Tiết lộ nguyên nhân UAE buộc Rafale phải đấu thầu

Ỷ lại các chính trị gia, tiêm kích Rafale đã bị dội gáo nước lạnh khi UAE quyết định mở thầu thay vì chỉ chọn tiêm kích này.

(ĐVO) Tưởng chừng Rafale sẽ thoát cảnh ế ẩm tại UAE, tuy nhiên đến phút cuối cùng, quốc gia này tuyên bố mở thầu và mời thêm 3 nhà thầu khác với 4 loại tiêm kích tham gia.

Đích thân Tổng thống Pháp và Thái tử Sheikh Mohamed bin Zayed, đã hội đàm về thương vụ. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng phía Pháp đã bị "dội gáo nước lạnh" khi Thái tử Zayed tuyên bố thẳng thừng: “Rafale hoàn toàn không khả thi”.

Tiêm kích Rafale cùng nhà sản xuất đang trả giá đắt khi ỷ lại vào sự ra tay của các chính trị gia trong các hợp đồng xuất khẩu tiềm năng.

Thái tử Zayed nói: "Cảm ơn Tổng thống Sarkozy đã tham gia vào quá trình đàm phán, tuy nhiên, ngoại giao hay chính trị không phải là cách để giải quyết các vấn đề của Rafale. Đáng tiếc, Dassault dường như không biết rằng ngoại giao hay chính trị trên thế giới không phải là một lựa chọn khả thi để cạnh tranh trong thương mại”.

Nhà chức trách UAE nhận thấy, việc đặt hàng Rafale như là một sự ủng hộ chính trị theo yêu cầu của Pháp hơn là một vụ mua bán sòng phẳng. Tuy nhiên, “Dassault luôn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”, thái tử UAE nói thêm. Tập đoàn Dassault chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về vấn đề này.

Nguồn tin quốc phòng UAE cho biết “giá của Rafale là quá vô lý”, khoảng 70 triệu Euro theo đơn giá của năm 2008, lên đến 163 triệu Euro với đơn giá năm 2010.

Nếu đem so với đơn giá của các tiêm kích có tính năng tương đương như, EF-2000 Typhoon (125 triệu Euro), F/A-18 E/F Super Hornet của Mỹ (55 triệu USD), Su-30 của Nga (45 triệu USD), giá mà Dassault đưa ra quả là khó chấp nhận được. Bên cạnh đó, Dassault không thể chứng minh được các đặc tính kỹ thuật vượt trội với mức giá 163 triệu Euro/chiếc.

Đại diện của UAE tham gia các cuộc đàm phán cho biết: “Đó không phải là một đề nghị, đó là một sự thúc đẩy mua hàng mang đậm màu sắc chính trị”.

Do đó, UAE quyết định mời EF-2000 Typhoon của Eurofighter, F-15, F/A-18 của Boeing và F-16 của Lockheed Martin tham gia đấu thầu. Nguồn tin quốc phòng UAE tuyên bố: “Đây là một cuộc thi mở, sẽ mất vài tháng để thông qua việc cung cấp và so sánh các dữ liệu liên quan”.

Đây quả là quyết định khó chịu với một số quan chức UAE thân cận với Pháp. Dassault có thể đã phạm sai lầm khi ỷ vào chính giới mà quên mất một nguyên tắc cơ bản, giá cả, tính năng kỹ thuật là nhân tố quyết định trong đàm phán thương mại nói chung và thương mại quân sự nói riêng.

Quốc Việt (theo Defence News)

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/tiet-lo-nguyen-nhan-uae-buoc-rafale-phai-dau-thau/201111/178508.datviet