Tìm cách cứu thị trường thịt lợn

(Toquoc)- Sau hai tháng dịch lợn tai xanh hoành hành, người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn, các cơ quan chức năng đã phải tìm cách cứu thị trường thịt lợn.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, mỗi tháng cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 290-300 ngàn tấn thịt lợn hơi, riêng tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2010 khoảng 1,77 triệu tấn, tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo Cục này, tới tháng 4/2010, cả nước có 27,3 triệu con lợn chủ yếu ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với 134.427 con lợn mắc dịch tai xanh, trong đó có hơn 60.000 con lợn chết và tiêu hủy đã làm thị trường lợn thịt và lợn giống trong cả nước chao đảo. Tại miền Bắc, đối với lợn 100% máu ngoại nuôi tại trang trại, giá từ bình quân 30,7 ngàn đồng vào tháng 3, tới tháng 4, giá lợn thịt giảm còn 25 -26.000 đồng, giảm khoảng 15%. Với lợn lai nuôi trong hộ gia đình, giá thấp hơn lợn ngoại từ 6-8.000 đồng/kg – giảm khoảng 22-24%. Lượng thịt lợn tiêu thụ đã giảm tới 30-40% (Ảnh: T.Nghị) “Lo ngại về dịch bệnh, ước tính sản lượng thịt tiêu thụ tại các chợ ở các TP lớn trong thời có dịch giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch bệnh tai xanh” – ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết. Tại miền Nam, dù chưa ghi nhận trường hợp lợn nào bị dịch tai xanh nhưng giá thịt lợn cũng giảm nhẹ, khoảng 7% so với tháng 1. Hiện giá thịt lợn hơi tại các trang trại chỉ còn 33.000 đ/kg. Cũng cảnh ngộ với thịt lợn, giá lợn giống cũng giảm theo. Tại các cơ sở giống lợn ở miền Bắc, lợn choai để nuôi thương phẩm loại 40kg/con giá bình quân giảm xuống còn 35,7 ngàn đ/kg trong tháng 5, trước đó, trong tháng 4 là 42,5 ngàn đ/kg. Còn tại các cơ sở giống lợn ở miền Nam, lợn choai để nuôi thương phẩm loại 40kg/con giá bình quân tháng 1- tháng 4 là 53,6 ngàn đ/kg hiện giảm xuống xuống 51,4 ngàn/kg; lợn cái giống ông bà, khối lượng từ 80-90 kg/con, giá bình quân thời gian trên là 60,2 ngàn/kg hiện còn 57,6 ngàn đ/kg, lợn đực thụ tinh nhân tạo sau khi kiểm tra năng suất là 80.000 đ/kg. Đặc biệt, hiện nay, việc tiêu thụ lợn giống đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi ngừng tái đàn, nhiều trang trại đã phải chuyển bán lợn giống thành lợn thịt. Mặc dù giá thịt lợn xuất chuồng giảm mạnh song giá lợn thịt bán lẻ tại các chợ vẫn giảm không đáng kể. Tuy nhiên, lượng thịt tiêu thụ tại các chợ, nhất là tại các TP lớn ở miền Bắc đã giảm nhiều. Ở Hà Nội, mức tiêu thụ tại các chợ trong tháng 5 giảm từ 35-40%, tại TP HCM giảm từ 10-15%. “Trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm thì một bộ phận thương lái đã lợi dụng tình hình dịch bệnh tai xanh ghìm giá mua lợn hơi hòng kiếm lời. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là việc vận chuyển lưu thông lợn thịt từ các trang trại không nhiễm bệnh cũng gặp nhiều khó khăn” – Cục Chăn nuôi nhận định. Một vấn đề đáng lo ngại khác mà Cục Chăn nuôi đưa ra là tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2010 khoảng trên 50.000 tấn, trong đó chủ yếu là các sản phẩm và phụ phẩm lợn đông lạnh (chiếm khoảng 95%). Đặc biệt, sau khi xảy ra dịch lợn tai xanh, sản lượng thịt lợn nhập khẩu có xu hướng tăng. Các địa chỉ nhập khẩu thịt lợn chủ yếu là từ châu Âu – 85,9%, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc): 12,7% - nơi trước đây vốn là thị trường xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam. Còn lại là các nước Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Thạch, một trong những chủ trang trại nuôi lợn tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc thì cho hay, ông đang phải chịu đựng sự “quá tải, quá khủng” vì 35.000 con lợn, trong đó có 2.600 con lợn nái. “Tôi muốn các ngành chức năng tìm ra được giải pháp lâu dài chống lại được dịch lợn tai xanh như vaccine chứ không phải là việc cứ năm nào cũng diễn ra dịch rồi đền bù, hỗ trợ. Cái này không giúp gì được người dân lâu dài” – ông Thạch nói. Chung nỗi lo với ông Thạch, ông Nguyễn Đức Đán, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty chăn nuôi cho rằng cần có các chính sách giãn nợ cho chủ trang trại nuôi lợn và đặc biệt là cung cấp điện cho trang trại nuôi. “Chúng tôi nuôi lợn cũng cần có đủ điện năng. Hiện còn 3.500 con nái, đẻ ra không tiêu thụ được, chuồng trại không đáp ứng, lợn tăng lên càng gây nguy cơ bị dịch bệnh lớn. Công nhân phải chăm sóc thủ công 24.000 con lợn thịt, rất vất vả” – ông Đán nói. Đại diện các cơ quan chức năng còn lo ngại một xu hướng khác, nếu dịch không được dập trong tháng 6, sang quý III, tình hình chăn nuôi lợn giảm và cơ quan chức năng không can thiệp nhanh thì ảnh hưởng tới người chăn nuôi, giá giống sau này cũng tăng. Dài hơi hơn, ông Giao khuyến cáo các địa phương tổ chức khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch cần thận trọng, tránh tư tưởng nóng vội, không tái đàn ồ ạt đồng thời sẽ kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thịt lợn, gia cầm cũng như đưa ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, hạn chế luồng sản phẩm giá rẻ, tạo điều kiện cho công nghiệp chăn nuôi trong nước phát triển./. Không lây bệnh sang người Một lần nữa các cơ quan chức năng khẳng định rằng, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra rằng lợn mắc bệnh tai xanh lây bệnh cho người. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân cần ăn thịt rõ nguồn gốc, xuất xứ, được các cơ quan kiểm dịch chứng thực, không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nên nấu chin kỹ trước khi ăn. Theo PTS Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú ý Trung ương, Cục Thú y: dịch tai xanh là dịch bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn. Dịch này làm suy giảm miễn dịch của lợn khiến các vi khuẩn kế phát phát triển. Một trong những vi khuẩn biến chứng là liên cầu lợn - ở trong tiết canh hoặc thực phẩm chưa nấu chín, có thể lây cho người và dễ dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, người dân không nên ăn các thực phẩm từ lợn chưa được chế biến kỹ, bởi có thể, đó là thực phẩm từ con lợn bị nhiễm dịch tai xanh. Đại diện Cục Thú y cũng cho hay, từ trước tới nay chưa phát hiện ra ổ dịch liên cầu khuẩn nào mà chỉ có các trường hợp lẻ tẻ và ở tỷ lệ thấp. Ông Hoàng Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các báo chí để người chăn nuôi và người tiêu dùng hiểu đúng hơn về bệnh tai xanh, không quá hoang mang và vẫn có thể tiêu dùng thịt lợn không nhiễm bệnh kể cả trong thời điểm đang có dịch như hiện tại. Để người tiêu dùng yên tâm, các cơ quan thú y cần tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn các sản phẩm thịt lợn không đảm bảo chất lượng và nhiễm bệnh len lỏi vào chợ. Tránh tình trạng lợn sạch cũng khó vận chuyển đưa vào tiêu thụ, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn số 1429 cho phép: với lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi tập trung nằm trong xã có dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tai xanh thì được phép vận chuyển ra khỏi tỉnh, đến thẳng cơ sở giết mổ hoặc cơ sở cách ly kiểm dịch đối với lợn giống được chỉ định trước. T.Nghị

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Tim-Cach-Cuu-Thi-Truong-Thit-Lon.html