Tim Cook đặt cược vào công nghệ AR

Cook đã ví von tiềm năng của AR cũng giống như những gì smartphone mang lại.

Tim Cook đã nói rất nhiều về công nghệ kể từ khi trở thành CEO của Apple vào năm 2011. Nào là xe không người lái, trí tuệ nhân tạo, streaming TV... Nhưng không công nghệ nào làm ông phấn khởi và say mê như tăng cường thực tế ảo (AR), công nghệ đặt thêm các lớp hình ảnh máy tính tạo ra lên trên các hình ảnh, video, game... trong thế giới thực. Cook đã ví von tiềm năng của AR cũng giống như những gì smartphone mang lại. Tại một hội nghị công nghệ cuối năm ngoái, ông dự báo “rồi tất cả chúng ta sẽ có trải nghiệm AR mỗi ngày, gần giống như ăn 3 bữa mỗi ngày vậy. Nó sẽ trở thành một phần của bạn”.

Cook không chỉ nói. Những người biết về các kế hoạch của Apple cho biết hãng công nghệ này đã triển khai một nỗ lực đầy tham vọng để đưa AR đến với đại chúng. Tim Cook và các nhà điều hành tại Apple xem đó là cách tốt nhất để Công ty có thể giữ chặt người sử dụng vào phần mềm của nó và thống trị thế hệ phần cứng tiếp theo.

Apple đã xây dựng một đội ngũ gồm các tay kỳ cựu trong cả mảng phần cứng lẫn mảng phần mềm, kết hợp với những tài năng từ bên ngoài. Được điều hành bởi một cựu nhà điều hành từ Dolby Laboratories, nhóm này bao gồm các kỹ sư đã từng nghiên cứu các thiết bị thực tế ảo (VR) HoloLens và Oculus VR do Facebook và Microsoft bán ra, cũng như các “phù thủy” về hiệu ứng số đến từ Hollywood. Apple cũng đã mua lại nhiều công ty nhỏ có kiến thức về phần cứng AR, game 3D và phần mềm VR.

Công ty cũng đang nghiên cứu nhiều sản phẩm AR, bao gồm chiếc kính số có thể kết nối không dây với một chiếc iPhone và chiếu phim hoặc bản đồ lên trên tròng kính. Mặc dù chiếc kính này vẫn còn là tương lai xa vời nhưng các đặc tính AR có thể có mặt sớm hơn trong chiếc iPhone. Apple từ chối bình luận về vấn đề này.

Phần mềm và các thiết bị AR chắc chắn là một thị trường đáng mơ ước với quy mô lên tới 90 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng 80% vào năm 2024, theo hãng nghiên cứu Global Market Insights Inc. Và Tim Cook phải bằng mọi giá theo đuổi AR nếu không muốn tốc độ bành trướng của những thiết bị như vậy “hút cạn” sự chú ý của người tiêu dùng khỏi các sản phẩm của Công ty, theo Gene Munster, đồng sáng lập Loup Ventures. “Đó là điều họ cần phải làm để tiếp tục tăng trưởng và bảo vệ mình trước sự thay đổi về cách người ta sử dụng phần cứng”.

Tăng thêm các đặc tính AR vào iPhone không phải là bước nhảy đột phá. Phát triển chiếc mắt kính đủ mạnh nhưng gọn gàng mới là nhiệm vụ khó khăn hơn. Giống như Apple Watch, chúng có lẽ được kết nối với iPhone. Đưa các hình ảnh 3D vào mắt kính sẽ đòi hỏi điện năng lớn, buộc phải có tuổi thọ pin tốt, một hệ điều hành mới và có lẽ là một con chip mới. Apple sẽ phải chuyển ra ngoài các khâu quan trọng của chiếc kính này để đảm bảo mức giá phải chăng khi đến tay người tiêu dùng. Có lẽ quan trọng nhất sẽ là các ứng dụng, game và các chức năng khác thực sự hữu ích và thú vị đủ để khiến người tiêu dùng không cưỡng lại được.

Tim Cook đã tuyển dụng cựu chiến binh từ Dolby là Mike Rockwell vào năm 2015 để dẫn dắt bộ phận AR. Cùng với các cựu chiến binh khác về Oculus VR và HoloLens, những tài năng dưới trướng của Rockwell còn có các nhà thiết kế hàng đầu của chiếc Apple Watch, các nhà phát triển được tuyển dụng từ hãng sản xuất kính AR Meta, các chuyên gia thực hiện hình ảnh động 3D từng làm trong bộ phim bom tấn Avatar và nhà sáng tạo chuẩn audio THX, theo những người biết về kế hoạch của Apple. “Rockwell là người rất dày dạn kinh nghiệm. Nếu mời người cho vị trí này thì họ chắc chắn mời ông ấy rồi”, Jack McClauley, đồng sáng lập Oculus VR, nhận xét.

Các thương vụ thâu tóm của Apple cũng có thể hỗ trợ cho Rockwell. Công ty đã mua lại nhà sản xuất phần mềm AR có tên là Metaio vào năm 2015 và công ty phần mềm camera AR gọi là FlyBy Media Inc. vào năm ngoái. Cựu CEO của Metaio là ông Thomas Alt đang nằm trong nhóm triển khai các thương vụ chiến lược của Apple, vốn quyết định các công nghệ nào sẽ đáng được đầu tư.

Mùa hè vừa qua, Cook đã ghé thăm các văn phòng của Magic Leap Inc., một startup AR được định giá 4,5 tỉ USD và Cook cũng thể hiện sự thích thú đối với công nghệ của hãng này, theo những người biết đến kế hoạch của Apple. Magic Leap từ chối bình luận.

Hàng trăm kỹ sư giờ đang làm việc cho các dự án của Rockwell, trong đó một số thuộc nhóm camera iPhone, đang nghiên cứu phát triển những đặc tính AR cho chiếc điện thoại này, theo những người biết về kế hoạch của Apple. Một đặc tính mà Apple đang phát triển sẽ cho phép người sử dụng chụp hình bằng điện thoại, sau đó thay đổi chiều sâu của tấm hình hoặc những vật thể trong tấm hình đó. Một đặc tính khác sẽ là khu biệt một vật thể trong một hình ảnh như đầu của một người rồi sau đó xoay một góc 180 độ. Đặc tính thứ ba là dùng công nghệ AR để đặt các hiệu ứng ảo và các vật thể lên một người. Các đặc tính camera iPhone có lẽ sẽ dựa vào một công nghệ gọi là cảm nhận chiều sâu và sử dụng các thuật toán tạo ra bởi PrimeSense Ltd., một công ty Israel mà Apple đã mua lại vào năm 2013.

Chiếc kính AR của Apple được cho rằng sẽ không ra mắt trước thời điểm năm 2018. Công ty nhận thức rất rõ rằng sứ mệnh làm cho các thiết bị đeo trên người trở thành vật bất ly thân của người tiêu dùng là một hành trình gian nan. Bằng chứng là chiếc Google Glass đã từng trở thành một trò cười vào năm 2014, trong khi chính chiếc đồng hồ thông minh của Apple cũng không trở thành sản phẩm chủ đạo vào năm 2015.

Các nhà phát triển của Rockwell sẽ cần phải phát triển một thiết bị có thể giúp gia tăng độ hữu dụng của chiếc iPhone và hệ điều hành iOS mà không làm mất đi những đặc tính mà người sử dụng yêu thích về nó. “Để thành công trong AR, vừa phải có phần cứng vừa phải làm các thứ khác từ bản đồ cho đến thanh toán”, Munster, thuộc Loup Ventures nhận xét. Tuy nhiên, Munster tin rằng, nhìn lại lịch sử, “Apple là một trong những công ty có khả năng làm được điều đó”. Tim Cook liệu có thể chứng minh được điều này.

Ngô Ngọc Châu

Nguồn Bloomberg

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/tim-cook-dat-cuoc-vao-cong-nghe-ar-3318459/