Tiêu hủy chó lang thang: Chỉ những loại mắc bệnh mới mang đi tiêu hủy!

Nhiều người nuôi chó cho rằng việc không phân hạng cân của chó để áp dụng luật rất dễ khiến nhiều chủ nuôi chó phản ứng lại đội làm nhiệm vụ. Chưa kể đến việc thời gian thực thi quá gấp gáp, không có thông báo cho người dân.

Ngay trước mốc thời gian 15/9/2017 là thời điểm Nghị định 90/2017/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, hoạt động ‘tiêu hủy chó lang thang’ càng thêm thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Về quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ mang đi tiêu hủy, Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết không phải tất cả số chó, mèo không có người nhận sẽ bị mang đi tiêu hủy, chỉ những cá thể chó, mèo mắc bệnh mới bị mang đi tiêu hủy còn những cá thể bình thường sẽ được đưa về các tổ chức cứu hộ động vật để tiếp tục nuôi dưỡng.

Nhiều người cho rằng nên phân hạng cân để rọ mõm chó.

Nhiều người cho rằng nên phân hạng cân để rọ mõm chó.

Nhiều người ủng hộ cho rằng cần bắt giữ chó thả rông để người nuôi chó nâng cao ý thức, khi thả chó ra ngoài cần phải có rọ mõm, đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu phố. Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ, không ít người đặt ra câu hỏi về việc luật có được thực thi một cách nghiêm ngặt hay đề xuất về việc nên phân hạng cân cho chó.

Anh Tuấn Nguyễn (Chủ nhà hàng tại quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc bắt và tiêu hủy chó thả rông, tuy nhiên điều này chỉ nên thực hiện với chó không có vòng cổ. Điều này là cần thiết vì hiện nay có nhiều người nuôi chó thiếu ý thức, đặc biệt là gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường. Điều luật này giúp thiết lập lại trật tự và bảo vệ những người không nuôi chó. Tuy nhiên, điểm hạn chế của luật là đã đánh đồng tất cả các loại chó như nhau. Một con chó 5kg và một con chó 25kg không thể xếp cùng hạng được. Và một con Bully 45 cân thì càng không. Tôi nghĩ nên phân loại theo cân nặng. Ví dụ, dưới 20kg thì chỉ cần hoặc là có người dắt, hoặc là rọ mõm. Và miễn là có vòng cổ và chó có chứng nhận tiêm chủng là được, Còn chó trên 20kg thì bắt buộc có cả 2 thứ trên”.

Những giống chó nhỏ như Pug hay Poddle chỉ cần xích dắt là đủ, không cần máy móc áp ụng cả rọ mõm và xích.

Rõ ràng, việc phân rõ hạng cân để xử lý chó sẽ dễ dàng hơn và sẽ được dư luận chấp nhận dễ dàng hơn. Bởi lẽ, đa phần người nuôi chó phổ thông yêu thích những giống chó lành, nhỏ bé, dễ dàng mang đi lại. Đa phần những giống chó này có cân nặng không quá 10kg, người chủ hoàn toàn có khả năng kiểm soát được thú nuôi của mình khi bị kích động.

Hơn nữa, những giống chó này khi đưa đến những nơi công cộng cũng không phải là mối nguy hiểm với người đi đường. Trong vài năm gần đây, phong trào nuôi chó dữ cũng rộ lên ở Hà Nội, những giống chó lớn và hung dữ như Pitbull thì được những người nuôi theo hình thức câu lạc bộ và cũng thường ý thức được về độ nguy hiểm từ thú nuôi của mình nên ít người mang tới khu vực công cộng.

Hoàng Thu Phương (Thành viên Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội) cho biết: "Chó là động vật thân thiện và là bạn của con người. Tuy nhiên, vấn đề là "chủ nào tớ nấy", không phải ai cũng là người chủ tốt, có trách nhiệm và văn minh trong việc nuôi và chăm sóc. Vì thế đã có nhiều trường hợp thương tâm là chó cắn người hoặc chó cắn nhau gây ảnh hưởng về tâm lý và thiện cảm đối với mọi người. Vì vậy, tôi ủng hộ các quy định này để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, có rất nhiều loại chó với nhiều giống, loài khác nhau, phần lớn tại thành phố đều nuôi chó cảnh, size mini hoặc trung bình. Vậy thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước bổ sung quy định về cân nặng, cụ thể là, với chó dưới 10 hoặc 15kg thì không cần rọ mõmvì có những giống chó rất bé và hiền như phốc, sóc, poodle, chỉ sủa không cắn, thì cũng không cần thiết phải đeo rọ mõmnhưng phải có dây xích, vòng đeo cổ để biết được đây là chó có chủ. Và dĩ nhiên, phải có người dắt để tránh việc chó đi lạc".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet, ông Đoàn Hồng Phong - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khẳng định: "Hà Nội sẽ chủ động triển khai nhằm thực hiện tốt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2017 - 2021".

Huy Phạm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tieu-huy-cho-lang-thang-chi-nhung-loai-mac-benh-moi-mang-di-tieu-huy-post236765.info