Tìm “đường chim bay” cho nông sản

(Chinhphu.vn) - Người ta thường dùng hình ảnh “đường chim bay” để nói về đoạn đường thẳng, ngắn nhất nối hai điểm. Nhưng trong nông nghiệp, để kết nối được sản xuất đến tiêu thụ nông sản thì cả doanh nghiệp và người nông dân đang phải đi đường vòng rất xa.

“Đường độc đạo” của mía đường

Trong câu chuyện của ngành mía đường, phảng phất thấy bóng dáng của nhiều loại nông sản khác đang chật vật tìm sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Lượng đường tồn kho ở nước ta hiện nay lớn, giá bán buôn giảm mạnh, trong khi đó giá bán lẻ đường ở các chợ và siêu thị vẫn “cố thủ” ở mức cao. Nghịch lý này cho thấy chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ đường dường như quá dài và còn nhiều ngõ ngách…

Trong khi giá đường bán tại các nhà máy thấp, tồn kho lớn thì tại các chợ và siêu thị giá đường lại giữ nguyên mức giá cao ngất ngưởng

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), trong mặt bằng chung về nông nghiệp,ngành mía đường có những đặc điểm sản xuất công nghiệp cao hơn, đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Ở những mức độ khác nhau các doanh nghiệp mía đường đều gắn bó với nông dân.

Chính vì vậy, khi giá đường xuống thấp như niên vụ 2012-2013, các nhà máy vẫn cố gắng duy trì giá thu mua mía của dân ở mức bình quân trên dưới 1 triệu đồng/tấn mía, người trồng mía yên tâm hơn. Nhờ thế, diện tích trồng mía không những không bị suy giảm mà còn tăng đến ngưỡng quy hoạch.

Song chính các doanh nghiệp mía đường lại không làm được điều tương tự khi tiêu thụ sản phẩm của chính mình.

Ông Lê Thế Tam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tiết lộ đến nay, chưa có bất kỳ nhà máy đường nào trong số 40 nhà máy trên cả nước tự xây dựng được hệ thống đại lý tiêu thụ riêng một cách chuyên nghiệp, càng không thể đưa được sản phẩm đến các cửa hàng bán lẻ.

Vì thế, đây chính là "mảnh đất béo bở" cho thương lái xây dựng mạng lưới "đường độc đạo" kết nối giữa các nhà máy sản xuất đường với thị trường mà chỉ có chính họ mới "tỏ đường đi lối về". Chính mạng lưới phân phối của thương lái "bao vây" quanh các nhà máy đường này khiến cho giá thành của đường đến tay người tiêu dùng bị đội lên nhưng cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều không được hưởng lợi. Điều này khiến quãng đường tiêu thụ của các nhà máy mía đường lại trở thành những quãng đường vòng dài dằng dặc với vô số những trạm trung chuyển.

Bản thân các nhà máy đường không phải không nhận ra điều này nhưng để tìm được con đường ngắn hơn, trực tiếp hơn để đưa sản phẩm đến người dùng thì lại quá khó.

Ông Đặng Thế Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn, chia sẻ: “Thực ra Nhà máy rất muốn phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng nhưng số lượng đường sản xuất hằng năm quá lớn nên không đủ nguồn lực để làm. Hơn nữa, lượng đường trực tiếp bán ra không qua các đại lý rất nhỏ và thường chậm thu được tiền để thanh toán cho người nông dân”.

Đang có thực tế các doanh nghiệp mía đường hỗ trợ rất tốt cho nông dân trồng mía nhưng bản thân họ lại không được hỗ trợ trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các nhà máy đường cũng còn thiếu cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ để tìm được hướng tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vẫn chưa khỏi tiếc nuối cơ hội đến vào thời gian trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu nhập đường từ Việt Nam với giá rất tốt, nhưng do các nhà máy chưa có giấy phép nên không xuất khẩu đường được. Đến khi có giấy phép thì cơ hội đã trôi qua.

Ông Long nhận xét, các nhà máy đường hiện đang bảo hộ nông dân bằng cách ký hợp đồng cam kết với nông dân bảo đảm tiêu thụ mua với giá phù hợp. Tuy nhiên, việc bảo hộ cho nhà máy chưa tương thích. Do đó, quãng đường kết nối sản xuất với tiêu thụ mía đường vừa dài, vừa xa.

Rõ ràng, người sản xuất cũng hết mình và doanh nghiệp cũng xắn tay tự tìm đầu ra nhưng kênh lưu thông từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ trong nước, chứ chưa nói đến xuất khẩu, bị cắt khúc bởi chi chít thương lái. Chính vì vậy, người làm cứ làm, người bán cứ bán mà không biết liệu ngày mai thị trường cần sản phẩm như thế nào, bao nhiêu là đủ?

Nếu không có một trọng tài đủ sức điều tiết cung cầu trên nền tảng am hiểu đặc tính của nền sản xuất trong nước và “thời tiết” của thị trường nói chung thì bàn tay vô hình trong cuộc chơi này không những sẽ bóp nghẹt người sản xuất mà còn "triệt tiêu" cả những doanh nghiệp xuất khẩu đang chạy đôn chạy đáo thu mua từng cân đường từ thương lái và hồi hộp chờ “quota” xuất khẩu sao cho đúng dịp…

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/kinh-te/tim-duong-chim-bay-cho-nong-san/178981.vgp