Tiết kiệm nước sạch để ứng phó với nắng nóng kéo dài

Nắng nóng kéo dài, sản xuất công nghiệp phục hồi, nước ngầm nhiều nơi cạn kiệt và ô nhiễm là những nguyên nhân khiến nhu cầu nước sạch tăng. Trong điều kiện phát triển hạ tầng nước còn nhiều khó khăn, muốn có đủ nước sạch để sử dụng thì phải tiết kiệm nước.

Xử lý nước sạch tại Nhà máy Nước Thiện Tân. Ảnh:B.Mai

Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà còn góp phần làm chậm suy giảm trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước.

Nhu cầu tăng nhưng nguồn nước giảm

Thống kê của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai (Dowaco), quý I vừa qua, sản lượng tiêu thụ nước đạt gần 29,4 triệu m3, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do nắng nóng làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng khá, số lượng hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch tăng hơn 2,7 ngàn hộ.

Dowaco hiện là đơn vị cung ứng nước sạch lớn nhất tỉnh, chiếm khoảng 80%. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng, công ty đã thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành cũng như giảm tỷ lệ thất thoát nước. Cụ thể là phân vùng tách mạng, lắp đặt các van điều tiết áp lực trên mạng lưới cấp nước nhằm giảm áp lực vào giờ cao điểm; dò tìm ống bể để khắc phục nhanh, nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống mức thấp nhất có thể (hiện 17%, thấp hơn gần 3% so với năm 2021).

Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 23-11-2022 của Tỉnh ủy đặt mục tiêu năm 2025 có 95% hộ gia đình ở thành thị và 85% hộ gia đình ở nông thôn được dùng nước sạch; năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị và 87% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch.

Cũng theo Dowaco, do biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan nên từ Tết Nguyên đán đến nay, mực nước sông Đồng Nai xuống thấp, dự báo việc này còn kéo dài đến tháng 5-2024. Cũng vì mực nước tại vị trí bơm xuống thấp hơn mức an toàn nên trạm bơm nước thô của 2 nhà máy nước Thiện Tân và Nhơn Trạch có những thời điểm không thể vận hành, dẫn đến không đủ nước cung cấp. Công ty phải điều tiết áp lực từ các nhà máy để bổ sung nguồn nước sạch cho thành phố Biên Hòa.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng có đánh giá tương tự.

Ông Trần Ngọc Ánh, Phó giám đốc trung tâm, cho biết sản lượng nước, số hộ dùng nước ngày một gia tăng. Khó khăn hiện nay là nguồn nước ngầm tại một số trạm cấp nước sụt giảm, đơn vị quản lý vận hành trạm phải luân phiên thời gian bơm nước để đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức cho rằng, Đồng Nai có nguồn nước dồi dào nhưng phân bố không đều. Trước đây, việc khai thác nước ngầm không kiểm soát chặt chẽ, cộng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hoạt động của con người đã ảnh hưởng tiêu cực đến trữ lượng và chất lượng nước. Theo đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng sụt lún, cạn kiệt và khan hiếm nguồn nước ngầm. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngày càng nhiều khu vực bị ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Báo cáo kết quả quan trắc nước năm 2023 cho thấy, mùa khô năm 2023 (khoảng tháng 4, 5) mực nước ngầm giảm thấp hơn bình quân chung các năm trước. Chất lượng nước cũng suy giảm và xuất hiện nhiều khu vực mà hàm lượng dinh dưỡng, kim loại trong nước vượt quy chuẩn cho phép. Cụ thể là khu vực các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Xuân Lộc và thành phố Biên Hòa.

Cần tiết kiệm nước

Tại Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 mới diễn ra ngày 9-4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 50 ngàn hộ gia đình đang thiếu nước sạch, hàng ngàn hécta đất canh tác và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng vì nắng nóng và xâm nhập mặn. Vì vậy, các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước.

Tại Đồng Nai, tình trạng thiếu nước chưa nghiêm trọng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trước thực tế nhu cầu sử dụng gia tăng, nguồn nước sông giảm, Dowaco khuyến cáo cần phải tiết kiệm nước. Các lý do mà đơn vị đưa ra là: nguồn nước đầu nguồn giảm, nhu cầu sử dụng gia tăng và số hộ dân đăng ký mua nước mới tăng, từ nay đến tháng 6-2024 nắng nóng còn tiếp tục, sử dụng nước nhiều sẽ làm gia tăng chi phí tiền nước của khách hàng. Công ty cũng khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, kiểm tra thường xuyên để phát hiện rò rỉ nước và khắc phục, sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước, hạn chế dùng nước sạch tưới cây vào giờ cao điểm để ưu tiên nước cho sinh hoạt…

Liên quan đến quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025; Triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024; Kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 (ban hành đầu năm 2024)… Điểm chung ở các văn bản là phát triển hạ tầng và nguồn nước đáp ứng yêu cầu nước sạch cho các mục đích khác nhau; bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho tương lai.

Nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, bên cạnh tiết kiệm cần có các giải pháp cụ thể và thiết thực để đảm bảo an ninh nguồn nước như: mở rộng nguồn nước, phát triển hạ tầng đáp ứng đủ nước sạch cho phát triển kinh tế và sinh hoạt; kiểm soát và hạn chế thấp nhất gây ô nhiễm nguồn nước. Quan tâm, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng và quy hoạch, điều chỉnh giá bán nước, phân vùng cấp nước cũng như chính sách ưu đãi để thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/tiet-kiem-nuoc-sach-de-ung-pho-voi-nang-nong-keo-dai-0d55961/