Tìm kiếm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn

Do ảnh hưởng của dịch tai xanh trên lợn trong hơn hai tháng qua, tình hình tiêu thụ thịt lợn và vận chuyển gặp nhiều khó khăn, ước tính sản lượng thịt tiêu thụ tại các chợ ở các thành phố lớn trong thời gian có dịch giảm từ 30-40% so với trước.

Dịch không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi mà còn tạo tâm lý không tốt với không ít người dân. Trước tình hình này, chiều 27/5, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và một số ngành liên quan đã họp khẩn bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, khôi phục đàn và lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, điều nguy hại là việc tiêu thụ lợn giống đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi ngừng tái đàn và các trang trại đã phải chuyển bán lợn giống thành lợn thịt. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được cho là do thông tin thiếu chính xác khiến một bộ phận người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn; thương lái ghìm giá mua lợn hơi để kiếm lợi và đặc biệt là do việc vận chuyển lưu thông lợn thịt từ các trang trại không nhiễm bệnh cũng gặp khó khăn. Tại cuộc họp, đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đều khẳng định dịch bệnh tai xanh trên lợn không lây sang người và có thể khống chế được trên cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm tra giám sát chặt chẽ công tác vận chuyển, buôn bán và giết mổ. Các cơ quan chuyên môn về y tế và thú y sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và người tiêu dùng hiểu đúng hợn về bệnh tai xanh, không quá hoang mang và vẫn có thể tiêu dùng thịt lợn không nhiễm bệnh, kể cả trong thời điểm đang có dịch như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, ước tính mỗi tháng cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 290-300.000 tấn thịt lợn hơi. Dự báo trong 6 tháng đầu năm tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 1,77 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do dịch bệnh tai xanh trên diện rộng nên giá thịt lợn hơi xuất chuồng thời gian qua liên tục biến động và có sự chênh lệch lớn giữa miền Bắc và miền Nam (miền Nam thường cao hơn từ 12-14%). Tại miền Bắc, từ tháng 4, mức tiêu thụ và giá giảm đáng kể so với trước khi có dịch. Cụ thể, lợn 100% máu ngoại nuôi tại trang trại giá chỉ còn 25-26.000 đồng/kg (giảm khoảng 15%); lợn lai nuôi hộ gia đình 17-18.000 đồng/kg, giảm 22-24%. Giá lợn giống theo đà cũng giảm theo từ 7,6-23,2% so với bình quân ba tháng đầu năm. Mặc dù giá lợn thịt xuất chuồng giảm mạnh nhưng tại các chợ bán lẻ lại không giảm đáng kể dù lượng thịt tiêu thụ, nhất là các thành phố lớn miền Bắc đã giảm nhiều. Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan thú y địa phương vừa thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn vừa tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi không nhiễm bệnh được vận chuyển lưu thông lợn giống và lợn thịt để đẩy mạnh tiêu thụ. Các tỉnh được khuyến cáo không nên tái đàn ồ ạt mà cần đảm bảo một số điều kiện như địa phương công bố hết dịch; để trống chuồng trại trong thời gian tối thiểu là 21 ngày kể từ ngày vệ sinh, tiêu độc khử trùng, trước khi nuôi lợn trở lại hàng ngày cơ sở chăn nuôi phải phun thuốc tiêu độc liên tục trong một tuần; lợn đưa vào tái đàn phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch, đồng thời được tiêm phòng vắcxin phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định./. Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/tim-kiem-giai-phap-day-manh-tieu-thu-thit-lon/20105/46760.vnplus