đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu gạo số 1 thế giới) và Pakistan thì xuất khẩu loại gạo khác với Việt Nam, nên không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Myanmar và Campuchia được xếp vào hàng đối thủ tiềm năng, hiện vẫn chưa xuất khẩu lớn, nhưng trong tương lai sẽ là mối đe dọa đáng kể.

Để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường xuất khẩu, hiện Bộ Công Thương đã hoàn thiện quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo nhằm lựa chọn những nhà xuất khẩu có uy tín, tập trung xúc tiến thương mại với nguồn kinh phí dành cho gạo lớn nhất trong các mặt hàng nông sản; đồng thời tìm kiếm những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Về phía Chính phủ, chúng ta cũng đã ký thỏa thuận với Philippines, Indonesia và hiện đang tìm kiếm thêm một số thị trường châu Phi. Với sự đảm bảo giữa các Chính phủ sẽ giúp các DN thuận lợi hơn trong việc trao đổi thương mại. Ngoài ra, Bộ cũng đã yêu cầu DN xuất khẩu theo dõi sát diễn biến thị trường để có ứng phó kịp thời. Được biết dù có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến chính sách tạm trữ lúa gạo, nhưng năm nay chúng ta vẫn sẽ triển khai tạm trữ khoảng 1 triệu tấn để kéo giá gạo trong nước lên.

Nếu có hiện tượng thương lái Trung Quốc
mua gom gạo cũng không đáng lo

Liên quan đến thị trường Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam và thông tin thương lái nước này mua gom gạo tại biên giới, ông Trần Thanh Hải cho biết: Năm 2013, Trung Quốc nhập khẩu 2,1 triệu tấn gạo Việt Nam, trị giá 1 tỷ USD; chiếm đến 1/3 tổng lượng xuất khẩu của cả nước (6,59 triệu tấn). Tuy nhiên, sang năm nay lượng xuất khẩu đã chững hẳn lại khi tháng 1 mới xuất được khoảng 65 nghìn tấn. Điều này cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc không phải là dễ dàng. “Nếu có chuyện thu gom, thì về một khía cạnh nào đó cũng là tín hiệu mừng, đẩy mạnh bán ra, vì mặt hàng gạo hiện chúng ta không có bất cứ một chính sách hạn chế xuất khẩu nào”.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2014/3/224338.cand