Tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn

(Chinhphu.vn) - Tìm cách tháo gỡ cho việc tiêu thụ thịt lợn trong điều kiện dịch tai xanh vẫn còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài là biện pháp cấp bách mà các ngành chức năng đang tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, trong quý I/2010, ngành chăn nuôi tăng tưởng khá, tăng 3% về đầu con và 3,5% về sản lượng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, khi dịch lợn tai xanh bùng phát mạnh và lây lan nhanh tại các tỉnh, thành miền Bắc đã khiến cho việc tiêu thụ thịt lợn gặp nhiều khó khăn, bị ngưng trệ và giá thành giảm nhanh chóng. Hiện, giá lợn thịt, lợn giống tùy từng thời điểm đã giảm 10 – 20%, thịt lợn tiêu thụ tại các chợ đã giảm tới 40%. Người tiêu dùng cần hiểu đúng về dịch tai xanh Vấn đề được Bộ NNPTNT và Bộ Y tế nhấn mạnh tại thời điểm này là cần tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng về bệnh tai xanh trên lợn. Theo Cục Thú y, virus tai xanh không lây sang người. Vừa qua một số cơ quan đại chúng đã gắn lợn tai xanh với lợn bị bệnh do khuẩn liên cầu lợn là hoàn toàn sai. Vì liên cầu khuẩn lợn là bệnh thường xuyên khu trú trong lợn chứ không phải có bệnh tai xanh mới có liên cầu khuẩn. Liên cầu khuẩn lợn sẽ lây sang người nếu ăn tiết canh và thịt tái, sống. Do đó nếu chọn thịt lợn đảm bảo có kiểm dịch và nấu chín thì hoàn toàn có thể dùng thịt lợn bình thường. Để thông tin rõ hơn cho người dân, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, ông Tô Long Thành cho rằng, bệnh đáng lo ngại ở đây chính là vi khuẩn liên cầu lợn, vì bệnh này khá phổ biển, có thể khiến lợn bị khớp, viêm màng não khi nhiễm vi khuẩn này và có thể lây sang người. Thịt lợn bị bệnh do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra khó phát hiện, nên để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua thịt ở những điểm giết mổ tập trung, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. “Nếu thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu có thể bị tiêu diệt, nên người dân không nên quá lo lắng khi ăn thịt lợn. Vi khuẩn liên cầu chứa nhiều trong máu lợn. Vì thế, tuyệt đối không nên ăn tiết canh lợn vì nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao”, Ông Tô Long Thành lưu ý. Tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thịt lợn Bộ NNPTNT đã có Công văn số 1429/BNN-TY cho phép đối với lợn khỏe mạnh có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi tập trung nằm trong xã có dịch phải đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tai xanh được phép vận chuyển ra khỏi tỉnh, đến thẳng cơ sở giết mổ (đối với lợn thịt) hoặc cơ sở cách ly kiểm dịch (đối với lợn giống) được chỉ định trước. Đây là một chủ trương hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường tiêu thụ thịt lợn hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài Cục Chăn nuôi lo ngại nhất là người chăn nuôi e dè trong việc phục hồi đàn lợn nếu trong 6 tháng tới dịch tai xanh không dập được. Như vậy, kế hoạch tăng trưởng chăn nuôi 10% trong năm có thể không hoàn thành. Cục Chăn nuôi cho rằng, dịch tai xanh lây lan nhanh là do việc vận chuyển, lưu thông lợn bệnh tràn lan. Do đó, tại các tỉnh có dịch, cơ quan thú y và chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát, khống chế dịch, có phác đồ điều trị với lợn có dấu hiệu mắc dịch. Khi tiêu hủy lợn chết, cần thực hiện các bước theo hướng dẫn của thú y, khử trùng chuồng trại để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch tai xanh. Kiều Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tieu-thu-thit-lon-gap-kho-khan/20105/31696.vgp