Tìm cách đẩy vốn vào nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có một lượng vốn lớn, trong đó nguồn vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu thực tế và cần phải đáp ứng hơn nữa.

Tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng chủ trì, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam, cho biết tính đến 30-9, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015. Trong đó, tính đến hết tháng 6-2016, dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.

Theo ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55, ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định 41 ngày 12-4-2010 của Chính phủ với nhiều điểm nổi bật: mở rộng đối tượng vay vốn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5-2 lần so với quy định tại Nghị định 41, một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng được quy định mức cho vay phù hợp.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng, xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; đồng thời có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ...

Bà Trịnh Thị Mý (Quế Võ-Bắc Ninh), nông dân xuất sắc, cho biết: Chúng tôi đã tiếp cận nguồn vốn của Agribank cách đây gần 10 năm. Trước đây chỉ vay được 50 triệu đồng, tháng 9 vừa qua mới đầu tư lớn 20 tỷ đồng, tổng diện tích 7ha và hiện vay được 2,5 tỷ đồng. Để mở rộng quy mô chăn nuôi khép kín với khoảng 600 lợn nái và 10.000 lợn thương phẩm, đề nghị ngân hàng cho thế chấp bằng trang trại để vay vốn. Hiện Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Còn về thế chấp, chúng tôi đã phải sử dụng 6 sổ đỏ, diện tích 4.200m2 và cả nhà kiên cố mới vay được vốn. Vì vậy cần có chính sách cấp sổ đỏ cho trang trại chăn nuôi cách xa trong khu dân cư với thời hạn 50 năm để có thể dùng làm tài sản thế chấp vay vốn.

Tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đưa ra định hướng sắp tới đối với tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

“NHNN sẽ tập trung vốn, thời hạn, lãi suất cho các đối tượng kể trên. Đặc biệt là cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia, khi có lợi ích thì người ta sẽ tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này” - ông Tú khẳng định.

Xuân Anh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161031/tim-cach-day-von-vao-nong-nghiep.aspx